Đọc hồi ký lính trận

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không mộng mơ khát vọng như nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi“ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, không lãng mạn bi tráng như “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm“ của liệt sĩ - Anh hùng Đặng Thuỳ Trâm (NXB Thanh Niên 2008).
Đọc hồi ký lính trận
Hồi ký "Có một thời như thế" của Võ Minh.

Những trang nhật ký trong hồi ký "Có một thời như thế" của người thương binh lính trận Võ Minh lại góp phần giúp ta lật lại điềm tĩnh cuốn lịch chiến tranh mà ở đó mỗi ngày đều gầm rú đạn bom, đều thấm đẫm máu người lính trận.

Sức cuốn hút của hiện thực khốc liệt đã vượt ra ngoài chữ nghĩa, ra ngoài nhịp điệu văn xuôi. Một hiện thực quá vãng buộc hôm nay không bao giờ được lãng quên. Một hiện thực mà dư ảnh của nó vẫn còn vẹn nguyên trong số phận những người lính trận may mắn còn sống sót, nhưng lại phải đối mặt với một hiện thực mới thiếu may mắn mà đa số những người lính trở về phải chấp nhận.

Trong suốt hơn 200 trang hồi ký được dựng lại theo thể nhật ký, gần như không có trang nào không thấy rớm máu, không có trang nào không thấy thủng lỗ chỗ vết đạn bom. Câu chuyện về một trung đoàn bộ binh anh hùng 271 được dựng lại thông qua cảm nhận của một người lính chỉ trong khoảng thời gian hai năm (từ tháng 2.1972 đến tháng 2.1974) mà lại như giúp ta nhận ra toàn cảnh của cuộc chiến đấu một mất một còn kéo dài suốt 15 năm (từ 1960 đến 1975) của những người lính cách mạng "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai". Và cứ cộng lại những hy sinh như thế của tất cả các đơn vị như vậy, đã thấy một chiều cao không đỉnh núi nào sánh bằng, một chiều rộng không biển cả nào đọ được.

Đọc cuốn sách này, ta chỉ cảm thấy đau đau, nghèn nghẹn đâu đó không rõ rệt trong đáy lòng ta. Đấy là sức mạnh nhân văn ghê gớm ẩn sau trang viết. Cũng nhờ sức mạnh chân thật của hiện thực mà ta nhận ra sâu sắc rằng chính trong những đau thương, mất mát ấy, con người VN thời ấy đã tạo ra một tình cảm đặc biệt, đậm đặc gọi là tình đồng đội. Đoạn rất mỏng sau cùng, chỉ có mấy trang thôi sao cứ trĩu nặng lòng ta. Những hy sinh thầm lặng ấy, hôm nay bù đắp thế nào cho đủ, sống thế nào cho xứng đáng?

Để viết ra hơn 200 trang hồi ký này, anh thương binh 81% Võ Minh với bao mảnh đạn còn trong đầu, trong c‌ơ th‌ể đã phải có một nghị lực phi thường, một tình đồng đội phi thường mà không phải ai muốn cũng làm được. Và Võ Minh còn làm thêm một công việc "bếp núc văn chương" nữa là tuyển chọn những bài thơ của các đồng đội, người đã hy sinh, người còn sống, làm thành một tuyển tập thơ mang tên "Bài thơ viết dở" (NXB Hội Nhà văn 2008) song hành với tập hồi ký của anh.

Tất cả họ đều thật xứng đáng khi mang trong mình phẩm chất "anh bộ đội Cụ Hồ". Sau cuộc chiến tranh ác liệt, Võ Minh đã mang bao vết thương, học hành trở thành kỹ sư điện; Hồ Xuân Hùng tốt nghiệp tài chính, nhiều năm làm Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - hiện là Thứ trưởng Bộ NNPTNT; Trần Anh Phương tiếp tục học đại học, nay là tiến sĩ - Vụ trưởng - Trưởng ban chuyên đề Báo điện tử Đảng cộn‌g sả‌n VN.

...Không chỉ phấn đấu cho sự vượt lên của chính mình, các anh còn phấn đấu vì nhiều đồng đội thiếu may mắn khi trở về đời thường. Và điều quan trọng nhất là các anh không quên những năm tháng gian nan, những đồng đội một thời máu lửa. Những trang viết, những vần thơ của Võ Minh và đồng đội hàm chứa năng lượng duy trì trong đời sống một ngọn lửa bất diệt, hào hùng của dân tộc ta.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật