Âm mưu của Tập Cận Bình khi thăm Hàn Quốc

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tập Cận Bình thăm Hàn Quốc càng khiến quan hệ đan chéo khu vực thêm phức tạp và chia rẽ sâu sắc, trong khi kẻ hưởng lợi là Trung Quốc.
Âm mưu của Tập Cận Bình khi thăm Hàn Quốc
Ông Tập Cận Bình và bà Park Geun-hye tại Bắc Kinh ngày 27/6/2013

Từ ngày 3-4/7, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến công du tới Hàn Quốc. Việc ông Tập Cận Bình tới thăm Hàn Quốc trước Triều Tiên đã gây ngạc nhiên cho dư luận và khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về ý đồ thực sự đằng sau chuyến thăm này.

Cái cớ của Bắc Kinh

Có ý kiến cho rằng động thái của nhà lãnh đạo Trung Quốc đã “phá vỡ truyền thống” khi thăm Hàn Quốc trước Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng có cớ hợp lý bởi việc ông Tập Cận Bình tới Seoul là nhằm đáp lại chuyến công du Bắc Kinh của Tổng thống Park Geun-hye cách đây một năm.

Việc cải thiện quan hệ Trung-Hàn cũng tạo hy vọng làm dịu tình hình trên bán đảo Triều Tiên, nơi mà Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh sau cuộc chiến 1950-1953.

Bên cạnh đó, qua chuyến đi này, Bắc Kinh thể hiện rõ tính toán thực dụng, đặc biệt là trong quan hệ kinh tế. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc trong khi Seoul là đối tác đứng hàng thứ tư của Bắc Kinh, (hoặc thứ 5 nếu tính EU là một đối tác). Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Hàn Quốc cao gấp 40 lần so với quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Xét về kinh tế, Hàn Quốc rõ ràng quan trọng hơn Triều Tiên gấp nhiều lần (chưa nói đến việc Trung Quốc thường xuyên phải viện trợ cho Triều Tiên đủ các loại hàng hóa).

“Dằn mặt” Triều Tiên

Ngay khi Trung Quốc loan báo về kế hoạch chuyến thăm, giới phân tích đã đưa ra nhận định Bắc Kinh muốn thông qua chuyến thăm này để gửi thông điệp “cảnh cáo" đối với Triều Tiên. Mặc dù Triều Tiên là đồng minh chính thức duy nhất của Trung Quốc và phụ thuộc nặng nề vào Bắc Kinh về kinh tế, thương mại, năng lượng, nhưng Bình Nhưỡng đang tỏ thái độ “ương bướng” khó bảo. Ban lãnh đạo mới của Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un dường như "khó bảo", thường gây ra nhiều phiền toái, khó xử cho Trung Quốc.

Nhận định này hoàn toàn có căn cứ bởi bất chấp những kêu gọi công khai từ Bắc Kinh, Bình Nhưỡng vẫn tiến hành các vụ phóng thử tên lửa và thử hạt nhân, có thái độ hung hăng với Hàn Quốc.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un Năm 2013 Triều Tiên đã bất chấp cảnh báo của Bắc Kinh tiến hành thử hạt nhân lần thứ 3 rồi thử tên lửa tầm xa dưới vỏ bọc một vụ phóng vệ tinh. Kể từ khi lên nắm quyền cuối năm 2011 tới nay, nhà lãnh đạo Kim Jong-un không những chưa cho thấy có ý muốn thăm Bắc Kinh, mà còn bắn đi tín hiệu "không thống nhất" về việc mở rộng mối quan hệ thương mại Trung-Triều.

Động thái mới nhất của Triều Tiên đã phần nào khẳng định thái độ “cứng đầu” của họ. Những ngày qua, chỉ ít ngày trước thềm chuyến thăm Hàn Quốc của ông Tập Cận Bình, Triều Tiên đã bất ngờ bắn nhiều quả tên lửa vào biển Nhật Bản. Hành động này được đánh giá là đòn "thị uy vũ lực" đối với chuyến thăm Hàn Quốc của Tập Cận Bình.

Giới phân tích Mỹ cũng nhận định việc ông Tập Cận Bình “né” Triều Tiên để đến thăm Hàn Quốc trước đã cho thấy rõ quan hệ Trung-Triều đang ngày càng căng thẳng và Bắc Kinh mếch lòng với việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un không thể hiện sự "tôn trọng đáng có" đối với Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc cần Triều Tiên làm "vùng đệm" bảo đảm an ninh, và sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng có nguy cơ gây ra thảm họa tị nạn cho Trung Quốc, nhưng rõ ràng Bắc Kinh không hài lòng về Bình Nhưỡng. Từ khi lên thay cha để lãnh đạo Triều Tiên (tháng 12/2011), nhà lãnh đạo Kim Jong-un chưa được Trung Quốc bật đèn xanh để công du Bắc Kinh. Và kể từ khi được cho là đã thâu tóm toàn bộ quyền lực (tháng 3/2013) đến nay, ông Tập Cận Bình cũng chưa lần nào chụp ảnh chung với ông Kim Jong-un. Tới nay, Trung Quốc lần đầu tiên đã có 5 tháng liên tiếp ngừng cung cấp dầu thô cho Triều Tiên.

Giới phân tích Trung Quốc cũng đưa ra nhận định, việc Trung Quốc và Hàn Quốc xích lại gần nhau ở chừng mực nào đó cũng có thể gây sức ép đối với Triều Tiên, có lợi cho chính sách hiện nay của Trung Quốc là ép chính quyền Triều Tiên phải "suy nghĩ lại" và có sự "thay đổi tích cực". Thông qua việc tới thăm Hàn Quốc trước, Trung Quốc muốn phát đi tín hiệu rằng họ mới là bên chủ đạo trong quan hệ song phương Trung-Triều.

Liên thủ chống Nhật Bản

Ngoài Triều Tiên, một đối tượng khác mà Bắc Kinh muốn “tấn công” thông qua chuyến thăm này chính là Nhật Bản.

Việc ông Tập Cận Bình lựa chọn tới thăm chính thức Hàn Quốc vào lúc quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo đang ở mức thấp nhất là nhằm tìm kiếm sự hậu thuẫn của Seoul để đối đầu với Nhật Bản. Quá khứ xâ‌m lượ‌c của Nhật Bản đối với Trung Quốc và Hàn Quốc hiện là sợi dây hoàn hảo để kết nối Bắc Kinh với Seoul. Cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều tỏ ra rất dễ bị kích động bởi quá khứ này. Đây là chủ đề mà lãnh đạo của Trung Quốc và Hàn Quốc có thể mang ra thảo luận (có thể trong bữa tiệc chiêu đãi) và qua đó chia sẻ sự “đồng cảm” và thấu hiểu lẫn nhau với ý chí chung là chống lại Nhật Bản.

Không những thế, cả Trung Quốc và Hàn Quốc hiện đều có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản. Với Trung Quốc là trường hợp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, trong khi với Hàn Quốc là Dokdo. Tờ Financial Time bình luận bản thân chính quyền Hàn Quốc cũng có ý đồ tạo dựng một liên minh không chính thức với Trung Quốc để chống lại Nhật Bản.

Ông Tập Cận Bình đang muốn lôi kéo Hàn Quốc cùng “chống” Nhật Bản Ở chiều ngược lại, quan hệ Nhật-Triều thời gian qua cũng có dấu hiệu cải thiện và đó chính là cái gai trong mắt của cả Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhật Bản đã bắn tin về khả năng Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tới thăm Triều Tiên để giải quyết vấn đề người Nhật Bản bị bắt cóc. Theo dư luận Nhật Bản, việc ông Abe tỏ ra thân mật với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngoài hi vọng giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc nhằm giành thêm sự ủng hộ ở trong nước còn có ý đồ chống lại hợp tác Trung-Hàn.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiện cũng đang nỗ lực chuyển sang tìm kiếm đầu tư và viện trợ từ Nhật Bản (và Nga), một động thái không khỏi làm mếch lòng Trung Quốc.

Đục nước béo cò

Không chỉ “dằn mặt” Triều Tiên, tạo liên minh chống lại Nhật Bản, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình còn ẩn chứa âm mưu làm phức tạp thêm các mối quan hệ đan chéo trong khu vực. Khi nước đục, Bắc Kinh vừa ung dung hưởng lợi vừa đạt được mục đích chiến lược xa hơn là ngăn chặn Mỹ.

Quan hệ Trung-Hàn được tăng cường sẽ ảnh hưởng tới tất cả các cặp quan hệ khác trong khu vực như Trung-Nhật, Hàn-Nhật, thậm chí là quan hệ Triều-Nhật.

Tại Đông Bắc Á, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai đồng minh quan trọng, đóng vai trò chủ chốt đối với kế hoạch tái triển khai lực lượng của Mỹ trong khuôn khổ chính sách "xoay trục" sang châu Á. Mối quan tâm hàng đầu hiện nay của Trung Quốc là cản phá và hạn chế tối đa sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Ý đồ của Trung Quốc sẽ thu được kết quả nếu Bắc Kinh thành công trong việc đào sâu hố bất đồng giữa hai đồng minh Đông Bắc Á của Mỹ và lôi kéo được Seoul vào quỹ đạo của mình.

Lính Mỹ và Hàn Quốc trong cuộc tập trận chung tháng 6/2013 Bằng chứng mới nhất là việc Trung Quốc lôi kéo Hàn Quốc tham gia gia dự án Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB). Mỹ đã ngay lập tức bày tỏ lo ngại và không muốn Seoul tham gia dự này.

Dự án AIIB do ông Tập Cận Bình khởi xướng hồi tháng 10/2013, nhằm cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mà theo Bắc Kinh là do phương Tây và Nhật Bản thao túng. Trong khi đó, giới chức Mỹ lại cho rằng, Trung Quốc muốn sử dụng AIIB vào mục đích chính trị và nếu Hàn Quốc tham gia, lòng tin của Mỹ đối với Hàn Quốc, với tư cách là một đồng minh, sẽ bị tổn hại.

Có lẽ, giới lãnh đạo Hàn Quốc đủ tỉnh táo để không vướng phải “cái bẫy” mà Trung Quốc đang giăng ra. Nếu quá “thân mật, Hàn Quốc sẽ trở thành "vệ tinh" của một Trung Quốc đang ngày càng củng cố sức mạnh nhằm thực hiện tham vọng bá chủ trong khu vực.

Một khi làm suy yếu quan hệ với Mỹ (và cả Nhật Bản), Hàn Quốc có thể sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Từng có những phân tích chỉ ra rằng nếu không có lực lượng của Mỹ trong khu vực, Hàn Quốc sẽ thất thủ trước Triều Tiên chỉ trong vòng 72 giờ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật