Viết cho những tháng năm không trở lại

Kitty Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày ấy nó yêu mưa, muốn tan ra theo mưa để bay nhảy khắp nơi. Bây giờ nó ghét mưa, vì mưa mang ngày tháng tới, mà nó đang mong ngày tháng dừng trôi.
Viết cho những tháng năm không trở lại
Ảnh minh họa

Ngày tháng năm

Bức tranh trong hồi ức

Từ ngày vào thành phố này, nó dường như đã quên cảm giác dậy thật sớm để đón bình minh ngày mới như thói quen ngày xưa. Nếu ai đó vẫn ôm hoài cái bóng quê hương, cái bóng tuổi thơ mà đến giờ còn mộng mị trong giấc ngủ, khó có thể bước ra mà hòa nhập với cuộc sống. Tất cả chỉ là mới hôm qua.

“Xin cho tôi góc trời bình yên nhé!

Để tôi lặng lẽ cho góc trời riêng tôi”

Trong nó vẫn còn đong đầy những buổi sớm tinh khôi ngồi trên ban công nhà để yên cho làn gió sớm mai khẽ ùa qua da thịt, cảm giác mát rượi, thấm vào hơi thở. Ai bảo nó yêu gió? Ai bảo nó có tâm hồn mong manh như gió? Dễ tổn thương, mau đau lòng? Nơi ban công nó chọn cho mình một góc để có thể quan sát được dòng người đang tấp nập ngược xuôi cho một ngày mới.

Là con gái Phố chợ, ai nghĩ nó chọn ngồi đây chỉ để nhìn những gì đang diễn ra? Cũng chính nơi này, nó cùng những người thân yêu nhất quay quần bên nhau để vô tình nhận ra, ai cũng chọn đó làm góc khuất cho riêng mình và cũng chính nơi này mọi bí mật đều được hé mở.

Nó yêu gia đình mình lắm, tổ ấm đơn sơ nhưng chứa chan tình cảm được vun đắp từ bàn tay bố vững chãi, bàn tay mẹ vuông khéo và sự ngoan hiền của ba chị em. Cũng nơi ban công đó, nó ngắm quê hương trong đêm… không thanh bình, không quá ồn ào.

Kìa là quán cô Ba heo hắt với vài món đồ bán lẻ đủ cho bữa cơm qua ngày. Ngày xưa, cô là người buôn bán đắt khách nhất khu này, nhưng sự khôn ngoan của một người đàn bà cũng không thể bằng những thủ đoạn khôn lường thế gian, và đời đâu phải chỉ đơn giản là sự tận tụy. Bên trong đó còn ẩn chứa biết bao điều mà ta chưa thể biết. Khắt nghiệt lắm khi không đi theo bất kỳ quy tắc nào. Đó đã là một định mệnh, muốn hay không, ai cũng phải chấp nhận đôi khi là nghiệt ngã. Đúng là quá khứ luôn đẹp, hay ít ra với cảm nhận nó có được càng vàng son thì đi kèm sau đó sẽ là sự hụt hẫng, thất bại ê chề.

Nó vẫn nhớ da diết cái nắng oi ả của khí trời miền Trung. Nó đã chạy tung khắp sân vườn nhà ngoại hóng gió, trộm vài quả trái cây ông bà phần con cháu ở xa, ngồi vắt trên cây chôm chôm an toàn nhất mà ngủ khì lúc nào không hay. Chiều đến, nó vội thả hồn ra cánh đồng quê để kiếm hơi gió thơm mùi mạ non những trưa tháng ba, hòa vào dòng người gánh lúa những trưa tháng năm, mà cũng có thể là hít hà khói rơm chiều ngai ngái hương lúa mới. Mấy ai xa quê lại không da diết mùi thoang thoảng, nồng nàng trong tâm thức này. Hay cả những đêm hùa theo đám người soi cua để về nhà có ngay bát bún riêu nóng hổi thơm cay mà mẹ nấu.

“Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật lâu, nhìn gió quê hương ngồi ngẫm lại mình, tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống”.

Góc ký ức mà không một người nào dám quên!

“Cho kỷ niệm ta giữ vào lòng nhé!

Để chính ta là mảnh vẽ quê hương

Cho ông bà, cho mẹ cha, em chị

Cho cả vào đây ta giữ lấy tình yêu”.

Góc trời của nó còn là cả khoảng không quê hương mênh mông xa vắng. Ai bảo nó tham lam, nó đành chịu bởi lẽ một miền ký ức xa xôi đang dội về. Đó là những buổi sáng êm như ru nó choàng dậy trong tiếng gọi quen thuộc của nhỏ bạn thân “Q! dậy đi học mày” , “ta ngủ 5 phút nữa thôi” rồi vội vàng chuẩn bị cho một ngày mới. Nó bước ra khỏi nhà với cái bụng trống rỗng là thói quen vô đối dù hôm nào mẹ cũng mua sẵn đồ ăn để trên bàn kèm theo lời nhắn “ăn sáng nghe chưa”. Trưa về, nó với chiếc bụng rỗng sẽ lân la hàng quán nào đó rồi cũng vội vã đạp xe như điên về nhà cho kịp bữa cơm trưa. Đến giờ, nó lại thèm nghe da diết câu mẹ hay mắng “tao không dám ăn sáng vậy mà sáng nào cá dưới suối cũng được ăn heng".

Nhớ ba khản giọng trong nghề gõ đầu trẻ. Nhớ ba hiền, ba ấm áp như một mặt trời lan tỏa khắp lối nó đi, ba nhẫn nhịn, ba chịu đựng, tất cả vì “nhà mình”. Nhớ mẹ tần tảo trong gian hàng vây quanh toàn là trẻ con với kẹo mút, bỏng ngô xanh đỏ, bán giấc ngủ trưa để kiếm cho chị em nó chút sung túc hơn người ta.

“Gia đình”, hai tiếng thiêng liêng mà khi nhắc đến mắt nó ngời lên tự hào. Nơi đó, ngày xưa có cái phòng mưa dột ướt hết chỗ nằm, ba mẹ thức trắng đêm để canh lũ về. Là nơi mẹ nấu những món ăn ấm lòng cho những ngày đông mưa dầm mưa dề. Là nơi mọi tội trạng trong nhà chỉ là của riêng ba đơn giản vì mẹ đâu dám la ba mặc dù mẹ đều biêt hết. Là nơi ba nấu những món ăn kỳ quái nhất thế kỷ nhân ngày 8/3, là những nồi cơm chiên to đùng về khuya mẹ bồi dưỡng cho cả nhà. Là nơi khóe mắt nó cay vì những lần bị mẹ mắng oan. Là nơi nó lớn lên, là nơi cất giữ nhiều bí mật cuộc đời.

“Lá dang năm bảy lá

Cá cơm năm bảy con

Vậy mà trọn kiếp người

Theo con cùng năm tháng”.

Lại miên man trong không gian là nó, cô bé với đôi chân trần chạy trên vùng đất quê hương, để ghi nhớ từng nắm cát, từng hạt sỏi

“Khách bước dồn

Hồn mây phiêu lãng

Có mang theo nắm cát quê hương

Để nhớ thương vấn vương gói trọn

Miền thương nhớ

Trong cơn mơ

Ùa về”.

Với nó, cát là nguồn cội của cuộc sống. Ba lớn lên từ những cồn cát sai oằn dừa, mẹ về với ba từ bãi cát dài tưởng chừng như vô tận. Cát nóng bỏng, cát vàng lạnh, cát bỏng rộp chân người, vậy mà nó vẫn yêu cát. Hay đúng hơn nó yêu cát vì đã mang ba mẹ về bên nhau đã đơm hoa cho tình yêu 15 năm chông gai.

Đi chân trần trên cát, nó thấy mình tự tại, hồn nhiên không lo âu vướn bận. Cát cho nó xây lâu đài ước mơ, xây tuổi thơ với những chiều tắm mát bên cái giếng cát ba đào. Quá khứ lúc nào cũng đẹp, mà cũng có thể khi còn là một con nhóc không bận tâm nhiều, mọi thứ đều là màu hồng. Thôi kệ, dù sao cũng cảm ơn cuộc đời vì đã cho nó có những ngày tháng lắng sâu vào tiềm thức, cho nó một khoảng không rộng lớn với một miền ký ức đẹp như chính bức tranh quê nó buổi bình minh.

Xe buýt và mưa

Tưởng không ai quên nhưng rồi sẽ mau quen để nhẹ nhõm hơn với một cuộc sống mới ồn ào và tấp nập. Ai đó đã nói “con người ta không thể cùng một lúc làm tốt cả hai việc, vì vậy, hãy chọn một để có một cái tốt”.

Rồi nó cũng rời quê hương để tới thành phố sôi động này. Đơn giản đó cũng là sự chọn lựa. Nhiều khi nó trộm nghĩ "tại sao mình lại vào đây? Sao không chọn một vùng đất khác?". Nhưng mọi ngã rẽ của cuộc đời nó đã được vạch sẵn. Con đường nó đang bước đi cũng không quá chông chênh như những đứa con gái ở quê lên tỉnh khác. Một ngôi nhà vừa tầm, không lo ăn lo mặc. Mọi thứ dường như quá suông sẻ, và mọi người vẫn nghĩ nó không biết buồn.

Cũng nhiều khi nó hỏi "vì sao mình không học ở gần nhà để có thể chạy đi chạy về, thỏa nhớ mong ba mẹ ở quê?". Ngốc quá đi nó ạ! Những gì đã trôi qua sẽ không bao giờ lấy lại được, mà dù có được cũng không còn như ngày xưa. Cái ngày nó cho là quá khứ.

Nếu có chọn lựa lần nữa, có lẽ nó vẫn sẽ làm như thế này. Vì nó “không dám tiếc quá khứ” bởi đã có quá nhiều sai lầm. Nó đã đúng hay sai trong cuộc đời này? Nói dối là đúng hay sai? Vờ như không biết là sai hay đúng?

Chiếc xe buýt quen thuộc, vẫn chỗ nó hay ngồi. Hôm nay trời mưa. Hôm nay là bắt đầu hay kết thúc?

Nó nhìn ra cửa sổ, mọi vật mờ hẳn ngày thường một phần vì mưa muốn xóa tan đi mọi thứ, một phần vì vận tốc lại khá nhanh. Bất chợt nó nghĩ “sao mưa không xóa đi đau buồn mà nó đang chịu đựng?”.

Mưa càng nặng hạt. Có vẻ đang hả hê tưới mát từng nhành cây ngọn cỏ, cho thành phố dịu lại, cho lòng người có chút thảnh thơi. Qua cửa sổ, nó lại nhớ những ngày ở quê kinh khủng.

Mưa, đồng nghĩa với việc nó chạy ngay ra sân, hòa mình vào mưa. Ngày ấy, nó đâu mang nhiều tâm sự như bây giờ. Ngày ấy nó yêu mưa, muốn tan ra theo mưa để bay nhảy khắp nơi. Bây giờ nó ghét mưa, vì mưa mang ngày tháng tới, mà nó đang mong ngày tháng dừng trôi.

Mưa thành phố đâu có giống mưa quê. Cơn mưa quê, cơn mưa hiền hòa, mưa mát lành. Mưa hạnh phúc, viên tròn. Tắm mát rồi đôi khi quá đà, nó ốm li bì để được ăn bát cháo nóng do những người nó thương yêu nhất nấu. Ngày bình yên trong cơn mưa mùa.

Hiện tại thì sao? Không lạ lẫm, không cô đơn, nhưng sao lạc lõng vô cùng. Nó thấy được sự thất bại, bất lực. Nó cũng không đơn giản là bị mẹ la những lúc bướng bỉnh, cũng không là những lần chọc giận bố, càng không phải là cảm giác buồn lo khi ba mẹ cãi nhau. Có thể gọi đó là gì nhỉ? Không định hình mà cũng không cần gọi tên. Nó sắp mất đi cảm giác bình yên mà nó cố gắng tạo dựng.

Bao chuyến xe buýt chở biết bao lượt người, chở đi bao ươc mơ, xây bao hy vọng cho những con người trẻ tuổi như nó. Vậy sao không mang định mệnh kia đi thật xa, thật xa. Mỗi con người trên chuyến xe công cộng đều có một hoàn cảnh riêng, một nỗi niềm riêng, nhưng tuyêt nhiên ai cũng giữ cho mình vẽ hờ hững. Vì chuyến xe đi nhanh qua, họ lại xuống đến nơi họ cần đến, làm viêc họ cần làm. Những nỗi niềm lại hóa âm thầm.

Ngồi trên xe nó lại nghĩ về con người quê nó, chia sẻ niềm vui nỗi buồn, khích lệ động viên nhau. Ở đây, sao con người lạnh lùng như mưa ngoài trời. Rồi cũng chẳng ai rảnh hơi đâu ngồi trên xe buýt hỏi thăm nhau. Chỉ có nó, một con người kỳ quái với những câu hỏi khác người mới tự chất vấn mình.

“Mưa hè cuốn lá me trôi đi mất

Giấc mơ xưa tan theo tiếng mưa hè

Tâm hồn ta hé ra bao hy vọng

Chong chóng ngày qua xóa những phút nhọc lòng”.

Mưa! Mưa rơi nặng hạt đúng vào ngày nó chọn ngồi trên tuyến xe buýt dài nhất này. Nó bắt đầu cảm thấy lành lạnh mặc dù số lượng người trên xe ngày một đông. Đúng là mưa, mưa người ta vẫn chạy theo vòng xoay của cuộc sống, mưa vẫn không làm chậm lại nhịp đời hối hả. Nó nhớ, ngày ở quê, mưa tới mọi người hầu như chỉ ở trong nhà, hâm lại bầu không khí gia đình bằng những khi ngồi tụm lại cùng nhau bên bếp lửa để kể cho nhau nghe đủ thứ, hay thảnh thơi xem tivi dưới tiếng rơi đều đều của mưa. Cũng có thể là cuộn tròn lại trong chăn đánh một giấc.

“Mưa!

Nước mắt đời ai khóc

Con nhóc ngày xưa nhìn mưa lớn từng ngày

Mắt biết cay khi cuộc đời thay đổi….

Này mưa! Có bao giờ mi nói dối chưa? Mi có ân hận khi nói dối không? Theo mi ta đã đúng hay sai? Mưa ơi! Nói dùm ta, ta phải làm gì? Ta đã cố gắg rất nhiều, ta đã hy vọng rất nhiều! Mưa ơi! Ta sợ!

Mưa là thành công và thất bại

Ta góp lại

Để nhận ra chính mình.

Mưa à! Ta nói mi nghe, cuộc sống này nó buồn quá mưa ơi. Nước mắt có xóa được đau thương không mưa?”.

Nó đã khóc rất nhiều, nhiều đến nổi nó tưởng như mình không thể khóc được nữa. Nó tạo cho mình cái vỏ bọc bên ngoài đầy cứng rắn của một đứa con gái vô tình, lạnh lùng. Nỗi đau này là quá sức của nó. Nó chẳng suy nghĩ được gì, học hành cũng mất tập trung. Đúng là càng muốn quên sẽ càng nhớ. Buổi sáng cười nhiều đồng nghĩa với đêm đến mình nó gặm nhấm những mảnh vụn đã tan tành của cuộc sống. Cũng chẳng ai biết tại sao nó thức khuya. “Cuộc đời, ta không muốn thời gian trôi qua, ta muốn mi dừng lại, ta muốn chính ta níu giữ thời gian lại bên mình”.

Ngồi trên xe buýt, suy nghĩ mông lung. Có phải nó cũng đang lãng phí thời gian mà nó cố tiết kiệm? Dằn lòng trong cơn mưa như trút nước ngoài kia chỉ biết buồn, biết nuối tiếc cho những gì đã qua cũng có làm được gì. Có thả trôi cái điều nó không trông đợi theo mưa được đâu? Dường như xe buýt và mưa đồng lõa cho nỗi lòng sâu kín của nó.

“Cả bầu trời nhìn bằng khung cửa nhỏ

Có chút mong manh của một kiếp người

Có chút sầu của một ngày sắp tắt

Chỉ còn ta đếm nốt lăng thời gian”.

Về cùng ta ngày xưa nhé! Về cùng những kỷ niệm êm đềm. Về với ba mẹ, với chị em, với ngôi nhà ta lớn lên, với sự ngây thơ hồn nhiên như tờ giấy trắng. Ta sẽ đợi mi trên chuyến xe này.



Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật