Chính quyền đứng trên Pháp Luật?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) bất ngờ ập vào khám xét, niêm phong tài sản tại tiệm vàng Hoàng Mai ngày 24/4/2014.
Chính quyền đứng trên Pháp Luật?
Tiệm vàng Hoàng Mai bỗng dưng... bị đột kích. Nguồn ảnh: Internet

Chỉ từ chuyện một người dân vào đổi 100 USD, lực lượng công an đã niêm phong số tài sản lên tới khoảng 559 lượng vàng và 14.000 USD. Trả lời báo chí, người phát ngôn của UBND Q.Bình Thạnh cho biết, việc công an khám xét tiệm vàng Hoàng Mai là dựa theo quyết định khám xét ký ngày 23/4/2014 của chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh. Quyết định này được ban hành dựa theo đề xuất của công an quận và theo điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính (quy định về khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính).

Đáng nói là theo điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính, UBND quận chỉ được quyền ban hành quyết định khám xét chỗ ở và về nguyên tắc, việc khám xét chỉ có thể tiến hành sau khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, bị lập biên bản vi phạm. Phía công an lại giải thích là việc họ vào khám xét là do có một người vào đổi 100 USD ở tiệm vàng. Trong khi đó, lệnh khám xét đã được ký trước đó một ngày!

Rõ ràng là các cơ quan chức năng ở Q.Bình Thạnh đã giải thích lòng vòng, việc khám xét, niêm phong tài sản tại tiệm vàng Hoàng Mai vừa không đúng luật, vừa có vẻ như được lên kế hoạch “đánh” từ trước. Chính điều đó đã khiến dư luận và giới kinh doanh rất lo ngại. Nếu công an và chính quyền hiểu luật theo cách như vậy, thì chẳng khác nào công an có quyền vào khám xét bất kỳ cơ sở kinh doanh hay nhà dân nào, mà không cần có dấu hiệu vi phạm, đồng nghĩa với việc công an và chính quyền đứng trên cả Pháp Luật! Việc này đã gây tâm lý bất an, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do kinh doanh, đến môi trường kinh doanh nói chung - vốn được Pháp Luật tôn trọng và bảo vệ.

Kết quả nhãn tiền của sự việc trên là dù đã được mở niêm phong trả lại vàng, nhưng chủ tiệm đã khủng hoảng tinh thần, đến mức phải làm đơn xin tạm ngưng kinh doanh, với lý do “tinh thần đang bị hoảng loạn”! Sự việc còn làm cho hàng trăm tiệm vàng khác trên cả nước “nơm nớp lo sợ” mình có thể bị niêm phong tài sản bất kỳ lúc nào. Không bao che cho các sai phạm, sơ sót của cơ sở kinh doanh, nhưng thay vì xử lý đúng trình tự, đúng Pháp Luật, trong vụ việc này, cơ quan chức năng Q.Bình Thạnh đã “dùng dao mổ bò để giết gà”! Nếu cách hành xử này “được” nhân rộng, hậu quả sẽ thế nào?

Ngày 28/4, tại cuộc họp giữa Thủ tướng Chính phủ với giới doanh nghiệp, sau khi nghe phản ánh về tình trạng doanh nghiệp khó khăn khi làm thủ tục thuế, hải quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói: “Tôi thực sự xin lỗi. Là người đứng đầu Chính phủ, tôi cũng xin lỗi nhân dân... Bây giờ như thế thì doanh nghiệp thế nào, mà đây là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế”.

Những lời của Thủ tướng tuy chỉ là sự tình cờ ngẫu nhiên, nhưng có thể “vận” vào trường hợp tiệm vàng Hoàng Mai. Chính quyền địa phương thay vì hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thì lại có những động thái làm xấu thêm môi trường kinh doanh.

Thiết nghĩ, vụ việc Hoàng Mai cần được các cấp có thẩm quyền cao hơn mổ xẻ, rút kinh nghiệm, để bảo đảm không có những vụ tương tự xảy ra trong tương lai.

Luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật