Tình hình Biển Đông 2/6: TQ hung hăng tấn công mọi tàu trong 10 hải lý

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Căng thẳng tại thực địa quanh khu vực giàn khoan vẫn tiếp tục nóng bỏng trong ngày 2/6. Hôm nay, biên đội tàu CSB 2015 và các tàu Kiểm ngư Việt Nam vẫn vấp phải sự truy cản quyết liệt của tàu Trung Quốc.
Tình hình Biển Đông 2/6: TQ hung hăng tấn công mọi tàu trong 10 hải lý
Tàu 46105 - Thủ phạm gây ra 4 lỗ thủng lớn cho tàu CSB 2016 của Việt Nam, chiều ngày 1/6/2014

* Phóng viên Hồng Chuyên của Infonet từ thực địa báo về cho biết, trong ngày 2/6, do tàu cảnh sát biển 2016 đã bị hư hại với 4 vết thủng lớn sau lần bị tấn công chiều ngày hôm qua nên hôm nay tàu CSB 2015 cùng với biên đội tàu Kiểm ngư thực hiện nhiệm vụ tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 và tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc phải rút vô điều kiện khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Ngay khi gặp biên đội tàu chấp pháp của Việt Nam, các tàu hải cảnh, hải giám, tàu kéo của Trung Quốc lập tức hung hăng lao đến cản phá, đâm va. hung hăng nhất là các tàu Hải cảnh 32, tàu 46101, 46105 đã liên tục áp sát, đe dọa tàu CSB 2015 và tàu Kiểm ngư KN 770.

Mặc dù các tàu 46105, 46101 của Trung Quốc rất hung hăng đâm va nhưng tàu CSB 2015 vẫn kiên trì tiến vào giàn khoan để thực hiện nhiệm vụ. Tàu CSB 2016 mặc dù đã bị đâm vào mạn phải trong chiều ngày hôm qua (1/6) nhưng hôm nay cũng tiếp tục bám trụ tại thực địa để sẵn sàng hỗ trợ đồng đội.

Đặc biệt, trong ngày hôm nay, Trung Quốc còn tỏ ra bất chấp mọi đạo lý, luật pháp quốc tế, đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải quốc tế trên Biển Đông khi thiết lập một vùng cấm di chuyển, lưu thông đối với mọi phương tiện trong khu vực có bán kính lên tới hơn 10 hải lý xung quanh giàn khoan Hải Dương 981. “Bất kỳ một phương tiện nào di chuyển vào khu vực này đều bị tàu Trung Quốc ra ngăn cản, đe dọa. Rõ ràng đây là một hành vi vi phạm nghiêm trọng Công ước quốc tế về Luật biển 1982”, phóng viên Hồng Chuyên bình luận.

“Vào lúc 15h45 chiều nay, xuất hiện thêm 2 máy bay cánh bằng bay lượn trên đầu các tàu chấp pháp của Việt Nam với hành vi khá khả nghi. Những máy bay này lượng 2 vòng rồi bay về phía giàn khoan”, Hồng Chuyên cho biết thêm.

Cận cảnh lỗ thủng trên tàu CSB 2016

* Thông tin được Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) cho biết chiều 2/6. Tàu TQ vẫn duy trì số lượng khoảng 120 tàu gồm: 38-40 tàu hải cảnh, 10-14 tàu vận tải, 15-20 tàu kéo, 42-47 tàu cá, 4 tàu quân sự. Ngoài ra, TQ còn tăng cường hoạt động trinh sát thông qua của máy bay. Trong ngày, lực lượng Kiểm ngư đã quan sát được 5 máy bay chiến đấu bay nhiều vòng ở khu vực giàn khoan.

* Vào hôm 1/6, phát biểu tại Shangri-La ở Singapore, Trung tướng Vương Quán Trung, phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), gay gắt nói rằng phát biểu của ông Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại diễn đàn kỳ này là “không thể chấp nhận được”, AFP đưa tin.

Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo ở Tokyo ngày 2.6, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết: “Chúng tôi cho rằng quan chức cấp cao Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố dựa trên những sai lầm về thực tiễn và đã bôi nhọ đất nước chúng tôi”. Ông Suga còn nói thêm rằng phái đoàn Nhật tại Singapore ngay lập tức đã phản đối mạnh mẽ bình luận của phía Trung Quốc.

Diễn đàn Đối thoại Shangri-la 2014 * “Trung Quốc đang thực hiện chính sách cá lớn nuốt cá bé và leo thang từng bước”. Đó là nhận định của ông Patrice Jorland, giáo sư sử chính trị, từng là Tham tán Văn hóa Pháp tại Việt Nam hai nhiệm kỳ, hiện là Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt được tờ Báo điện tử Chính phủ đăng tải.

Ông Patrice Jorland chia sẻ: Là giáo sư sử học, tôi biết rõ Việt Nam có chủ quyền ở vùng biển mà Trung Quốc đang đưa giàn khoan vào. Tôi có rất nhiều bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Pháp là nước từng đô hộ Việt Nam, nắm rõ các diễn biến lịch sử cũng như địa lý ở đây, tôi nghĩ nước Pháp cần lên tiếng về vấn đề này. Nước Pháp đã có lỗi khi im lặng. Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 đã được Việt Nam, Trung Quốc và cả Pháp ký thì Pháp phải có trách nhiệm.

* Ngày 1/6, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-la) lần thứ 13 đã bế mạc sau 3 ngày nhóm họp tại Singapore với 5 phiên thảo luận chung về các vấn đề liên quan đến an ninh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Một trong những chủ đề được quan tâm nhất là những diễn biến mới đây về việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam.

Video tàu 46105 của Trung Quốc đuổi, đâm và và gây ra 4 lỗ thủng lớn bên mạn phải tàu CSB 2016 của Việt Nam.

Tại Đối thoại Shangri-la lần này, hầu hết các đại biểu tham dự đều bày tỏ quan ngại, khẳng định hành động của Trung Quốc nguy hiểm, làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Tuy vậy, Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung lại luôn khẳng định nước này ủng hộ hợp tác, đối thoại, tăng cường lòng tin chiến lược giữa các nước; cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền bằng các quyền liên quan đến biển. Ông Vương Quán Trung cáo buộc Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe “phối hợp tung hứng” trong việc chỉ trích Trung Quốc.

Hơn 400 đại biểu là học giả, nhà ngoại giao, quân sự đến từ hơn 30 quốc gia đã tập trung yêu cầu ông Vương Quán Trung giải thích về cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông. Họ không chấp nhận về tính pháp lý của đường này khi nó đi ngược lại với tinh thần công ước về luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) năm 1982 mà chính Trung Quốc đã thông qua.
Cái gọi là “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò” đã xâm phạm chủ quyền lãnh hải của rất nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc đã né tránh mọi câu hỏi, chỉ đưa ra chỉ lặp lại những điều mơ hồ, vô nghĩa để thuyết phục rằng Trung Quốc có chủ quyền lịch sử đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ 2.000 năm trước và UNCLOS chỉ có hiệu lực từ năm 1994 nên “không áp dụng được” đối với khu vực này, trong khi, cả thế giới đều biết rằng, công ước này ra đời để áp dụng chung cho việc giải quyết mọi tranh chấp mà không hề nêu ra ngoại lệ.

* Tờ South China Morning Post của Hong Kong ngày 2/6 đưa tin, Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Việt Nam không kiện họ ra tòa án quốc tế về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, hàng hải. South China Morning Post dẫn lời Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam phát biểu bên lề Đối thoại Shangri-la hôm qua, rằng Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Việt Nam không đưa vụ việc ra tòa án quốc tế.

Theo báo này, bất chấp yêu cầu mang tính răn đe ngang ngược và vô lý từ phía Trung Quốc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh mạnh mẽ tuyên bố: Nếu Trung Quốc tiếp tục ngang ngược, bất chấp luật pháp, Việt Nam không có lựa chọn nào khác. Việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật