Chủ tịch nước: ‘Không giữ bình tĩnh sẽ bị sập bẫy’

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước những băn khoăn, lo lắng và cả bức xúc của cử tri về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở thềm lục địa Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết: “Tình hình càng phức tạp thì càng phải bình tĩnh để không bị sập bẫy“.
Chủ tịch nước: ‘Không giữ bình tĩnh sẽ bị sập bẫy’
Chủ tịch nước tiếp xúc với cử tri quận 4 sáng 17/5. Ảnh: Hữu Công.

Tại buổi tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu Quốc hội TP HCM sáng 17/5, hơn một nửa trong tổng số 22 ý kiến của cử tri quận 4 đều tập trung vào việc Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng thềm lục địa, vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Mọi người bày tỏ sự mong muốn nhận được ý kiến của Chủ tịch nước về tình hình biển Đông, cũng như phương cách đối phó của Việt Nam trước việc khiêu khích của Trung Quốc.

Cử tri Trần Ngọc Luân (phường 16) cho rằng, dã tâm muốn độc chiếm biển Đông của Trung Quốc đã có từ rất lâu vì đây là khu vực có trữ lượng dầu rất lớn lại là tuyến hàng hải quan trọng. Để thực hiện mưu đồ của mình, Trung Quốc đã liên tục có các hoạt động khiêu khích như bắt ngư dân, tịch thu công cụ, cắt cáp ngầm, mới đây nhất là đưa giàn khoan vào vùng thềm lục địa của Việt Nam và chỉ chờ ta mất bình tĩnh sẽ có cớ để gây chiến tranh.

"Tôi rất đồng ý với chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã kiên trì đấu tranh với Trung Quốc bằng còn đường ngoại giao, hòa bình nhưng rất kiên quyết, không nhân nhượng. Chúng ta phải làm sao để cho thế giới thấy được sự ngang ngược của Trung Quốc, làm sao để Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra một nghị quyết về biển Đông", ông Luân nêu ý kiến.

Cũng bày tỏ sự bất bình vì hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc, cử tri Phạm Đình Toàn (phường 3) nói, Việt Nam từ trước đến nay luôn là một dân tộc hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình nhưng luôn kiên quyết trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm với phương châm "lấy đạo nghĩa để thắng hung tàn".

"Vì vậy, chúng tôi đề nghị Đảng, Nhà nước và Chính phủ phải phát huy cao độ trí tuệ, truyền thống của dân tộc để đánh thắng mưu đồ của nhà cầm quyền Trung Quốc", vị cử tri nói.

Ông Toàn cũng đề nghị các tổ chức công đoàn phải bám sát các công ty xí nghiệp cũng như tâm tư của các công nhân để tránh tình trạng nhiều người bị kẻ xấu lợi dụng việc biểu tình phản đối Trung Quốc để kích động, đập phá các công ty nước ngoài như vừa qua.

Cử tri Hoàng Thị Xuân (phường 15) tỏ vẻ lo lắng khi đã hơn 10 ngày qua, bằng các biện pháp ngoại giao nhưng Trung Quốc vẫn không chịu rút giàn khoan về nước mà lại còn đưa thêm nhiều tàu ra khiêu khích ta. "Chúng ta cần có biện pháp đấu tranh kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn và phải có thời gian cụ thể chứ không thể để họ hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền của ta như thế", bà Xuân yêu cầu.

Trong khi đó, phản đối Trung Quốc từ một góc nhìn khác, cử tri Hoàng Lê Bình cho rằng, hiện nay nền kinh tế của Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, nhập siêu rất lớn. Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam. Rất nhiều công trình quan trọng như khai khoáng, thủy điện của chúng ta đang do các nhà thầu của nước này thi công, trong khi đầu tư trực tiếp vào nước ta thì rất ít. Bên cạnh đó, thương lái Trung Quốc lại có những kiểu buôn bán không giống ai khi vào Việt Nam như thu mua lá khoai, lá điều, rễ tiêu... để phá hoại sản xuất của Việt Nam. Đây là những bằng chứng cho thấy âm mưu thâm độc của Trung Quốc.

"Đề nghị các đại biểu Quốc hội cần có đánh giá nghiêm túc, xem xét chỉnh sửa, bổ sung các vấn đề còn bất cập trong các luật về đầu tư, đấu thầu, lao động để quản lý chặt chẽ hơn, tránh quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cần có những việc làm cụ thể chứ không chỉ bằng lời nói", ông Bình nhấn mạnh.

Các cử tri quận 4 đều bất bình trước việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền nước ta tại buổi tiếp xúc với Tổ đại biểu quốc hội TP HCM. Ảnh: Hữu Công

Trước những băn khoăn, lo lắng và cả bức xúc của cử tri quận 4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết tình hình càng phức tạp mình càng phải bình tĩnh để không bị sập bẫy. Tình hình càng khó thì càng phải đoàn kết phát huy truyền thống dân tộc, không phân biệt tôn giáo, già trẻ, gái trai.

"Thử hình dung một tàu cảnh sát biển của mình bị 5-7 tàu Trung Quốc bao vây, chĩa mũi nhọn. Nếu thuyền trưởng không bình tĩnh sẽ sinh chuyện, sẽ bị sập bẫy ngay", Chủ tịch nước nói và khẳng định chúng ta muốn bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, muốn hòa bình để xây dựng phát triển đất nước, nhưng cái gì gây phương hại đến điều đó thì mình phải đấu tranh.

Chủ tịch nước cho biết, lập trường của Đảng và Nhà nước đã rất rõ ràng, mỗi lần người dân nghe Bộ Ngoại giao nói thì đó chính là quan điểm của Đảng và Nhà nước. "Chế độ chính trị của mình là Đảng lãnh đạo, đừng có nghe trên mạng họ kích rằng ông này thì thế này, ông kia chắc có chuyện gì, mình cũng nghe theo là mất đoàn kết nội bộ, sập bẫy họ", Chủ tịch nước nêu.

"Cũng có thể có người này người kia nói, nhưng chúng ta nghe rồi phải tìm hiểu và hỏi các chuyên gia cho kỹ. Nếu không bình tĩnh dễ sinh ra phê phán nhau. Hậu quả là bên ngoài người ta vi phạm chủ quyền, mình không tập trung đấu tranh mà nội bộ lại lục đục. Vì vậy, phải hết sức cảnh giác", Chủ tịch nước chia sẻ.

Theo Chủ tịch nước, bên cạnh đấu tranh bằng con đường ngoại giao, trên thực địa, tàu cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam đã đấu tranh bằng cách ra khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan để kêu gọi họ ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình. Các chiến sĩ đã hết sức kiên cường dù trong hoàn cảnh rất gian khổ.

Chiều nay, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương và kiểm tra tình hình ở các khu công nghiệp bị thiệt hại vì bị đập phá trong các cuộc biểu tình quá khích vừa qua

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật