Thành phố Hồ Chí Minh: Hướng đến trung tâm công nghiệp khu vực Đông Nam Á

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
TP Hồ Chí Minh vừa triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 gắn với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Thành phố Hồ Chí Minh: Hướng đến trung tâm công nghiệp khu vực Đông Nam Á
Trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh.

Như vậy, sau 39 năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975 – 30/4/2014), vượt qua những khó khăn, thách thức, TP Hồ Chí Minh luôn dẫn đầu cả nước về sự phát triển, là nơi thu hút đầu tư của các nguồn lực trong và ngoài nước…

Vượt qua thách thức

Là đô thị đặc biệt, trung tâm về nhiều mặt, TP Hồ Chí Minh chịu tác động bởi tình hình chung của cả nước và thế giới, cả thuận lợi lẫn khó khăn. Sau ngày giải phóng, bằng trí tuệ, và nội lực Đảng bộ và nhân dân đã đưa TP Hồ Chí Minh vượt qua mọi thử thách, đem lại nhiều thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội…

Giai đoạn 2011 – 2013, TP Hồ Chí Minh đối mặt với khủng hoảng kinh tế thế giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro, tác động bất lợi đến kinh tế cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng. Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các ban, ngành nỗ lực phấn đấu trên nhiều mặt; tập trung một số giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lí, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng.

Theo đó, nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học – kĩ thuật cao; từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phát triển theo chiều rộng dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và nguồn lao động chất lượng thấp sang phát triển theo chiều sâu, lấy chất lượng tăng trưởng là động lực chủ yếu để phát triển các ngành, lĩnh vực trên cơ sở áp dụng những thành tựu mới về khoa học, công nghiệp, ít gây ô nhiễm môi trường, nguồn nhân lực chất lượng cao và kĩ năng quản lí  hiện đại… Thành phố triển khai đánh giá chỉ số TFP (năng suất các yếu tố tổng hợp) nhằm đánh giá tác động của hợp lí hóa sản xuất, cải tiến quản lí, nâng cao trình độ lao động, đổi mới và sáng tạo. Trên cơ sở số liệu thu thập được, tính toán tỉ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp – TFP bình quân trong giai đoạn 5 năm (2006 – 2010) là 17,4%1 vào tăng trưởng GDP của thành phố; năm 2011 đạt 29,4%, năm 2012 đạt 30,1%. Sự gia tăng yếu tố TFP trong GDP thành phố cho thấy chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế TP ngày càng được nâng lên. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân 3 năm tăng 9,6%, trong đó: Khu vực dịch vụ đạt cao nhất (11,1%/năm); công nghiệp và xây dựng tăng 7,5%/năm;  nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,7%/năm. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn so kế hoạch đề ra (kế hoạch 2011 – 2015 tăng bình quân là 12%/năm), nhưng trong bối cảnh khó khăn chung thì kết quả trên là hợp lí, từng bước hồi phục trong năm 2013.

Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong nước

Trong ba năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế TP Hồ Chí Minh gấp 1,7 lần so cả nước (tăng 5,6%/năm), cao hơn chỉ tiêu kế hoạch 5 năm đề ra (tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP gấp 1,5 lần so cả nước), cao hơn giai đoạn 2008 – 2010 (gấp 1,69 lần GDP cả nước); góp phần tích cực duy trì mức tăng trưởng GDP hợp lí của cả nước. Đến cuối năm 2013, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.520 USD/người, cao hơn 1,4 lần so với cuối năm 2010 (3.199 USD/người).

Kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng giúp ổn định sản xuất kinh doanh, từng bước phục hồi và ổn định, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lí. Cụ thể tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2011 – 2013 ước đạt 1.607.175 tỉ đồng, tăng bình quân 17,6%/năm (theo giá thực tế). Năm 2013, TP Hồ Chí Minh được đánh giá đứng đầu 63 tỉnh, thành phố về phát triển thương mại điện tử, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011 – 2013 ước đạt 84,67 tỉ USD.

TP Hồ Chí Minh tập trung sắp xếp, đổi mới doanh nghệp Nhà nước theo hướng tăng cường hiệu quả, tập trung nguồn vốn vào các hoạt động chính của ngành; đánh giá và củng cố hoạt động các doanh nghiệp công ích. Đồng thời phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước giai đoạn 2013 – 2015, quy trình chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần… Các thành phần kinh tế phát triển ổn định, thành phần kinh tế nhà nước đang được tập trung tái cấu trúc lại và hoạt động hiệu quả hơn, kinh tế tập thể được quan tâm củng cố, kinh tế ngoài quốc doanh và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài duy trì ổn định, đóng góp giá trị ngày càng cao trong GDP của thành phố (82,7%), cao hơn giai đoạn trước; điều đó cho thấy thành phố đã phát huy được tiềm năng và nguồn lực trong dân, nguồn lực ngoài nước.

TP Hồ Chí Minh hôm nay.

TP Hồ Chí Minh có tổng giá trị giải ngân các dự án ODA đạt 13.821,5 tỉ đồng, trong đó vốn ODA là 12.483,97 tỉ đồng, vốn đối ứng là 1.337,5 tỉ đồng. Tốc độ giải ngân vốn đã tăng đáng kể, với số vốn giải ngân bình quân hằng năm là 4.270 tỉ đồng, cao hơn 26% so với bình quân giai đoạn 2008 – 2010. Việc hoàn thành các dự án sử dụng vốn ODA như Đại lộ Đông – Tây, vệ sinh môi trường lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Tân Hóa – Lò Gốm góp phần cải thiện đáng kể hạ tầng thành phố, nâng cao chất lượng sống của người dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Phát huy các kết quả đã đạt được, TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, kêu gọi nguồn vốn ODA đối với dự án lớn, quan trọng như các dự án xây dựng bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012 – 2015, đầu tư xây dựng nhà ga trung tâm Bến Thành, đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3a (Bến Thành – Tân Kiên) và Nhà máy xử lí nước thải lưu vực kênh Tân Hóa – Lò Gốm…

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân: Trong thời gian qua do kinh tế thế giới tác động khiến kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Thành phố đã tập trung chỉ đạo kiểm soát lạm phát, đề ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho; triển khai thực hiện 6 chương trình đột phá giai đoạn 2011 – 2015 gắn với 3 khâu đột phá chiến lược, đạt nhiều kết quả tích cực bước đầu. Đồng thời huy động mọi nguồn lực, thực hiện các công trình giao thông trọng điểm, nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng trước tiến độ, góp phần kéo giảm ùn tắc trên địa bàn. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế còn chậm. Tốc độ tăng trưởng sản phẩm nội địa (GDP) chưa đạt chỉ tiêu đề ra; tiềm năng, lợi thế của thành phố chưa được huy động, khai thác hiệu quả để tạo bước đột phá mạnh mẽ; chưa tạo sự đột phá trong việc thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tỉ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng, năng suất lao động cao còn thấp.

Những năm tới, TP sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thực hiện thống nhất quy hoạch phát triển kinh tế, tạo sự đồng bộ trong phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách đầu tư chung, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn vùng, xây dựng vùng nguyên liệu, vùng công nghiệp hỗ trợ để gắn kết với TP Hồ Chí Minh. Phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm công nghệ cao của khu vực với các vệ tinh cung cấp các sản phẩm hỗ trợ từ các tỉnh, thành phố lân cận.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật