Loại bỏ nguy cơ sống cùng chất độc

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có mặt trong dầu cách điện trong máy biến thế, tụ điện, trong dầu thủy lực của các thiết bị công nghiệp, thậm chí ngay trong đồ dân dụng như chấn lưu đèn, phụ gia xây dựng… PCB là nhóm chất hữu cơ thuộc danh sách các nhóm chất hữu cơ độc hại có mức độ nguy hiểm gần bằng dioxin và có khả năng gây ung thư.

PCB là chất rất độc

Theo các chuyên gia, PCB không được sinh ra trong tự nhiên mà được con người sản xuất ứng dụng trong các chất phụ gia, thành phần nguyên liệu trong các sản phẩm công nghiệp. Đây là chất rất độc, gây ra nhiều tác động xấu tới sức khỏe con người với khả năng gây ra các ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài. 

Trong trường hợp cấp tính, PCB tác động trước tiên tới gan, gây thương tổn cấp tính như nổi mụn, cháy da và bỏng mắt. Với trường hợp mãn tính, PCB có thể tồn tại lâu dài và tích lũy trong c‌ơ th‌ể gây tác hại nghiêm trọng tới sức khỏe như ung thư, giảm khả năng sinh sản, ảnh hưởng tới trí tuệ cũng như sự phát triển của trẻ nhỏ… Việc phơi nhiễm PCB có thể gây ra các bệnh liên quan tới hệ thần kinh như tê liệt, đau đầu, run rẩy chân tay.

PCB phát thải vào môi trường do các sự cố rò rỉ, tràn dầu của thiết bị hoặc vật liệu chứa PCB cũng như nguyên nhân từ việc xử lý, tiêu hủy không đúng quy định hay do thiếu hiểu biết về PCB trong quá trình vận chuyển, sử dụng và thải bỏ thiết bị chứa PCB. Việt Nam không sản xuất PCB nhưng đã nhập khẩu khoảng 30.000 tấn dầu chứa PCB trong giai đoạn 1960-1990, lượng PCB này vẫn đang ngấm ngầm phát thải, lan truyền và tích tụ trong môi trường. 

Ông Trần Thế Loãn - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) cho biết: “Nhằm góp sức vào nỗ lực chung của thế giới trong vấn đề bảo vệ môi trường và sức khỏe con người trước những mối nguy hại từ PCB, Việt Nam đã tham gia vào Công ước Stockholm và cam kết giảm thiểu lượng phát thải PCB vào môi trường, loại bỏ sử dụng PCB trong các thiết bị máy móc vào năm 2020 và tiêu hủy an toàn PCB vào năm 2028”.

Từng bước kiểm soát

Tại Việt Nam, Dự án quản lý PCB do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện đã mang lại kết quả nhất định. Dự án đã góp phần kiểm tra thống kê các thiết bị máy móc nghi có PCB trong các ngành sản xuất nhằm theo dõi và quản lý. Thành lập 9 kho lưu giữ PCB tập trung. 

Với khoảng 180.000 máy biến áp nghi ngờ có PCB tại 63 tỉnh, thành phố, dự án đã thực hiện kiểm kê được 50.000 máy và xác định được gần một nửa trong số 50.000 máy có chứa PCB. Trong khi đó, với nghi ngờ gần 36.000 thiết bị ngoài ngành điện, dự án đã thực hiện kiểm kê hơn 9.000 máy… 

Theo các chuyên gia, PCB là chất lỏng hoặc tinh thể không màu hoặc màu vàng nhạt không thể phát hiện bằng mắt thường. Tuy nhiên, PCB tồn tại trong các thiết bị công nghiệp, chất phụ gia, đồ gia dụng cũ... các thiết bị được sản xuất sau năm 2000 và còn nguyên trạng không chứa PCB. 

PCB được phát tán vào môi trường tự nhiên do các sự cố tràn dầu, rò rỉ dầu có chứa PCB từ các thiết bị điện như máy biến thế, tụ điện, thiết bị công nghiệp cũ. Việc thải bỏ sản phẩm cũ có chứa PCB như thiết bị điện tử, đồ dùng có nhựa, sơn ở khu dân cư hoặc bãi chôn lấp thông thường, đốt rác có chứa PCB cũng là những nguồn phát thải. Bên cạnh đó việc lưu giữ, tiêu hủy không đúng quy cách... cũng khiến môi trường bị ô nhiễm bởi PCB. 

PCB được đưa vào c‌ơ th‌ể khi ăn uống thức ăn bị nhiễm PCB hoặc nuốt không chủ định dầu và vật liệu chứa PCB. Thức ăn là nguồn lây nhiễm PCB phổ biến nhất cho con người thông qua chuỗi thức ăn. PCB cũng được đưa vào c‌ơ th‌ể qua hô hấp khi hít phải khí, bụi nhiễm PCB, khi tiếp xúc trực tiếp với vật liệu chứa PCB hay từ mẹ sang con trong quá trình mang thai hay cho con bú. 

Cách nhận biết và sơ cứu

nhiễm độc PCB trong trường hợp cấp tính có biểu hiện là chán ăn, buồn nôn, đau vùng bụng, phù mặt, bỏng da, trầy da, đau đầu, hoa mắt, mất trí nhớ, hoảng loạn. Còn trường hợp nhiễm độc mãn tính biểu hiện qua các triệu chứng như ban đỏ trên mặt, cổ, vai, cánh tay, ngực và bụng. Da trở nên khô ngứa, các nang lông chứa bã nhờn. bệnh toàn thân có các biểu hiện như viêm gan với chứng gan to, rối loạn tiêu hóa...

nhiễm độc mãn tính với nồng độ PCB dù nhỏ cũng có khả năng dẫn đến phá hủy gan, rối loạn sinh sản và đặc biệt là biến đổi gen, gây ung thư. Chính vì vậy khi nghi ngờ hoặc có biểu hiện phơi nhiễm PCB cần có các biện pháp ứng cứu, sơ cứu và khắc phục ngay.

Để phòng ngừa, không ăn và đặt thức ăn gần những thiết bị, vật liệu nhiễm hoặc nghi nhiễm PCB. Rửa tay bằng nước ấm và xà phòng sau khi tiếp xúc với vật liệu chứa PCB. Sử dụng các thiết bị bảo hộ khi tiếp xúc hoặc xử lý sự cố PCB. Tránh ăn các loại cá, động vật vỏ cứng tại các nguồn nước bị nghi nhiễm PCB, khi chế biến nên loại phần da, chất béo. Giữ nhà cửa sạch sẽ giảm nguy cơ tiếp xúc bụi ô nhiễm. Thận trọng với các thiết bị như chấn lưu điện tử, sơn chống cháy, hắc ín. 

Nếu nghi ngờ có tiếp xúc với PCB qua da và mắt cần nhanh chóng giảm lượng PCB hấp thụ vào c‌ơ th‌ể bằng cách rửa mắt ngay bằng nước ấm ít nhất 15 phút, giữ mắt mở to khi rửa, sau đó cần đến bác sỹ. Rửa da tiếp xúc với PCB bằng xà phòng và nước ấm ít nhất 15 phút. 

Nếu nghi ngờ nuốt phải PCB cần gây nôn, súc miệng nhiều lần bằng nước sạch, uống nước và đến trung tâm y tế để rửa dạ dày. Trong trường hợp tiếp xúc với PCB qua đường hô hấp cần nhanh chóng di chuyển ra vùng không khí sạch.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật