Xây đảo ở Trường Sa: TQ vừa ăn cướp vừa la làng

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
TQ đang có mưu đồ xây dựng một đảo nhân tạo, to gấp hai lần một căn cứ quân sự Mỹ trên Ấn Độ Dương, tại bãi đá Chữ Thập thuộc Trường Sa
Xây đảo ở Trường Sa: TQ vừa ăn cướp vừa la làng
Một công trình do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi đá Gạc Ma (tên quốc tế là Johnson South) của Việt Nam.

Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo

Thanh Niên trích nguồn từ tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 7/6 dẫn lời các chuyên gia hải quân Trung Quốc cho rằng kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo ở bãi đá Chữ Thập thuộc Trường Sa đã được đệ trình lên lãnh đạo trung ương Trung Quốc và đang đợi phê duyệt.

Bãi Chữ Thập (tên tiếng Anh là Fiery Cross Reef), thuộc quần đảo Trường Sa chủ quyền của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép kể từ năm 1988.

Ông Jin Canrong, giáo sư khoa quan hệ quốc tế thuộc Đại học Renmin ở thủ đô Bắc Kinh, nhận định đảo nhân tạo mà Trung Quốc định xây có kích thước ít nhất gấp đôi kích thước căn cứ quân sự Mỹ (diện tích 44 km2) ở đảo san hô vòng di‌ego Garcia trên Ấn Độ Dương.

Cơ quan nghiên cứu, thiết kết và đóng tàu Trung Quốc số 9 (trụ sở ở thành phố Thượng Hải) sẽ chịu trách nhiệm xây dựng đảo nhân tạo này, theo Thời báo Hoàn Cầu.

Cũng theo Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc sẽ xây dựng các cơ sở quân sự, bao gồm một căn cứ không quân và một cảng hải quân, một khu nhà nghỉ, tòa nhà văn phòng, nhà thi đấu thể thao và một nông trại trên hòn đảo nhân tạo này.

Tờ báo này cho biết thêm hòn đảo nhân tạo giúp các tàu chiến Trung Quốc phản ứng nhanh nếu có xung đột trong khu vực.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo ở bãi đá Chữ Thập, nếu được phê chuẩn, sẽ là một bước đệm để Trung Quốc chuẩn bị tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên bao trùm hết biển Đông, sau khi tuyên bố vùng tương tự tại biển Hoa Đông.

Một vị tướng nghỉ hưu của quân đội Trung Quốc cho rằng việc xây dựng đảo nhân tạo sẽ giúp Trung Quốc chuẩn bị tốt hơn trong việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông.

Nhưng các nhà phân tích cảnh báo việc Trung Quốc chiếm bãi đá Chữ Thập sẽ làm tổn hại quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

Bà Zhang Jie, một chuyên an ninh khu vực thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết Trung Quốc có khả năng xây dựng đảo nhân tạo nhiều năm trước, nhưng “chúng tôi đã kiềm chế vì không muốn gây ra nhiều tranh luận”.

"Chắc chắn rằng việc xây dựng một hòn đảo nhân tạo có thể trợ giúp tiếp tế cho các tàu và các giàn khoan gần đó, nhưng điều này cũng gây những ảnh hưởng rất tiêu cực trong khu vực", bà Zhang nhận định.

Những thông tin trên diễn ra sau cuộc họp báo ngày 15/5 trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh không xác nhận việc xây dựng đường băng trên bãi Gạc Ma, nhưng ngang nhiên khẳng định bãi đá Gạc Ma thuộc chủ quyền nước này, bất chấp thực tế là nó thuộc về Việt Nam và bị Trung Quốc đánh cướp.

Không chỉ vậy, trước đó không lâu, tờ  Mainichi của Nhật Bản hôm 5/4 dẫn một số nguồn tin từ Chính phủ Trung Quốc tiết lộ Bắc Kinh vừa quyết định không lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Đông trong thời điểm hiện nay.

Sau khi đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ ở biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013, khi được hỏi liệu Trung Quốc có lập thêm ADIZ hay không, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Dương Vũ Quân trả lời rằng việc đó sẽ được tiến hành “vào một thời điểm thích hợp sau khi hoàn tất sự chuẩn bị cần thiết”, theo Tân Hoa xã.

Hồi đầu tháng 2/2014, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng đã lên tiếng phủ nhận bài báo được đăng trên tờ Asahi Shimbun (Nhật) ngày 31/1 rằng không quân Trung Quốc đã lập dự thảo kế hoạch lập ADIZ ở biển Đông và đang tính toán thời điểm thích hợp nhất để tuyên bố thực thi kế hoạch.

Điều gì sẽ xảy ra?

Trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã bày tỏ sự quan ngại về tình hình căng thẳng trên biển Đông và cực lực lên án hành động của Trung Quốc.

Mỹ là quốc gia đầu tiên bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng trên biển Đông ở nhiều cấp và được lặp lại nhiều lần, thể hiện mối quan tâm của nước này trong sự việc.

Mới đây nhất, trong cuộc họp báo ngày 27/5, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định chỉ có Trung Quốc là bên khiêu khích trên Biển Đông trong vụ điều giàn khoan Hải Dương 981 tới vùng biển Việt Nam.

Bên cạnh đó, trả lời phỏng vấn báo Mỹ Wall Street Journal ngày 27/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ hy vọng đẩy nhanh tiến trình trợ giúp hàng hải cho Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc gây hấn ở biển Đông.

Theo Wall Street Journal, Thủ tướng Abe coi hành động Bắc Kinh đơn phương kéo giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam gây căng thẳng trong khu vực. “Chúng tôi sẽ không bao giờ dung thứ cho mưu toan thay đổi hiện trạng”, ông Abe tuyên bố.

Cùng ngày 27/5, phát biểu với giới truyền thông nhân kỉ niệm lần thứ 116 ngày thành lập Hải quân Philippines tại Căn cứ Hải quân Navforwest, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho hay, các diễn biến mới đây do Trung Quốc khởi xướng ở các khu vực tranh chấp ở biển Đông đã vi phạm DOC.

Thủ tướng Shinzo Abe. “Chúng tôi đã mang điều này và sẽ tiếp tục tố nó lên trước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và có lẽ cả Tòa án quốc tế về Luật biển một lần nữa”, vị Tổng thống Philippines khẳng định.

Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) hôm 8/5 cũng bày tỏ lo lắng về an ninh khu vực biển Đông sau khi Trung Quốc triển khai giàn khoan trong khu vực thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

EU thúc giục các bên liên quan tìm kiếm các giải pháp hòa bình, hợp tác phù hợp với luật pháp quốc tế, tiếp tục đảm bảo an toàn và tự do hàng hải. Ông Michael Mann, người phát ngôn của Đại diện Cấp cao EU, kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, khẳng định EU sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các diễn biến này.

Cùng chung quan điểm, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hôm 9/5 cũng bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng trên biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên "kiềm chế tối đa" và giải quyết bằng con đường hòa bình.

Không chỉ vậy,  trước những báo cáo cho rằng, Bắc Kinh đang có ý định lập khu nhận diện phòng không ở biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf đã lên tiếng phản đối.

“Chúng tôi cho rằng việc cố gắng tạo ra một khu nhận diện phòng không ở biển Đông như một hành động khiêu khích đơn phương”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết.

Tờ Thời báo Phố Wall (WSJ) dẫn một nguồn tin chính phủ Mỹ ngày 29/5 cho biết, Washington sẽ triển khai một tàu sân bay năng lượng hạt nhân đến eo biển Đài Loan nếu Trung Quốc thiết lập một khu vực nhận diện phòng không thứ 2 ở biển Đông, để chứng minh quyết tâm bảo vệ các đồng minh và đối tác an ninh của siêu cường này.

Một nguồn tin từ chính phủ Mỹ tiết lộ với tờ WSJ rằng, nếu Bắc Kinh có hành động lấn tới tại biển Đông như lập ADIZ ở khu vực tranh chấp, quân đội Mỹ sẽ có biện pháp phản ứng.

Những biện pháp này bao gồm việc triển khai các máy bay ném bom chiến lược B2 bay vào ADIZ hoặc điều tàu sân bay vào khu vực biển tranh chấp, bao gồm cả vùng biển Hoa Đông và biển Đông, cũng như eo biển Đài Loan.

Trước những phản ứng gay gắt của thế giới, giới quan sát nhận định rằng, tình hình biển Đông sẽ càng nóng hơn nữa nếu Trung Quốc xây đảo nhân tạo để lập vùng phòng không trên biển Đông. Những lời cảnh báo sẽ thay thế bằng hành động cụ thể của cả thế giới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật