Sau ‘bê tông hóa’ Trường Sa, Trung Quốc sẽ đòi thêm 200 hải lý

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
The New York Times dẫn ý kiến của các nhà phân tích cho rằng sau khi xây dựng các đảo nhân tạo, Trung Quốc sẽ hành động nguy hiểm hơn khi có thể tiến tới tuyên bố một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý từ mỗi “đảo“.
Sau ‘bê tông hóa’ Trường Sa, Trung Quốc sẽ đòi thêm 200 hải lý
Hoạt động của Trung Quốc được ghi lại cho thấy Bắc Kinh âm mưu biến Gạc Ma thành 1 đảo nhân tạo.

Tất cả các hòn đảo có thể được biến thành khu nghỉ dưỡng nhiệt đới: cát trắng, biển xanh và gió biển. Nhưng tất cả mới hình thành chỉ trong vài tháng qua, và đã nổi lên như một điểm nóng của cuộc xung đột trong tranh chấp lãnh thổ ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác, bài báo trên The New York Times viết.

Các quan chức nước ngoài nói Trung Quốc đã vận chuyển cát vào các rạn san hô và bãi đá ngầm để xây dựng một số hòn đảo mới ở quần đảo Trường Sa, trong một nỗ lực mới để mở rộng dấu chân của Trung Quốc ở Biển Đông. Các quan chức nói rằng hòn đảo có thể sẽ có các tòa nhà lớn, nơi cư trú của con người và các thiết bị giám sát, bao gồm cả radar.

Động thái xây dựng đảo nhân tạo này như một hồi chuông cảnh báo gửi tới Việt Nam, Philippines và các quốc gia Đông Nam Á cũng tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông.

Từ tháng tư, Philippines đã đệ đơn phản đối Trung Quốc cải tạo đất tại hai rạn san hô. Tháng này, Tổng thống Philippines, Benigno S. Aquino III đã chỉ trích tàu Trung Quốc mà ông nói rằng có thể chúng đang tham gia vào quá trình xây dựng đảo tại 2 địa điểm khác nhau.

Hành động của Trung Quốc gây lo ngại cho các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ. Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel lên án Trung Quốc "có các hoạt động cải tạo đất tại nhiều địa điểm" trong Biển Đông tại một hội nghị an ninh gây tranh cãi tại Singapore vào cuối tháng 5.

Các ý kiến chỉ trích nói rằng hòn đảo sẽ cho phép Trung Quốc đặt các trạm công nghệ giám sát và tăng cường khả năng tiếp tế tốt hơn cho các tàu của chính phủ nước này. Một số nhà phân tích nói rằng quân đội Trung Quốc đang nhắm đến những vị trí khác trong quần đảo Trường Sa, như một phần của chiến lược dài hạn triển khai sức mạnh ở Tây Thái Bình Dương.

Và nguy hiểm hơn, từ các đảo mới này, Trung Quốc sẽ tiếp tục tuyên bố một vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của mỗi hòn đảo, được định nghĩa trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Philippines đã lập luận tại tòa án quốc tế rằng Trung Quốc chỉ chiếm được đá và rạn san hô và đảo không thực sự có đủ tiêu chuẩn cho các đặc khu kinh tế.

Tuy nhiên, "bằng cách tạo ra sự xuất hiện của một hòn đảo, Trung Quốc có thể đang tìm cách tăng cường giá trị của tuyên bố của mình”, M. Taylor Fravel, một nhà khoa học chính trị tại viện Công nghệ Massachusetts cho biết.

Trung Quốc tự rêu rao rằng họ có quyền xây dựng trong quần đảo Trường Sa vì đó là lãnh thổ Trung Quốc, thậm chí còn vu cáo Việt Nam và Philippines đã xây dựng cấu trúc ở những khu vực tranh chấp nhiều hơn Trung Quốc, vì vậy Trung Quốc tự cho rằng mình được tự do theo đuổi các dự án.

Nhưng các nhà phân tích chỉ ra rằng các quốc gia khác đã không xây dựng đảo nhân tạo, và họ dựng lên cấu trúc của mình trước năm 2002, khi Trung Quốc và chín quốc gia Đông Nam Á ký vào bản Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông. Một điều khoản trong đó nói các bên phải "tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động" có thể làm leo thang căng thẳng và phải có hành động kiềm chế ở bất kỳ vùng đất đai hiện nay không có người ở.

Mặc dù thỏa thuận này không ràng buộc và không cấm một cách rõ ràng việc xây dựng trên các đảo hoặc tạo ra những đảo mới, song một số nhà phân tích nói rằng điều này cũng được bao hàm trong đó.

“Điều đó đã làm thay đổi hiện trạng trong khu vực", ông Carlyle A. Thayer, một giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales, Australia nói. "Nó chỉ có thể làm tăng căng thẳng”, ông khẳng định.

Kể từ hồi tháng Giêng, Trung Quốc đã xây dựng 3-4 hòn đảo, mỗi đảo rộng từ 80-180m2, một quan chức phương Tây cho biết. Ông nói thêm rằng dường như có ít nhất một đảo được dành cho mục đích quân sự, và các đảo mới có thể được sử dụng để tái cung cấp tàu, bao gồm tàu ​​tuần tra trên biển của Trung Quốc.

Tháng trước, Trung Quốc đã gây báo động trong khu vực và cả Washington khi một công ty dầu nhà nước hạ đặt một giàn khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Giàn khoan đã gây xung đột ngoại giao căng thẳng giữa hai nước.

Nhưng việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo còn “lớn hơn chuyện giàn khoan dầu", quan chức phương Tây, người yêu cầu giấu tên để tránh các cuộc thảo luận ngoại giao khó chịu, nói. "Những hòn đảo sẽ ở lại đây", The New York Times dẫn lời vị quan chức.

Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết trong một tuyên bố rằng Việt Nam có chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa và "Trung Quốc đã và đang thực hiện các hoạt động bất hợp pháp khi tiến hành các hoạt động mở rộng và xây dựng” quanh đảo Đá Gạc Ma và những khu vực khác thuộc chủ quyền Việt Nam.

Ông cho biết Việt Nam yêu cầu Trung Quốc "ngay lập tức ngừng các hoạt động bất hợp pháp của việc mở rộng và xây dựng" trên rạn san hô và "rút tàu và các phương tiện ở khu vực này về nước”.

Quần đảo Trường Sa bao gồm hàng trăm rạn san hô, đá, bãi cát và đảo san hô nhỏ trải rộng trên 400.000km2. Có 6 quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại khu vực này. Hiện, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Jin Canrong, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Renmin của Trung Quốc, tin rằng việc xây dựng trên đảo Gạc Ma là "một thử nghiệm kỹ thuật, để xem những điều đó có thể thực hiện hay không". Nếu Trung Quốc muốn xây dựng ở quy mô lớn hơn, họ sẽ chọn Đá Chữ Thập, cách Gạc Ma khoảng 90 dặm về phía tây.

Tháng trước, các phác thảo kỹ thuật cấu trúc đảo đá nhân tạo ở quần đảo Trường Sa được lưu hành trên các trang web tin tức của Trung Quốc, trong đó có Global Times, một tờ báo thuộc sở hữu của tờ Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng cộn‌g sả‌n Trung Quốc. Các bản phác thảo, dưới nhãn một nghiên cứu, cho thấy một hòn đảo mới với bến cảng vận chuyển, bãi đỗ xe và một sân bay với đường băng, máy bay và nhà chứa máy bay.

Báo cáo cho biết những hình ảnh đến từ Công ty Kỹ thuật đóng tàu NDRI của Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải. Khi được hỏi về những bản phác thảo qua điện thoại, một phụ nữ tại công ty này từ chối bình luận và cho biết nó "quá nhạ‌y cả‌m".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật