Mỹ và Phi-líp-pin được lợi gì từ thỏa thuận quốc phòng mới?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mỹ và Phi-líp-pin ngày 28-4 đã ký một thỏa thuận quốc phòng mới, cho phép các lực lượng của Oa-sinh-tơn tiếp cận các căn cứ và cơ sở quân sự nhất định của Ma-ni-la.
Mỹ và Phi-líp-pin được lợi gì từ thỏa thuận quốc phòng mới?
Các binh sĩ Mỹ và Phi-líp-pin trong một cuộc tập trận chung trên biển ngày 28-6-2013.

Thỏa thuận cho thấy Mỹ và Phi-líp-pin đều mong mỏi thắt chặt quan hệ liên minh quân sự giữa hai nước và cũng chứng tỏ Oa-sinh-tơn đang dần hướng về châu Á cả về mặt quân sự lẫn kinh tế.

Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng tăng cường Phi-líp-pin - Mỹ (EDCA), được ký bởi Bộ trưởng Quốc phòng Phi-líp-pin, Vôn-te Ga-dơ-min (Voltaire Gazmin) và Đại sứ Mỹ tại Ma-ni-la, Phi-líp Gôn-bớc (Philip Goldberg) chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma bắt đầu chuyến thăm chính thức Phi-líp-pin. Được biết đây mới chỉ là thỏa thuận khung và các điều khoản cụ thể sẽ được hai nước tiếp tục thảo luận.

Trang web inquirer.net dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao Phi-líp-pin cho biết, thỏa thuận quốc phòng có thời hạn 10 năm này khẳng định Oa-sinh-tơn không được quyền hiện diện quân sự thường trực hay thiết lập các căn cứ quân sự vĩnh viễn trên lãnh thổ Phi-líp-pin. EDCA chỉ cho phép các lực lượng quân sự của Mỹ tiếp cận và sử dụng các khu vực đã được quy định sẵn theo đề nghị từ phía Chính phủ Phi-líp-pin. Tuy nhiên, người chỉ huy căn cứ của Các lực lượng vũ trang Phi-líp-pin (AFP) lại có quyền tiếp cận với toàn bộ các cơ sở chia sẻ với quân đội Mỹ nói trên. Hai bên cũng chia sẻ và sử dụng chung các thiết bị tại các khu vực đã định, trong đó có cả các thiết bị của Mỹ. Ngoài ra, tất cả các công trình hay cơ sở hạ tầng tương tự do Mỹ xây dựng sẽ thuộc quyền sở hữu của Phi-líp-pin.

Các nội dung trên hoàn toàn trùng khớp với những gì mà Tổng thống B.Ô-ba-ma đã nói trước thềm chuyến thăm Phi-líp-pin ngày 28-4. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABS-CBN, ông chủ Nhà Trắng cho biết, thỏa thuận này sẽ giúp Mỹ có sự tiếp cận lớn hơn với các cơ sở, cảng biển và sân bay của Phi-líp-pin dưới sự kiểm soát của Ma-ni-la. Ông cũng nhấn mạnh việc mở rộng hợp tác giữa các lực lượng sẽ giúp hai nước tăng cường khả năng huấn luyện, tập trận và hoạt động chung, cũng như phản ứng nhanh nhạy hơn trước các thử thách. Mặc dù vậy, thỏa thuận không có điều khoản về việc Mỹ nắm giữ hay xây mới các căn cứ quân sự tại Phi-líp-pin. Các binh sĩ và phương tiện quân sự của Oa-sinh-tơn chỉ luân phiên có mặt tại Phi-líp-pin để tham gia các cuộc huấn luyện và tập trận chung chứ không phải đồn trú. Theo EDCA, số binh sĩ và nhân viên Mỹ đến Phi-líp-pin sẽ phụ thuộc vào quy mô và tần suất của các hoạt động quân sự chung giữa hai nước.

Đặc biệt, EDCA cũng cấm tuyệt đối việc vận chuyển vũ khí hạt nhân vào Phi-líp-pin và các trang thiết bị đưa tới nước này phải phù hợp với Hiến pháp Phi-líp-pin, cũng như các nghĩa vụ tương ứng của hai nước theo Hiệp ước vũ khí hóa học và Hiệp ước vũ khí sinh học.

Ngoài ra còn có một số vấn đề được nêu trong thỏa thuận như cam kết về bảo vệ môi trường, sức khỏe và sự an toàn của con người. EDCA cũng dành sự ưu tiên cho các nhà cung cấp của Phi-líp-pin trong việc bán hàng hóa, sản phẩm và cung cấp các dịch vụ cho lực lượng quân sự và nhân viên của Mỹ.

Cũng theo Bộ Ngoại giao Phi-líp-pin, thỏa thuận EDCA nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia đồng minh quân sự trên các lĩnh vực như khả năng tương tác, an ninh hàng hải, xây dựng năng lực theo hướng hiện đại hóa Các lực lượng vũ trang Phi-líp-pin, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa… Thỏa thuận này cũng sẽ mang lại lợi ích về mặt kinh tế cho Phi-líp-pin, bởi nó sẽ tạo thêm việc làm cũng như các cơ hội kinh tế khác trong các hoạt động xây dựng, cung cấp thực phẩm và hàng hóa cho các binh sĩ, nhân viên Mỹ.

Trong quá khứ, Mỹ từng có hai căn cứ quân sự lớn tại Phi-líp-pin là Clark và Subic cho tới năm 1991, khi chính quyền Ma-ni-la bỏ phiếu nhất trí việc đóng cửa hai căn cứ này. Hiến pháp Phi-líp-pin hiện nay cũng quy định quân đội nước ngoài không được phép bố trí các căn cứ quân sự thường trực trên lãnh thổ nước này. Chính vì vậy, việc ký EDCA được coi là nước đi “vẹn cả đôi đường” đối với Phi-líp-pin. Trong bối cảnh tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ ở khu vực chưa có dấu hiệu lắng xuống, thỏa thuận này sẽ giúp Ma-ni-la nhận được sự “tiếp sức” lớn hơn cả về tinh thần lẫn vật chất từ phía đồng minh lâu năm mà vẫn bảo đảm phù hợp với Hiến pháp.

Tương tự, thông qua EDCA, Mỹ cũng đạt được bước tiến quan trọng trong nỗ lực chuyển hướng chiến lược về châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời đây cũng là cơ hội để chính quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma đưa ra một thông điệp mạnh mẽ rằng, Oa-sinh-tơn sẽ luôn “sát cánh cùng các đồng minh của mình trong mọi hoàn cảnh”.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật