Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Báo cáo KT- XH phải cập nhật tình hình bất thường hiện nay

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ý kiến thảo luận nêu ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH hôm 15.5 là những ảnh hưởng đối với nền kinh tế từ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam. Khi kết luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị “Không thể không nói đến tình hình nước sôi lửa bỏng hiện nay ra trước QH”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Báo cáo KT- XH phải cập nhật tình hình bất thường hiện nay
Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh báo cáo về tình hình KTXH.

Vấn đề thời sự bức xúc

Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Trần Văn Hằng đặt câu hỏi: Chính phủ đã dự báo gì về những biến động của kinh tế - xã hội khi tình hình Biển Đông xảy ra với diễn biến phức tạp?

Bởi theo ông, trong 3 ngày qua, các nhà đầu tư có những e ngại nhất định, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt các doanh nghiệp Trung Quốc gặp khó khăn do công nhân đình công hay như phong trào tự phát trong toàn dân là tẩy chay Trung Quốc?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận, bản báo cáo tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm được trình chưa kịp cập nhật những diễn biến bất thường đang ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế trong 3 ngày qua, điều mà chính ông cũng cho là “vấn đề thời sự rất bức xúc không chỉ trong nhân dân mà trong chính chúng ta”.

Bộ trưởng cũng cho biết, đã có báo cáo gửi Thủ tướng để Chính phủ có những biện pháp kịp thời và cứng rắn không để làm ảnh hưởng tới hình ảnh môi trường đầu tư xây dựng suốt 20 năm qua với bao kỷ lục đang trở nên xấu đi trong chỉ 3 ngày qua.

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tình hình 8 - 9 tháng còn lại sẽ còn xấu

Trước những biến động, Bộ trưởng Vinh cũng cho biết, tình hình “8 - 9 tháng còn lại sẽ còn xấu” và nếu không có các biện pháp kịp thời thì sẽ xảy ra 2 việc: Các nhà đầu tư e ngại về môi trường đầu tư an toàn và sự đình trệ sản xuất.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng nhìn nhận “Những phát sinh mới chúng ta chưa lường hết được”. Ngay cả báo cáo thẩm tra cũng chỉ mới là tình hình đến tháng 4 với nhiều “cái được”, từ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đến những chuyển biến trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cùng với sự ấm lên của một số thị trường như tài chính, bất động sản.

“Điều này có thể khẳng định” - ông Hiển nói, nhưng lưu ý “Nổi lên vẫn là sự khó khăn của doanh nghiệp. Phản ánh rõ trong việc hấp thụ nguồn vốn. Tăng trưởng thấp không như mong muốn. Dòng tiền chảy vào trái phiếu, vào các khu vực có thể thu lại được vốn, nhưng không chảy vào sản xuất”. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cũng lo ngại những diễn biến xấu ở Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng sẽ gây nhiều ảnh hưởng khi “đây là những khu vực có nguồn thu rất lớn”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhìn nhận, việc Trung Quốc tiếp tục duy trì dàn khoan Hải Dương 981 rằng: “Tình hình vẫn nghiêm trọng, căng thẳng vẫn kéo dài mà chúng ta vẫn để số liệu (trong báo cáo kinh tế - xã hội) ở tình hình bình thường là không được”. Theo ông, tình hình an ninh trật tự giờ đã không như trước nữa. Chúng ta phải cập nhật để có biện pháp.

Trước một số ý kiến về việc không thể điều chỉnh báo cáo kịp thời khi phiên họp quốc hội đã cận kề, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận “Không thể không nói gì đến tình hình nước sôi lửa bỏng hiện nay khi đưa báo cáo này ra trước Quốc hội”. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng đề nghị “bài phát biểu khai mạc (kỳ họp quốc hội), phải có đoạn nói về tình hình Biển Đông”.

Mấy trăm triệu USD chứ đâu phải cái kim, sợi chỉ “Một việc tày đình như đăng cai ASIAD thế mà ngay cả Thủ tướng cũng không biết. Người dân ngạc nhiên, chúng tôi cũng ngạc nhiên. Tiếp xúc cử tri, họ rất phàn nàn về cái này. Không báo cáo Chính phủ mà lại chạy đua đăng cai. Đây chính là vấn đề của quản lý nhà nước nổi lên 4-5 tháng qua. Mấy trăm triệu USD chứ đâu phải cái kim, sợi chỉ”.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật