Cuộc phiêu lưu của chàng cơ phó 8X

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sinh trưởng trong gia đình nghệ thuật (ba là chỉ huy dàn nhạc, mẹ là diễn viên xiếc), tốt nghiệp Học viện Ngoại Giao, nhưng Nhật Trường không đi theo chuyên ngành học của mình. Đùng một cái, anh chàng nộp hồ sơ vào dự khoá bay của Vietnam Airlines.
Cuộc phiêu lưu của chàng cơ phó 8X
Trường (bên phải) chụp ảnh cùng đồng nghiệp.

Sau 2 năm luyện tập trong nước và tại Pháp, Trường đã chính thức trở thành một cơ phó xuất sắc của Hàng không Việt Nam. Chúng mình hãy cùng lắng nghe những suy nghĩ, cảm nhận về công việc cũng như đam mê của anh chàng này nhé!

 

Ước muốn trở thành phi công đã hình thành từ những ngày còn nhỏ. Các chú phi công trong kí ức thời bé thơ của Trường là những người tài giỏi và vô cùng dũng cảm. 

 

Những ngày đầu tập luyện

 

Lần đầu tiên Trường cầm cần lái đó là buổi học tập trên đất Pháp. Là bạn, bạn có run không khi một mình điều khiển một chiếc máy bay khổng lồ cộng thêm không khí căng như dây đàn của giáo viên bay người nước ngoài ngồi ngay cạnh?

 

Mọi thứ đều mới mẻ, lạ lẫm. Trường tâm sự, thành tích lớn nhất mà người phi công đạt được sau mỗi chuyến bay đó là tâm trạng thanh thản bước ra khỏi máy bay sau mỗi chuyến đi an toàn và không để lại sự cố gì. 

 

Trong hàng không có một câu nói khá nổi tiếng: Không có phi công giỏi, chỉ có phi công già. Nói lên một điều, phi công luôn phải đối diện với những vất vả, khó khăn đòi hỏi không chỉ ở kiến thức mà cả bản lĩnh và đặc biệt là kinh nghiệm đối với người thực hiện chuyến bay đó. Điều tự hào nhất của Trường đó là đã tích luỹ được gần 2700 giờ bay an toàn tuyệt đối. 

 

 

Từ phải qua trái:  Trường thứ 5, kế Trường là thầy giáo của anh cùng các đồng nghiệp, chuyên gia

 

Hoàng Nhật Trường là cơ phó F/O A320 của Việt Nam Airline từ năm 26 tuổi.

 

Sinh nhật: 22/10

 

Sở thích: Lái máy bay, xem phim và đọc sách, đồ công nghệ cao, tụ tập bạn bè, chơi bóng chuyền, tennis…

Bay đơn thành công như vượt qua được chính mình

 

4 năm trong nghề nhưng Trường không bao giờ quên được chuyến bay đơn đầu tiên của mình. Đó là chuyến bay rất quan trọng của mỗi một học viên trước khi trở thành phi công chính thức. Thả bay đơn là hình thức học viên sẽ lái máy bay một mình mà không có sự hỗ trợ của giáo viên. Nếu thả bay đơn không thành công, người học viên đó sẽ bị trả về và không bao giờ được làm phi công.

 

Hơn 2 tuần học lý thuyết cơ bản và trải qua gần 15h bay với giáo viên, ngày 3/11/2004, lúc 11h trưa là thời điểm cậu bạn này không bao giờ quên. Thầy giáo gọi Trường ra sân bay để thực hiện những buổi tập như bình thường, hai thầy trò trên chiếc TB-9 lăn bánh ra đường băng, đến đầu đường băng ông nói tiếng Pháp với kiểm soát viên không lưu mấy câu rồi quay sang nói với Trường bằng tiếng Anh: “You are released for solo flight today, don’t worry for anything, just do like everyday you did with me” (Hôm nay, bạn đã có thể thả bay đơn, đừng lo lắng gì cả, hãy làm như những gì hàng ngày bạn đã thực hiện cùng tôi).

 

Trường rất ngỡ ngàng nhưng cũng rất vui mừng vì ngay giờ đây, mình sẽ được thực hiện chuyến bay đầu tiên. Sau khi rời khỏi máy bay kèm theo những lời chúc, thầy giáo quay lại, buộc khăn quàng cổ của thầy vào ghế ngồi rồi nháy mắt với anh: “Bring it back for me, ok?” (Hãy mang nó trở về nhé!).  Nói rồi ông cười tít, quay đi. 

 

“Máy bay rời đất, một cảm giác tự do bay bổng không thể diễn tả nổi lúc đó, một mình điều khiển chiếc máy bay bay lượn, cảm giác lúc đó là duy nhất và cho đến giờ, Trường vẫn nhớ rõ như thể mới xảy ra”, anh tâm sự.

 

Sau khi điều khiển một vòng quanh sân bay rồi xin hạ cánh, máy bay tiếp đất nhẹ nhàng rồi lăn về bãi đậu, tắt máy, rồi anh cầm lấy cái khăn choàng của thầy bước ra khỏi máy bay. “Lúc đó Trường có cảm giác như mình trưởng thành hơn rất nhiều, và đã trải qua giai đoạn khó nhất của một học viên, được bay solo cũng như vượt qua được chính bản thân mình”.

 

 

 

Mục đích của những người phi công không chỉ là được phục vụ đất nước trong ngành Hàng không mà còn được “tự do như chim” bay khắp phương trời. 

 

Phi công là phải học tập và rèn luyện cả đời

 

“Để trở thành một phi công chuyên nghiệp, bất kỳ một phi công nào cũng phải rèn luyện cả đời. Làm được phi công đã khó nhưng giữ được nghề còn khó hơn rất nhiêu, đòi hỏi người đó phải duy trì được sức khỏe, liên tục học hỏi thêm để nâng cao trình độ, và hơn hết là phải giữ được phẩm chất cần có của một phi công”, Trường chia sẻ.

 

Để được như hôm nay, với Trường, đó là sự nỗ lực không ngừng. Ở Vietnam Airlines, mỗi học viên phải trải qua nhiều giai đoạn học tập và rèn luyện trước khi trở thành một phi công thương mại. 

 

Đầu tiên, Trường trải qua kỳ thi tuyển Phi công dự khóa, kỳ thi tuyển này gồm nhiều phần chủ yếu là khám sức khỏe tổng quát và kiểm tra trình độ văn hóa. Nó có sự sàng lọc rất lớn, thông thường mỗi đợt tuyển, hãng chỉ tuyển chọn đươc trên dưới 30 học viên trong tổng số hàng ngàn người dự tuyển. 

 

Sau khi trúng tuyển, anh chàng này bắt đầu bằng quá trình rèn luyện Văn - Trí - Thể - Mỹ tại Trung tâm huấn luyện bay của Hãng. Sau 1 năm, Trường tham dự một kỳ sát hạch (trình độ tiếng Anh, năng khiếu và khả năng bay, toán và tư duy logíc, IQ…) tuyển chọn những học viên ưu tú nhất đi huấn luyện ở nước ngoài.

 

Kỳ sát hạch này cũng có sự sàng lọc rất gắt gao, các học viên phải cạnh tranh để thể hiện mình một cách xuất sắc nhất. 

 

Tại nước Pháp, anh và các học viên phải trải qua nhiều giờ bay thực hành không hề đơn giản. 

 

Sau khi tốt nghiệp, anh chàng về Việt Nam và được học chuyển loại (type rating) để bay những loại máy bay mà Việt Nam Airlines đang khai thác như ATR72, FOKKER70 hoặc Airbus320. Khóa học và huấn luyện chuyển loại khoảng 4 tháng, sau khi đuợc phê chuẩn, Trường chính thức trở thành phi công thương mại. 

 

Sau hàng giờ nói chuyện tìm hiểu về công việc, anh chào chúng tôi ra về bởi chỉ còn 2 tiếng nữa Trường sẽ lại thực hiện chuyến bay đến Singapore.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật