Nghẹn ngào tâm sự những đứa trẻ không biết nghỉ hè

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khoác trên mình chiếc áo bộ đội khá dày, hai chân bước loạng choạng vì gánh hàng nhưng ánh mắt Thu vẫn sáng rực và nở nụ cười hồn nhiên bảo: mồ hôi ra mát lạnh cả lưng, em phải gắng làm thì sang năm mới được đi học.
Nghẹn ngào tâm sự những đứa trẻ không biết nghỉ hè
Với trẻ em nghèo thì hè là dịp để làm thêm kiếm tiền đi học
Ngày hè không thảnh thơi
Đã ba năm nay khu dân cư ở Đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội đã khá quen thuộc với sự hiện diện của Thu. Sáng nào em cũng theo mẹ đi chợ, mẹ bán hàng còn Thu ai thuê gì làm nấy từ rửa bát, đưa hàng, sách nước… Học lớp 6 nhưng trông em nhỏ thó, đen đuốc như trẻ lớp 1.
Lúc đầu chưa quen thì hết buổi chợ Thu theo mẹ về nhưng về sau em ở lại nhận làm giúp việc theo giờ cho các gia đình nên ngủ lại ở chợ. " Tối đầu tiên ngủ lại em sợ lắm, không giường, không màn nên cả đêm chỉ ngồi nhìn chuột chạy. Thế nhưng so với việc phải bỏ học thì cũng không đáng sợ bằng. Nghĩ thế nên em không còn thấy sợ nữa, hơn nữa giờ cũng có 3 bạn cùng làng lên đây làm và ngủ lại. Tối đến bọn em nói chuyện rôm rả đến khi nào ngủ thiếp đi mới thôi” – Thu kể.
Khi hỏi về những vất vả mưu sinh, Thu nhoẻn cười bảo: Em phải xin mẹ mới được đi, làm ở đây sướng gấp vạn lần ở quê. Ở quê em vừa phải đi thả trâu, vừa phải đi mót lúa, bắt cua, ốc mà kết thúc 3 tháng hè cũng chỉ được 1 triệu. Lên đây làm hết 3 tháng em được những 9 triệu, lại được rất nhiều quần áo của các cô, bác cho. Như sợ quên mất điều thú vị mình vừa được trải qua, Thu hào hứng kể: Hôm mùng 1-6 vừa rồi tuy không phải người ở đây nhưng em vẫn được bác tổ trưởng tổ dân phố mời ra dự Tết thiếu nhi, lúc về lại được tặng một bộ truyện tranh.
Mới lên làm chưa được một tuần nên bé gái có cái tên thật đẹp – Trần Bình Minh tỏ ra khá e dè. Bình Minh năm nay mới lên 8 nhưng trông em khá chững chạc, đặc biệt là đôi mắt buồn thăm thẳm. Phải một lúc lâu, Minh mới thủ thỉ nói: Cô có việc gì cho con làm với, việc gì con cũng có thể làm. Vừa nói e vừa rơm rớm khóc. Thấy sự bối rối của tôi, Thu nhanh nhảu bảo: Nó nhớ bà ngoại, chắc sáng nó nghe mẹ cháu kể bà nó bị cảm.
Vì lỡ dại nên 15 tuổi mẹ Bình Minh đã sinh ra em, tuổi quá trẻ để làm mẹ nên khi vừa sinh con xong mẹ đã bỏ em lại cho bà ngoại. Nghe ngoại kể 3 năm đầu mẹ còn về thăm hai bà cháu nhưng từ năm nó lên 4 đến bây giờ chưa một lần nó được gặp mẹ. Mẹ cũng không gửi tiền về cho ngoại nên hai bà cháu chỉ biết sống vào tiền trợ cấp hộ nghèo. Thấy ngoại già yếu, lưng còng mà vẫn cặm cụi đi mót lúa, mót sắn nên dịp hè này Minh theo Thu lên Hà Nội làm thêm. Mới lên chưa thạo việc nên 5 ngày ở Hà Nội Minh chỉ kiếm được 250 ngàn đồng song với em số tiền này khá lớn và rất ý nghĩa.
Nhẹ nhàng vuốt lại những đồng tiền lẻ cho vào phong bì, Minh cẩn thận nắn nót viết thư cho bà. "Bà đã hết cảm chưa, bà đừng đi mót lúa nữa nhé, nắng thế này bà bị làm sao cháu biết sống với ai. Cháu làm trên này khá lắm, vừa làm có mấy ngày mà số tiền kiếm được đã gần bằng một tháng trợ cấp, đã thế lại được ăn cơm nhiều thịt. Cháu gửi biếu bà ít tiền và mấy hộp sữa bà bồi bổ cho khỏe. Cuối tuần cháu sẽ gửi thím Năm tiền tiếp”.
Ngậm ngùi trước khát khao con trẻ
Thu, Minh chỉ là hai trong số hàng nghìn trẻ em từ các vùng quê lân cận đổ về Hà Nội làm thêm trong hè này. Những ngày này đi trên phố, chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp hình ảnh những cậu bé, cô bé người nhỏ thó, đen đuốc cuốc bộ khắp nẻo đường để bán kẹo cao su, bán tăm, bán móc khóa, bấm móng và nhiều thứ quà vặt…để mưu sinh. Mỗi em một hoàn cảnh nhưng đều có chung suy nghĩ, hè là dịp để kiếm tiền trang trải cho năm học tiếp theo và phụ giúp bố mẹ.
Không người quen, người thân lại lần đầu tiên ra Hà Nội kiếm việc nhưng Huy ở thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai tỏ ra khá tự tin nói: các bạn nữ còn không sợ, em là con trai không có gì phải sợ. Hơn nữa nếu không ra đây làm thì ở nhà em cũng phải theo bố đi vác đá, gánh gạch thuê vất vả, nặng nhọc hơn nhiều mà ngày cũng chỉ được 70 ngàn đồng. Ra đây bán hàng dạo trừ ăn uống mỗi ngày cũng được 100 ngàn, lại được ngắm phố phường.

Nhìn những nụ cười mãn nguyện, ánh mắt hạnh phúc vì tự tay kiếm được tiền đỡ đần bố mẹ tôi không khỏi chạnh lòng, xót xa. Bởi đằng sau sự hồn nhiên ấy là những giọt mồ hôi đắng chát vì cuộc mưu sinh. Giữa cuộc chiến vật lộn với mưu sinh ấy cùng với những cạm bẫy vô hình luôn rình rập, liệu các em có thể vững tin, nuôi hy vọng, ước mơ được tới trường?.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật