Giữ sắc màu thổ cẩm người Thái ở nơi thâm sơn cùng cốc

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bản Xốp Thặp, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn bình yên khi chiều xuống, ánh nắng hắt lên ngọn cây, bóng những ngôi nhà sàn bằng gỗ đổ dài trên con dốc.
Giữ sắc màu thổ cẩm người Thái ở nơi thâm sơn cùng cốc
Đêm đến, bà con Xốp Thặp, Hữu Lập, Kỳ Sơn vẫn sáng đèn dệt thổ cẩm

Bên hiên nhà, những người phụ nữ Thái vẫn miệt mài đưa thoi, cần mẫn bên chiếc khung cửi. Hình ảnh ấy, đã níu chân vị khách vô tình đi ngang qua, kịp dừng chân lại nơi bản làng vẫn còn giữ nhiều nét bản sắc dân tộc Thái.

Bản Xốp Thặp có 103 hộ dân, nhà nào cũng có khung cửi dệt thổ cẩm, nhà nào nhiều con gái thì nhiều khung cửi. Nhà bà Lương Xen Khút có 2 khung cửi, một cái cho bà, còn một cái cho con dâu. Năm nay bà đã hơn 80 tuổi, mái tóc vẫn còn đen, ngồi đưa thoi nhanh thoăn thoắt, bà biết dệt những tấm vải thổ cẩm từ năm lên 8 tuổi: “Quen tay rồi, bây giờ không cần nhìn cũng làm được. Già không lên rẫy được nữa thì ở nhà dệt váy, dệt khăn đem bán…”

Rồi bà kể lại, ngày xưa, ta dệt váy, khăn… chủ yếu để mặc, và đôi khi đem bán cho người Khơ-mú, vì người Khơ-mú không biết dệt vải, còn người Thái lại biết dệt vải đẹp, họ phải mua váy áo của người Thái ta. Con gái lớn lên, khi tay với được khung cửi, chân với được xuống bàn đạp là học dệt vải được rồi. Từ xưa, người Thái đã có quan niệm, đã là con gái, ngoài chăm chỉ làm nương còn phải biết kéo tơ, dệt vải. Đến tuổi lấy chồng tự tay dệt chăn, áo, vỏ gối, đệm để đem về nhà chồng. Người con gái nào không biết làm, thì sẽ bị mọi người cười chê.

Bà dạy cho cháu, mẹ dạy cho con, những công đoạn dệt thổ cẩm từ xe tơ, làm sợi, nhuộm màu… cho đến lúc từng khuông vải sặc sỡ dần dần hiện lên, thấm vào trong trí nhớ. Bao nhiêu đời qua, từ lâu lắm rồi không ai nhớ nổi nữa, để cho đến tận bây giờ bản làng này vẫn gắn bó thân thiết với chiếc khung cửi.

Bên khung cửi, người thợ đang thả tâm hồn vào cái khăn, tấm áo

Cuộc sống ngày càng phát triển, những sản phẩm may mặc ngày càng phong phú và đa dạng, giao thương từ miền xuôi lên miền ngược cũng thuận tiện, dễ dàng hơn. Nhiều nơi, bà con người dân tộc đã mua quần tây, áo sơ mi làm trang phục cho mình trong đời sống sinh hoạt thường ngày… Váy áo truyền thống dường như ngày càng ít xuất hiện hơn, mà được xếp cất lại trong rương, chỉ đem ra mặc vào mùa lễ hội. Những chiếc khung cửi cũng bị quên lãng theo thời gian. Nhưng ở đây, các bà mẹ, cô gái vẫn mặc váy, đội khăn, vẫn chăm chỉ, tỉ mẩn với cái nghề xa xưa để lại.

Vào nhà chị Kha Thị Khăm May (29 tuổi) khi trời đã chập tối, cô con gái học lớp 3 đang nấu cơm cho mẹ, còn chị đang cố gắng dệt cho xong chiếc khăn piêu để ngày mai đem hàng ra chợ bán. Chị nói: “Mình biết dệt thổ cẩm từ năm học lớp 4, đến bây giờ đã hơn 20 năm rồi đấy. Người Thái mình chăm chỉ lắm, mà dệt vải cũng phải chăm chỉ, chịu khó mới làm được. Rảnh lúc nào là dệt lúc đó, ăn cơm xong ngồi dệt đến 10 – 11h tối, sáng lại dậy sớm để dệt tiếp. Nhà nào cũng thế cả. Không dệt thì lấy gì mà ăn”.

Chúng tôi ngỏ ý muốn được mặc thử bộ váy Thái, chị liền gọi con vào nhà lấy ra, giúp chúng tôi mặc vào, rồi hỏi: “Thấy váy Thái mình dệt đẹp không? Đàn bà, con gái bản ta vẫn mặc váy nhiều, mặc ở nhà, mặc khi lên nương, lên rẫy, mặc đi chơi… Nhiều đứa trẻ, cứ thích mặc quần áo từ dưới xuôi mang lên, còn bị người già nạt cho đấy. Mình phải giữ bản sắc của dân tộc Thái chứ”.

Trước kia, để dệt được tấm vải rực rỡ sắc màu, phải kì công kiếm các loại lá, củ, quả ở trên rừng để nhuộm cho sợi có màu theo ý muốn. Bây giờ thì không phải nhọc công như thế nữa, ngoài chợ có rất nhiều loại sợi công nghiệp mang từ dưới xuôi lên, chỉ việc đi mua là có. Dệt thổ cẩm, cũng đã không còn mang tính chất tự túc tự cấp như trước kia nữa mà nó đã trở thành một nghề kiếm sống của bà con người Thái nơi đây, ngoài việc lên nương, lên rẫy. Những sản phẩm váy, khăn… đã trở thành hàng hóa, đưa xuống chợ, trao đổi buôn bán với nhiều người.

Anh Kha Văn Mọa, trưởng bản Xốp Thặp cho biết: “Cách đây 2 năm, thông qua Dự án bảo tồn văn hóa truyền thống Luxembourg tài trợ, UBND huyện Kỳ Sơn tổ chức hàng chục lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ ở nhiều bản làng trong huyện. Bản Xốp Thặp cũng có nhiều người về dạy cho bà con thêm nhiều hoa văn, mẫu mã đẹp, ai cũng thích lắm. Bản ta cũng đã được công nhận là làng nghề dệt thổ cẩm”.

Bây giờ, bà con có thể tự thiết kế hoa văn, hoặc dệt theo mẫu mã do khách đem đến yêu cầu. Tuy nhiên, nghề dệt thổ cẩm vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi bị những sản phẩm dệt may công nghiệp lấn át. Những sản phẩm hàng loạt đó vừa phong phú, đa dạng, nhiều mẫu mã, mà giá thành còn rẻ hơn nhiều so với đồ thổ cẩm. Trong khi đó, để dệt tay ra sản phẩm thổ cẩm tốn rất nhiều thời gian .

Làm ra được 1 bộ váy gồm cả thân váy, chân váy, khăn, thắt lưng… mất khoảng 5, 6 ngày. Giá một chiếc váy giá bán khoảng 500 nghìn, còn khăn, túi... giá từ 150.000 – 300.000 đồng. “Còn đắt hơn nhiều so với váy người Kinh đó, nhưng thật ra lời không đáng là bao, chủ yếu lấy công làm lãi. Vì tiền sợi cũng không rẻ, mỗi cọn sợi bây giờ giá 20 nghìn rồi. Tính ra, mỗi tháng dệt đều đặn thì có thu nhập khoảng 1 – 2 triệu đồng”, chị Khăm May chia sẻ.

Tuy thu nhập của nghề dệt thổ cẩm chưa cao, nhưng cũng đã tạo thêm việc làm cho bà con nơi đây. Đàn ông đi rẫy, đàn bà tranh thủ thời gian dệt vải bán kiếm tiền, để khi nương rẫy cằn khô mùa giáp hạt, bà con vẫn không lo bị đói. Và quan trọng hơn là qua đó, một nét đẹp trong văn hóa dân tộc Thái đang được giữ gìn và trao truyền qua nhiều thế hệ.

Đêm buông xuống, dưới mái nhà sàn của bản Xốp Thặp ánh điện vẫn chưa tắt. Những người phụ nữ lại cần mẫn với khung cửi. Họ không chỉ sắc màu của váy áo thổ cẩm, mà từng ngày qua, họ đang dệt nên sắc màu văn hóa Thái, không bị mai một, sờn màu...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật