Tên lửa diệt hạm tối tân của Na Uy khiến Mỹ ‘thèm khát’

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Na Uy đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ sản xuất tên lửa diệt hạm NSM vào loại hiện đại nhất thế giới. Theo các chuyên gia vũ khí, tên lửa NSM hoàn toàn có khả năng tạo ra được ưu thế lớn trên chiến trường cho lực lượng hải quân Na Uy.
Tên lửa diệt hạm tối tân của Na Uy khiến Mỹ ‘thèm khát’
Hình ảnh mô phỏng tên lửa NSM khi được phóng ra.

Một tên lửa NSM đủ để tiêu diệt những chiến hạm sừng sỏ nhất thế giới

Na Uy thuộc khu vực Bắc âu với nền kinh tế và khoa học kỹ thuật khá phát triển. Đất nước này luôn lọt vào danh sách những nước hàng đầu thế giới về phát triển con người và là quốc gia được cho là an toàn nhất hành tinh.

Hiện nay Na Uy là một thành viên của EU và NATO nên cũng như các thành viên khác của hai khối liên minh này, chính phủ Na Uy luôn rất coi trọng phát triển ngành công nghiệp quốc phòng để đáp ứng được các yêu cầu mới của không chỉ lực lượng quân đội trong nước mà còn cho cả các nước đồng minh.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của quân đội Na Uy đó là việc nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí trang bị cho lực lượng hải quân. Bởi vì đất nước này có bờ biển khá dài và hàng nghìn đảo lớn nhỏ khác nhau. Từ phía tây tới phía nam, Na Uy giáp với biển Na Uy, biển Bắc, và Skagerak còn phía bắc giáp với  biển Barents.

Trong những năm trở lại đây, các nước trên thế giới đã áp dụng các thành quả phát triển của khoa học kỹ thuật vào việc chế tạo các loại vũ khí hiện đại. Trước xu thế này, Na Uy cũng đã làm chủ được công nghệ phát triển phiên bản tên lửa chống hạm đầy uy lực NSM.

Dự án nghiên cứu và phát triển tên lửa NSM là một trong những dự án trọng điểm nhất của quân đội Na Uy và được giao cho tập đoàn Kongsberg đảm nhiệm. Đây là một tập đoàn công nghệ nổi tiếng trong việc sản xuất các loại vũ khí hiện đại. Tập đoàn Kongsberg đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc chế tạo tên lửa và là nơi làm việc của các chuyên gia và kỹ sư hàng đầu về vũ khí và khoa học công nghệ. Sau một thời gian khá dài miệt mài làm việc, cùng với kinh phí dự án được đảm bảo đầy đủ từ chính phủ và quân đội Na Uy, tập đoàn Kongsberg đã xây dựng thành công tên lửa diệt hạm NSM và chính thức được biên chế cho lực lượng hải quân Na Uy gần đây.

Trong giai đoạn phát triển dự án, nhà sản xuất và quân đội Na Uy đã giữ bí mật và gần như không có thông tin nào được tiết lộ ra bên ngoài. Chỉ mới đầu năm 2014 vừa qua, tại cuộc triển lãm vũ khí Sea-Air-Space ở Mỹ, tập đoàn Kongsberg mới công bố một số chi tiết về tên lửa diệt hạm NSM siêu tối tân này.

Tên lửa NSM có trọng lượng và kích thước không khác nhiều so với các loại tên lửa hành trình chống hạm hiện nay trên thế giới, chúng có tổng chiều dài vào khoảng 9,7m; trọng lượng nặng khoảng 408kg và mang được một đầu đạn nặng 108kg. Mặt khác, với việc đột phá về công nghệ sản xuất động cơ được áp dụng cho tên lửa NSM nên tên lửa loại này có vận tốc rất lớn, gấp vài lần vận tốc âm thanh. Với trọng lượng đầu đạn như trên kết hợp với vận tốc khá lớn đã làm tăng sức công phá của tên lửa NSM.

Theo nhận định của các chuyên gia, chỉ cần một tên lửa NSM là đủ để tiêu diệt những chiến hạm sừng sỏ nhất thế giới hiện nay.

Bất kỳ loại vũ khí nào cũng phải được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên theo một thời gian được xác định. Tùy từng loại và chất lượng, năm sản xuất mà chúng sẽ có thời gian và phương pháp bảo dưỡng khác nhau. Việc này là rất quan trọng trong cả thời bình và thời chiến. Trong thời bình mặc dù việc bảo trì không liên tục như khi có chiến tranh nhưng để đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu thì tất cả các loại vũ khí đều phải được bảo dưỡng một cách cẩn thận theo kế hoạch.

Hàng năm quân đội mỗi nước phải dành ra một khoản kinh phí khá lớn về tài chính cũng như nhân lực để thực hiện các chương trình bảo trì, bảo dưỡng vũ khí trang bị. Tất nhiên đối với tên lửa NSM cũng vậy, chúng cũng cần phải được bảo dưỡng định kỳ. Nhưng đáng chú ý là nhà sản xuất đã áp dụng công nghệ vô cùng tiên tiến để tên lửa được đặt trong những hộp phóng riêng lẻ và có thể cất giữ luôn trong đó 10 năm mà không cần bảo dưỡng. Thông thường các tên lửa thì 1-2 năm cần phải được bảo dưỡng một lần. Chính vì vậy, tên lửa NSM đã giúp cho quân đội Na Uy giảm được rất nhiều chi phí cho việc duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Tên lửa duy nhất phân biệt được hình dáng tàu chiến và tàu dân sự

Một trong những tính năng quan trọng khác của NSM đó là khả năng dẫn hướng và tấn công chính xác để tiêu diệt các mục tiêu. Theo đó, tên lửa NSM được cho là một trong những tên lửa chống hạm đầu tiên trên thế giới được trang bị đầu dò hồng ngoại và camera chuyên dụng có khả năng phân biệt và nhận dạng được từng hình dáng của những tàu chiến riêng lẻ, cho phép nó tự động bỏ qua các mục tiêu dân sự như tàu cá, tàu hàng... để lựa chọn ra một tàu chiến của đối phương và tấn công phá hủy chúng. Một tính năng mà chúng ta chỉ nghĩ ở trong các phim khoa học viễn tưởng nay đã trở thành hiện thực.

 

Hình ảnh tên lửa NSM trong cuộc triển lãm.

Ngoài ra, nếu chúng không tìm được mục tiêu định dạng phù hợp thì loại tên lửa này có chế độ tự phá hủy trên không để làm sao mà an toàn nhất cho các phương tiện của ngư dân đang hoạt động trên biển.

Đúng như lời Đô đốc Hải quân Na Uy, ông Tony Schei đã nói, “NSM là một loại vũ khí rất tinh vi, chúng có khả năng giúp lực lượng hải quân chiếm được ưu thế trên chiến trường một cách nhanh chóng”.

Ngoài ra, các quan chức quân đội Na Uy gần đây tiết lộ rằng, tập đoàn Kongsberg cũng đang phát triển một biến thể tên lửa NSM trong các bệ phóng trên xe cơ động mặt đất, một biến thể để trang bị cho các máy bay chiến đấu.

Các chuyên gia vũ khí nhận định là khả năng lớn là Kongsberg sẽ nhanh chóng phát triển thành công các biến thể của NSM. Bởi vì họ đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ sản xuất tên lửa NSM trang bị cho tàu chiến.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật