Hà Nội tích cực tháo gỡ khó khăn cho DN

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đây được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2014 của Thủ đô.
Hà Nội tích cực tháo gỡ khó khăn cho DN
Ảnh minh họa

Báo cáo Chính phủ về tình hình tháo gỡ khó khăn cho các DN, UBND TP. Hà Nội cho biết, các giải pháp đã và đang được Thành phố triển khai tích cực.

Từ đầu năm đến nay các ngành sản xuất, dịch vụ thương mại của Hà Nội nhìn chung vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng ở mức thấp.

Quý I/2014, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội tăng 6,6% thấp hơn so với cùng kỳ và bằng 1,33 lần mức tăng chung của cả nước.

Nhìn chung trong 4 tháng đầu năm, tuy sản xuất vẫn còn gặp khó khăn, nhưng sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ. Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước tính 4 tháng đạt 5.694 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ, bằng 24,3% kế hoạch năm. Tổng vốn đầu tư ước đạt 54.330 tỷ đồng, tăng 9,3% (quý I/2013 tăng 11,7%).

Thành phố cấp mới và điều chỉnh 378 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,13 tỷ USD. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới dự kiến đạt 150 triệu USD, tương đương cùng kỳ năm 2013.

Trong quý I/2014, ước tính số DN ngừng hoạt động là 1.950, đã giảm 14,1%. Tuy nhiên, số DN đăng ký thành lập cũng giảm 16,2%, ước có 3.100 số DN mới được thành lập.

DN vẫn còn khó khăn

Trong năm 2013, thông qua các cuộc tiếp xúc của Thành phố với cộng đồng DN và qua khảo sát bằng hình thức phiếu điều tra gần 17.377 DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài chọn mẫu về khả năng tiếp cận các nguồn lực cho sản xuất và dự kiến huy động các nguồn lực cho sản xuất năm 2013, tất cả các DN được hỏi đều gặp phải khó khăn. Tuy nhiên, mức độ của từng loại khó khăn đối với các thành phần kinh tế khác nhau, ở các ngành kinh tế khác nhau là không giống nhau.

Theo đó, có hai khó khăn lớn nhất là khả năng tiếp cận các nguồn lực cho sản xuất của DN và khả năng tiếp cận các chính sách quản lý và điều hành của Nhà nước với DN.

Về nguồn vốn, hầu hết các DN của Hà Nội có quy mô nhỏ và vừa khá phụ thuộc vào nguồn vốn vay nên khi việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Trong tổng số 17.377 DN được hỏi, chỉ có 6,7% DN cho rằng việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng trong nước là thuận lợi, 59,54% DN cho rằng bình thường, 27,9% cho rằng khó khăn, 3,65% là rất khó khăn.

Đối với khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng nước ngoài thì có 33,61% DN được hỏi cũng cho là gặp khó khăn và 13,39% rất khó khăn.

Ngoại trừ việc Hà Nội có lợi thế là nguồn lao động dồi dào, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo khá cao, việc huy động nguồn nhân lực này cho sản xuất kinh doanh là tương đối thuận lợi so với các địa phương khác, thì Thành phố vẫn gặp khó khăn khác như nguồn vật tư đầu vào.

Giá thuê đất tăng cao, cùng với chi phí điện, nước, xăng, dầu tăng vẫn là áp lực cho DN trong việc kiểm soát chi phí, ổn định giá thành, đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là với các sản phẩm xuất khẩu theo hợp đồng trung dài hạn.

Mặt khác nhiều DN mới được thuê đất từ năm 2012, có tư cách pháp nhân mới và chưa hoàn thành thủ tục hợp thức hóa việc sử dụng đất không được miễn giảm tiền thuê đất cũng gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến những khó khăn về khả năng tiếp cận các chính sách quản lý và điều hành của Nhà nước với DN, thành phố Hà Nội cho rằng, trong các năm qua, Nhà nước đã liên tục có những chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy khối DN phát triển. Những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô đã bước đầu phát huy hiệu quả, các cơ quan quản lý Nhà nước đang dần nỗ lực cải cách hành chính nhằm giảm thiểu những thủ tục phiền hà gây lãng phí thời gian cho DN, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập cần nỗ lực khắc phục.

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02/01/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, TP. Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 01/CTr-UBND thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, trong đó có công tác hỗ trợ DN.

Để hỗ trợ thị trường, thực hiện các giải pháp đa dạng, linh hoạt nhằm kích cầu tiêu dùng, giải quyết hàng tồn kho, Hà Nội đặt mục tiêu thực hiện có hiệu quả chương trình bán hàng bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố thông qua thực hiện giải ngân hơn 300 tỷ đồng cho các DN dự trữ 10 nhóm hàng hóa thiết yếu, với mục tiêu bình ổn và cân đối cung cầu nguồn hàng trên thị trường, không để sốt giá.

Bên cạnh việc tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm soát việc chấp hành quy định về đăng ký giá, kê khai, niêm yết giá; kiểm soát chặt chẽ các loại phí, lệ phí, Hà Nội đã và đang tiến hành đổi mới, đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện các chương trình, biện pháp xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ DN vừa và nhỏ với kinh phí ngân sách hỗ trợ 66 tỷ đồng.

Đồng thời đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần tác động hiệu quả tới mức tăng rõ rệt của tỷ trọng hàng Việt trong kênh bán lẻ hiện đại (chiếm từ 70-90%) lượng hàng hóa kinh doanh của kênh này trên cả nước.

Để hỗ trợ vay vốn, lãi suất, hiện Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện Đề án thành lập và các thủ tục cần thiết để đưa Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN vừa và nhỏ trên địa bàn sớm đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả. Tại Hội nghị gặp gỡ DN được tổ chức hồi đầu năm nay, Đề án này được rất được các DN mong đợi sớm hoạt động.

Cùng với các giải pháp nêu trên, từ đầu năm đến nay, Hà Nội tích cực thực hiện các chính sách tài khóa, các chính sách ưu đãi về thuế, hải quan, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật