Chim phóng sinh: 1001 chuyện trên rừng dưới phố

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong tự điển, phóng sinh được giải thích là tha mạng sống cho sinh vật bị bắt. Với các Phật tử, phóng sinh là hành động từ bi nhằm cứu khổ cứu nạn cho các sinh linh. Thả chim về trời, cá về nước, thú về rừng đúng theo quy luật của tự nhiên...
Chim phóng sinh: 1001 chuyện trên rừng dưới phố
Ảnh minh họa

Chim trời day dứt

Ý nghĩa của hình ảnh phóng sinh thật đẹp. Nhưng tại sao lại phải phóng sinh? Chẳng phải là vạn vật trong thế giới hữu sinh được tạo hóa ban cho thứ đầu tiên là sự sống đó sao? Vậy thì sự phóng sinh có xẩy ra, là sau khi sinh vật đã bị săn bắt, cầm tù, giam hãm… đã rơi vào kiếp chim lồng, cá chậu.

Chim trời gắn liền với nền văn hóa nhân loại. Vậy mà trên bầu trời lại dần vắng cánh chim bay. Pháp quyền cũng có, những người đi giữ chim trời ở đó… mà đành bất lực khi nhìn những cánh chim sa bẫy xơ xác. Trước giờ cũng có nhiều người lấy việc săn bắn là một cái nghề, con người đi qua một thời kỳ săn bắn hái lượm đó thôi. Tại sao bây giờ mới báo động khi những loài chim trời dần biến mất?

Thực ra, khai thác kiểu truyền thống không làm ảnh hưởng nhiều đến muôn loài vì người thợ săn trước đây chỉ bắt một số lượng vừa đủ ăn. Bởi thế, hàng ngàn năm săn bắn, mà ông cha ta vẫn giữ được sự hài hòa thiên nhiên với con người. Xã hội đang trên đà phát triển, hoạt động buôn bán len lỏi lên tận vùng sâu vùng xa là một điều đáng mừng, nhưng kết hợp với lòng tham sân si không giới hạn và sự vô ý thức của con người lại là vấn nạn đối với môi trường.

Dọc theo những bước chân đi, chúng tôi không khỏi gặp những hình ảnh đau lòng.

Một khúc sông được phủ lưới nhằm giữ cá khỏi chim trời. Kết quả là những cái xác chim bói cá treo lơ lửng chết khô đi như thế này...

Diều hoa Miến Điện, đã bị cắt mỏ, cắt chân (để khỏi tấn công) nhưng vẫn còn sống… Chúng tôi vô tình gặp trong số thịt rừng của một người dân tộc thiểu số.

Chim Cú Mèo bị mắc bẫy tự bao giờ không ai hay đã chỉ còn bộ xương mục. Vì lòng tham mà có những người giăng bẫy với số lượng nhiều và không tránh khói việc họ bỏ quên ngay cả con mồi.

Gà tiền mặt đỏ, thuộc họ chim Trĩ, mức độ đe dọa bậc T trong Sách Đỏ Việt Nam. Đây là một cái xác chim rừng bị bỏ quên lại của cánh thợ săn đặt bẫy quá nhiều!

Giá cả tăng chóng mặt, vừa cần tiền để chi trả cuộc sống lại sẵn nhu cầu thịt rừng rất cao của nhiều người, nên dân cư sống vùng lân cận không từ mọi cách để vào rừng săn bắt trộm dù đã có luật cấm.

Chim của trời, mà sao quyền sinh quyền sát lại trong tay người? Khốn nỗi phóng sinh thì chỉ rộ lên một vài nơi, chủ yếu là mùa Vu Lan, tháng Bảy và cũng thường là tha mạng cho những chú chim thuộc hàng thường thường bậc trung. Tức là những loài chim mà ở đâu cũng có, cũng thấy và ít có giá trị hữu ích với con người cũng như tầm quan trọng trong xếp loại của các nhà khoa học về đa dạng sinh học. Còn những loài chim quý hiếm, có những loài cận kề tuyệt chủng như sếu đầu đỏ chẳng hạn, con người không chỉ săn bắt mà còn chiếm chốn dung thân như bãi ăn của chúng.
Sinh cảnh rừng Việt Nam ngày càng thu hẹp, bài toán bảo vệ động vật hoang dã nói chung, loài chim nói riêng vẫn đang làm đau đầu các nhà khoa học. Phải chăng… chim trời ai dễ đếm lông, chim trời ai dễ giữ trông cho trời?

Phóng sinh, đừng phóng tử

Ra khỏi rừng trở về thành phố, không tránh khỏi góc ảnh trước cổng những ngôi chùa quen thuộc là… lũ chim bị nhốt trong lồng để bán cho khách mua phóng sinh.
Thử hỏi, nếu không có nhu cầu phóng sinh thì sao có những người bắt chim đem bỏ vào lồng đi bán? Và những cánh chim được mua bán trước của chùa nhằm phóng sinh có thực sự có được sự tự do trên bầu trời như chúng đã từng có không?
Thực trạng gần đây cho thấy, ở TP.HCM, nhiều con chim vừa được phóng sinh lại rơi xuống đất ở khu vực gần kề vì không đủ sức bay. Những người bắt chim bán giữ chim trong lồng sắt quá chật chội và cũng có khi những chú chim bị cắt đi một góc cánh không bay xa được đặng… người ta bắt lại. Mùa phóng sinh, mà rải rác những xác chim bị chó tha đi hay làm mồi cho lũ kiến. Người mua phúc trả tiền đã đành, người bắt chim cũng nên dành chút lòng trắc ẩn cho chúng, bằng cách chăm sóc, nuôi ăn uống đầy đủ trong chiếc lồng được nới rộng sức chứa.

Nhưng vẫn đó là những cánh chim thả ra trong tình trạng kiệt sức, mệt lả, đói khát. Và làm sao chúng đủ sức để vút bay?

Âu tất cả cũng từ tham sân si.

Kẻ bán người mua chim phóng sinh ở sân chùa Vĩnh Nghiêm - TP.HCM
Phóng sinh kia cũng có ba bảy đường

Còn hơn cả phóng sinh là tạo sinh. Vẫn biết những người đi giữ chim trời, giữ rừng, cánh đồng ngập nước… để chim còn có chốn trở về. Và những người khu vực lân cận rừng tàn sát chim trời đã nói trên, xét cho cùng cũng là những kẻ khốn cùng tội nghiệp. Nếu như họ có một cái nghiệp ổn định khác để mưu sinh, được nhà nước trao vào tay một số vốn hỗ trợ để lập nghiệp dựng nghiệp thì đâu đến nỗi.

Phóng sinh từ cội, là đừng sát sinh và đừng tạo nguyên căn cho kẻ khác sát sinh hay bắt giữ sinh vật đem giam hãm cầm nhốt, điều đó cũng coi như là đã phóng sinh cho muôn kiếp rồi. Đâu cần đến mua phúc trả tiền từ những kiếp chim bé nhỏ kia mới gọi là phóng sinh?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật