“Nóng hổi” đề tài về biển đảo

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đợt thi thứ hai các khối B, C, D và một số môn năng khiếu diễn ra trong tiết trời nắng nóng, oi bức trên khắp cả nước. Đề thi năm nay cũng “nóng hổi“ không kém khi đề tài về biển đảo được khéo léo lồng ghép vào nội dung các câu hỏi.
“Nóng hổi” đề tài về biển đảo
Ảnh minh họa

Cùng với đó, có sự phân hóa rất rõ nét về tư duy, năng lực vận dụng của thí sinh trong quá trình làm bài, khiến "phao thi" gần như vô dụng.

Khi "phao thi" bị vô hiệu hóa

Về đề thi địa lý, nhiều thí sinh đều không bất ngờ với câu hỏi về đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa có ý nghĩa thế nào về an ninh quốc phòng.

Tại ĐH Sư phạm TPHCM, thí sinh Đoàn Hoàng Nam nhận xét: “Trong bài làm em nhấn mạnh về việc đánh bắt xa bờ góp phần bảo vệ biển đảo của tổ quốc. Bạn nào học nắm chắc kiến thức có thể đạt 8-9 điểm”. Còn thí sinh Văn Đức - thi vào khoa Luật, ĐH Công đoàn Hà Nội - cho hay: "Em đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng về nội dung biển đảo nên rất hài lòng với câu trả lời. Các câu hỏi không phụ thuộc nhiều vào tài liệu nên em làm bài khá thoải mái".

Với đề thi môn sử, đề thi hay và có tính thời sự khi có liên quan đến vấn đề Biển Đông, nhưng cách ra đề mở làm không ít thí sinh lúng túng. “Câu hỏi số 4 cho một bảng các dữ liệu rồi yêu cầu xác định những biến đổi to lớn ở Đông Nam Á... và cần làm gì để đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực - khiến em khá bất ngờ với cách ra đề này. Em thấy tất cả các câu đều có phần mở rộng, phải vận dụng kiến thức, hiểu biết mới làm trọn vẹn được” - thí sinh Đỗ Thị Thủy, THPT Ba Vì, Hà Nội chia sẻ.

Với các môn sinh, tiếng Anh và toán, nhiều thí sinh cho rằng đề thi phân hóa rất rõ nét năng lực của thí sinh, theo hai thái cực: Quá dễ và quá khó. Thí sinh Nguyễn Văn Linh (Bắc Giang) thi vào ĐH Y học cổ truyền cho biết: “Khoảng 30 câu về lý thuyết khá dễ, phần bài tập với 20 câu khó hơn. Một số câu chỉ có những học sinh giỏi mới làm được.

Hoàng Thanh Hà (Thái Bình) nhận định: “Năm nay với cách ra đề thi chỉ có 2 cực: Cực dễ và cực khó thì điểm sàn sàn sẽ nhiều, còn điểm cao sẽ rất ít". Trịnh Thị Uyên, học sinh Trường THPT Xuân Mai (Hà Nội) cho biết: "Những câu hỏi trong 2 phần đọc hiểu ở môn tiếng Anh khá dài và khó, nhiều câu em vẫn đánh bừa vì không đủ thời gian".

Đề thi phân loại thí sinh rõ nét

Nhận định về đề thi môn địa lý, thầy giáo Hồ Mậu Tình - THPT Quỳnh Lưu 3, Nghệ An - cho biết: "Đề thi năm nay khá hay, không quá ôm đồm về kiến thức, không phụ thuộc nhiều vào tài liệu. Nếu biết vận dụng kiến thức, liên hệ thực tế tốt và có tư duy thì có thể làm bài tốt. Không chỉ môn địa, nhiều môn khác đang có xu hướng ra đề này. Vì thế, không khó để phân loại thí sinh, bởi học sinh đạt điểm khá sẽ nhiều, còn điểm cao thì phải là học sinh thật giỏi".

Với môn lịch sử, theo thầy Đặng Thanh Toán - khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội - đây là một đề thi khá hay. "Đề không đòi hỏi các em học thuộc lòng sự kiện mà cần có sự phân tích và tổng hợp sự kiện để trả lời câu hỏi”. Cũng theo thầy Toán, đề thi đáp ứng được sự phân hóa năng lực, tư duy của thí sinh. Học sinh khá có thể đạt 8 điểm.

Ông Đỗ Thanh Duy - Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GDĐT) - cho biết, nội dung câu hỏi đều nằm trong chương trình, không quá dài, phù hợp với thời gian làm bài. Tất nhiên đề có sự phân hóa để các trường tốp trên lựa chọn thí sinh phù hợp... Sự thay đổi này là một cách để tiệm cận dần đến với một kỳ thi chung theo hướng phân hóa rõ năng lực, tư duy của thí sinh.

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật