Hải quân Việt Nam đang phát triển theo hướng nào?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ một lực lượng nhỏ chỉ có khả năng tác chiến ven bờ, mấy năm gần đây Hải quân Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với những chiến hạm và vũ khí hiện đại.
Hải quân Việt Nam đang phát triển theo hướng nào?
Tàu khu trục Gepard của Hải quân Việt Nam.

Tàu nhỏ nhưng nhanh và mạnh

Nhiều năm liền, trong con mắt giới học giả nghiên cứu quân sự quốc tế, lực lượng Hải quân Việt Nam bị gọi là “Hạm đội muỗi” vì chỉ gồm toàn tàu thuyền nhỏ. Tuy nhiên khoảng 10 năm trở lại đây, lực lượng Hải quân Việt Nam đang chuyển mình nhanh chóng để trở thành một lực lượng hiện đại với sức mạnh đáng kể.

Từ chỗ chỉ có các tàu mặt nước cỡ nhỏ, đến nay Hải quân Việt Nam đã sở hữu nhiều tàu chiến hiện đại trọng tải vài ngàn tấn. Đó là những chiếc khu trục Gepard 3.9 mua của Nga với trọng tải hơn 2000 tấn. Hiện đã có 2 chiếc trong biên chế và 2 chiếc khác đang được đóng tiếp tại Nga dự kiến giao hàng trong năm tới.

Trên tàu có hệ thống vũ khí rất mạnh. Trong đó mạnh nhất là 8 tên lửa Kh-35 với đầu nổ nặng 145 kg, tầm bắn 130 km để đánh chiến hạm đối phương. Ngoài ra có 1 pháo cao tốc cỡ 76 mm ở trước mũi, 2 pháo 30mm 6 nòng cùng 2 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm. Đuôi tàu còn có 1 sân đỗ cho trực thăng chống ngầm.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đặt mua tàu chiến lớp Sigmar từ Hà Lan. Tàu chiến lớp này có các tính năng tương đương tàu chiến lớp Gepard. Hai chiếc đang được đóng ở Hà Lan và có tin Việt Nam sẽ đóng tiếp 2 chiếc theo giấy phép và dây chuyền công nghệ Hà Lan sau khi hợp đồng đóng 2 chiếc đầu hoàn thành.


Mô hình tàu Sigmar của Hà Lan đang đóng cho Việt Nam.

Ngoài các tàu Gepard, Sigmar, Việt Nam đang sở hữu nhiều tàu pháo, tàu tên lửa trọng tải 400 – 500 tấn với số lượng hàng chục chiếc. Đáng kể nhất trong số các tàu này là tàu tên lửa lớp Molnya trang bị tên lửa diệt hạm Kh-35 với đầu đạn nặng 145 kg có thể tiêu diệt tàu chiến trọng tải lớn hơn tàu Molnya gấp nhiều lần.

Lớp tàu Molniya do Nga thiết kế và sản xuất. Việt Nam đã mua 2 chiếc và sau đó mua giấy phép và dây chuyền công nghệ để tự đóng. Tính đến nay, Việt Nam đã có 4 tàu tên lửa lớp này. Hai chiếc được hạ thủy hồi đầu năm và 2 chiếc mới hạ thủy hôm 25/6 vừa qua.


Tàu tên lửa mới hạ thủy của Việt Nam. Ảnh này được đăng trên báo Trung Quốc.

Đây là loại tàu mạnh thứ 2 trong biên chế Hải quân Việt Nam hiện nay. Với ưu điểm tốc độ nhanh (vận tốc tối đa 38 hải lý/h) và hỏa lực mạnh, tàu tên lửa Molniya là một đối thủ đáng gờm cho bất kỳ tàu chiến nào. Báo chí Trung Quốc đánh giá cao các tàu tên lửa mới của Việt Nam và nhận định nó là sự bổ sung kịp thời và cần thiết cho lực lượng Hải quân Việt Nam.

Một lớp tàu đáng kể nữa là tàu pháo TT-400TP. Loại này do Việt Nam tự đóng dựa trên thiết kế sơ bộ của nước ngoài. Tàu có trọng tải 400 tấn trang bị pháo hạm cỡ 76mm. Nó được thiết kế cho nhiệm vụ chống tàu nổi, bảo vệ căn cứ chống tàu đổ bộ... Hiện đã có 3 tàu loại này được hoàn thiện và chuyển giao cho Hải quân.


Tàu pháo TT-400TP do Việt Nam tự đóng.

Như vậy đội tàu mặt nước của Hải quân Việt Nam hiện đã có hơn 10 chiếc tàu hiện đại gồm 2 Gepard, 6 Molniya và 3 TT-400TP. Với số tàu này, năng lực tác chiến của Hải quân Việt Nam đã được nâng cao đáng kể.

Hoàn thiện năng lực tác chiến

Trước đây Hải quân Việt Nam chưa có tàu ngầm và máy bay trực thuộc. Điều đó tạo ra sơ hở khi phải tác chiến trên biển. Do không có tàu ngầm và máy bay chống ngầm cùng máy bay chiến đấu trực thuộc, đội tàu mặt nước của ta sẽ rất nguy hiểm khi bị kẻ địch tập kích bằng tàu ngầm và máy bay ném bom.

Để khắc phục nhược điểm này, Hải quân Việt Nam đã đầu tư trang bị tàu ngầm và thành lập lực lượng không quân trực thuộc. 6 tàu ngầm lớp Killo-636 của Nga đã được đặt hàng để thành lập Lữ đoàn Tàu ngầm mang số hiệu 189 vào năm 2013. Hiện tại Nga đã giao hàng 3 chiếc. Số còn lại sẽ bàn giao từ nay đến năm 2015.


Một chiếc tàu ngầm Killo Nga đóng cho Việt Nam.

Năm 2013 cũng là năm Bộ Quốc phòng cho thành lập lực lượng không quân trực thuộc hải quân với sự ra đời của Lữ đoàn Không quân 954. Lữ đoàn 954 trang bị 3 loại máy bay chủ lực: Ka-28 chống ngầm, EEC-225 vận tải cứu hộ và thủy phi cơ DHC-6 trinh sát tuần thám biển.

Với bộ ba: tàu ngầm, tàu mặt nước và máy bay, Hải quân của ta có năng lực tác chiến ở cả trên mặt nước, trong lòng biển và trên không.

Ngoài ra, lực lượng tác chiến trên biển còn nhận được sự hỗ trợ to lớn của các vũ khí trên bờ. Đó là hệ thống tên lửa bờ biển. Theo những tin tức đã công bố, hiện nay Việt Nam có 3 hệ thống tên lửa đối hạm gồm P-35, P-15 và Bastion-P với tầm bắn từ 80 đến 500 km.

Ở tầm xa nhất có tên lửa P-35 với tầm bắn 460 km. Hệ thống này sử dụng tên lửa có đầu đạn nặng 145 kg có khả năng tiêu diệt chiến hạm trọng tải đến 5000 tấn của đối phương. Gần nhất là hệ thống P-15 với tầm bắn 80 km.


Hệ thống tên lửa Bastion-P của Việt Nam.

Hiện đại nhất là hệ thống Bastion-P trang bị các tên lửa Yakhont có tầm bắn từ 120 km đến 300 km. Đây là hệ thống phòng thủ bờ biển hàng đầu thế giới hiện nay do Nga sản xuất và mới chỉ có 3 nước được trang bị là Nga, Syria và Việt Nam. Trung Quốc cũng có ý định mua nhưng Nga không bán do sợ bị sao chép.

Khi bắn, tên lửa Yakhont có hai hành trình cơ bản. Một là bay tầm thấp với độ cao cách mặt biển 9-15 m. Ở hành trình này, tầm bắn tối đa khoảng 120 km. Hai là hành trình hỗn hợp, ban đầu bay cao với độ cao tối đa lên tới 14 km nhưng đến gần mục tiêu thì hạ thấp độ cao xuống 9-15m để diệt chiến hạm. Ở hành trình hỗn hợp, tầm bắn tối đa của tên lửa đạt đến 300 km. Tốc độ tên lửa ở tầm tao đạt 780m/s còn ở tầm thấp đạt 680m/s.

Nhìn vào các trang bị chủ lực của Hải quân Việt Nam hiện nay chúng ta thấy rõ hai xu hướng phát triển. Một là ưu tiên lựa chọn các tàu nhỏ phù hợp túi tiền nhưng có tốc độ cao và hỏa lực mạnh. Hai là cố gắng đầu tư các trang thiết bị đắt tiền để hoàn chỉnh khả năng tác chiến của Hải quân ở cả trên mặt nước, trên không và dưới mặt nước. Từ đó tạo ra một thế trận hoàn chỉnh có sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước trên biển.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật