Giật hai chiếc mũ, 4 học sinh bị phạt tù: quá nặng?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giật một chiếc mũ vải trị giá 60.000 đồng và chiếc nón lá của bạn gái với mục đích trêu đùa (như lời khai của bị cáo và xác nhận của bị hại tại phiên tòa phúc thẩm TAND TP Hải Phòng ngày 8-7).
Giật hai chiếc mũ, 4 học sinh bị phạt tù: quá nặng?
Em Vũ Thanh Hùng với vẻ mặt buồn, thất thần sau khi phiên phúc thẩm kết thúc

Nhưng bốn học sinh - trong đó có ba người chưa thành niên - đã bị tuyên án từ 18-36 tháng tù.

Sự kết án này đã đủ căn cứ? Chính sách Pháp Luật đối với người chưa thành niên phạm tội đã được áp dụng ra sao? Sau đây là ý kiến của chủ tọa hội đồng xét xử và các chuyên gia.

* Bà Vũ Thị Nguyệt (thẩm phán Tòa Hình Sự TAND TP Hải Phòng, chủ tọa hội đồng xét xử):

Đã đủ yếu tố cấu thành tội cướp

Chúng tôi căn cứ theo các quy định của luật pháp để định tội. Tội cướp tài sản là tội cấu thành hình thức nên không cần phải có hậu quả nghiêm trọng hoặc trị giá tài sản là bao nhiêu. Tội ở đây được xét theo hành vi, theo tài liệu của cơ quan điều tra và lời khai của các bị cáo tại tòa thì các bị cáo đã có hành vi giật mũ, sử dụng phương tiện gây án là xe máy gây nguy hiểm cho bị hại và cho những người tham gia giao thông. Cũng theo tài liệu điều tra, các bị cáo đều khai nhận bàn nhau đi giật mũ về để sử dụng. Tại tòa, các bị cáo khai do bị ép cung mới khai vậy nhưng lại không đưa ra được các chứng cứ để chứng minh việc bị ép cung.

Việc bị hại khai hành vi của các bị cáo chỉ là trêu đùa được coi là tình tiết để giảm nhẹ hình phạt. Vì theo các tài liệu, hồ sơ vụ án thì hành vi của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản.

Đối với trường hợp của bị cáo Hùng, khoản 2, điều 2 của nghị quyết 01 ghi rõ không cho hưởng án treo nếu ngoài lần phạm tội và bị đưa ra xét xử, bị cáo còn có hành vi phạm tội khác đã bị xét xử trong một vụ án khác hoặc đang bị khởi tố, điều tra, truy tố trong một vụ án khác...

Do đó bị cáo Hùng không đủ điều kiện để được hưởng án treo. Hội đồng xét xử đã xét xử theo đúng các quy định của Pháp Luật, đã cân nhắc kỹ lưỡng, áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ để tuyên các mức án vì các bị cáo đều phạm tội khi chưa thành niên.

* Luật sư Đỗ Minh Phương (Đoàn luật sư TP Hà Nội):

Hành vi chưa cấu thành tội phạm

Theo tôi, hành vi của các học sinh này không cấu thành tội phạm vì không thỏ‌a mã‌n mặt chủ quan của một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm. Mặt chủ quan này gồm có lỗi, động cơ, mục đích. Đối với tội cướp giật tài sản phải có mục đích hưởng lợi về tài sản. Trong khi trong vụ này, mục đích của các bị cáo không phải cướp để hưởng lợi về tài sản, mà động cơ là trêu đùa bạn gái. Các bị cáo nên đề nghị TAND tối cao xem xét theo thủ tục đặc biệt để được đảm bảo quyền lợi.

* Luật sư Nguyễn Văn Hưng (Đoàn luật sư Hà Nội):

Vụ án cần phải được xem xét kỹ lưỡng

Vì loại tội này là tội cấu thành hình thức, nên các cơ quan tố tụng không cần quan tâm hậu quả xảy ra hay chưa, không cần biết chiếc mũ có giá trị bao nhiêu vẫn có thể kết tội cướp được. Nhưng rõ ràng chiếc mũ giật được là mũ của con gái, nên việc quy kết các em học sinh nam cướp về với mục đích sử dụng là hết sức gượng gạo. Hơn nữa, việc các bị cáo và cả bị hại đều khẳng định hành vi giật mũ chỉ là trò trêu đùa tuổi học trò cũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng hơn.

Đối với em Vũ Thanh Hùng, hội đồng xét xử căn cứ theo nghị quyết 01 không cho hưởng án treo, theo tôi, đó là xem xét chưa thấu đáo. Hơn nữa, vụ án cố ý gây thương tích mà Hùng bị khởi tố vẫn đang trong giai đoạn điều tra, nếu không đủ căn cứ quy kết phạm tội thì vẫn có thể đình chỉ điều tra. Do đó, hội đồng xét xử không cho bị cáo Hùng được hưởng án treo là không thỏa đáng và không có cơ sở pháp lý.

bị cáo Hùng có thể gửi đơn lên viện KSND tối cao đề nghị xem xét lại.

* Luật sư Đỗ Ngọc Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội):

Cần xem xét sâu hơn về động cơ, mục đích của hành vi

Vụ án có bốn cháu đang độ tuổi mới lớn có hành vi trêu đùa hai bé gái. Câu chuyện này vẫn thường gặp ngoài xã hội. Cơ quan tố tụng cho rằng hành vi nêu trên đủ yếu tố cấu thành tội phạm, tuy nhiên cần xem xét sâu hơn về động cơ, mục đích của hành vi: giá trị tài sản rất thấp, chỉ có 60.000 đồng, hai chiếc nón không có giá trị sử dụng.

Trong Pháp Luật xã hội chủ nghĩa, việc áp dụng hình phạt có tác dụng răn đe người phạm tội, mục đích cao cả là để các bị cáo sống tốt hơn, trở thành công dân tốt. Tôi thấy trong vụ án này, cơ quan tố tụng huyện Tiên Lãng nặng về hình phạt. Án nặng có thể ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống của các em sau này.

Qua thông tin tôi nắm được, các cơ quan tiến hành tố tụng TP Hải Phòng căn cứ vào nghị quyết 01 của hội đồng thẩm phán TAND tối cao ngày 6-11-2013 ở điều 2 mục 2 để không cho bị cáo Hùng được hưởng án treo. Tuy nhiên, do thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi cướp giật tài sản là ngày 23-9-2013 thì không thể áp dụng nghị quyết 01 năm 2013 (có hiệu lực ngày 25-12-2013) vì không có nguyên tắc hồi tố (có hiệu lực trở về trước) mà phải áp dụng nghị quyết số 01/2007/NQ - HĐTP của TAND tối cao, khoản 6, theo đó bị cáo Hùng sẽ được hưởng án treo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật