Vì sao Mỹ không muốn Nhật Bản tự chế tạo máy bay chiến đấu?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nguyên mẫu máy bay chiến đấu ATD-X do Nhật Bản tự chế tạo dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay thử đầu tiên trong năm nay.
Vì sao Mỹ không muốn Nhật Bản tự chế tạo máy bay chiến đấu?
Ảnh minh họa

Tạp chí quốc phòng IHS Jane's (Anh) đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã một lần nữa xác nhận kế hoạch tiến hành chuyến bay thử đầu tiên dành cho máy bay chiến đấu ATD-X trong năm 2014. Đây là nguyên mẫu máy bay chiến đấu tương lai nhằm thay thế các máy bay Mitsubishi F-2 của Lực lượng Tự vệ trên không Nhật Bản.

"Trong tháng 2, tôi đã đến thăm nhà máy của Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries (MHI) tại Komaki Minami, nơi ATD-X đang được chế tạo. Tại đó, tôi được thông báo rằng chuyến bay đầu tiên sẽ diễn ra trong năm nay" - Ông Onodera phát biểu trước Ủy ban đối ngoại và quốc phòng của Thượng viện Nhật Bản.

ATD-X được phát triển bởi viện TRDI (Nhật Bản) với nhà thầu chính của dự án là Tập đoàn MHI. Máy bay được thiết kế tàng hình với khả năng cơ động được tăng cường.

"Ban đầu, MHI dự định ra mắt ATD-X trước các phương tiện truyền thông vào tháng Năm, sau đó sẽ thực hiện chuyến bay thử đầu tiên. Tuy nhiên, kế hoạch đã lùi lại vài tháng" - Một quan chức tại viện TRDI nói.

Tờ SCMP (Hong Kong) cho biết ATD-X là máy bay chiến đấu một chỗ ngồi thế hệ 5, có tên gọi không chính thức là Shinshin (Tạm dịch: Tinh thần của Thượng Đế). SCMP nhận định, ATD-X có nhiều điểm giống với máy bay chiến đấu Su-27 của Nga ở thiết kế đuôi và phần vòm kính che buồng lái của phi công.

Bình luận về máy bay ATD-X của Nhật, Giáo sư Go Ito tại Đại học Meiji (trụ sở ở Tokyo) nhận định: "Đây là một phản ứng tự nhiên của Nhật Bản trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhất là sự đầu tư lớn của nước này vào các thiết bị quân sự và thái độ đối địch của Bắc Kinh trước Nhật Bản và những quốc gia khác trong khu vực".

"Tuy nhiên, tôi dự đoán là Trung Quốc và Triều Tiên có thể cáo buộc Nhật Bản đang bắt đầu một cuộc chạy đua vũ trang mới khi phát triển một loại máy bay như thế này, mặc dù cần phải lưu ý là Bắc Kinh cũng đang phát triển tiêm kích J-20".

Cũng theo ông Ito, một quốc gia khác có thể phản đối dự án này có thể là Mỹ, bởi ATD-X sẽ thay thế những chiếc máy bay do Mỹ chế tạo.

"Có khả năng Nhật Bản sẽ cân nhắc hợp tác phát triển dự án này với một số quốc gia khác, mặc dù đã có những vấn đề nảy sinh quanh cách tiếp cận này trong quá khứ" - Ông Ito nói.

Vào những năm 1980, Nhật Bản đã hợp tác với một loạt các công ty từ Mỹ về dự án FSX, được kỳ vọng sẽ trở thành máy bay chiến đấu mới của Nhật. Tuy nhiên, Tokyo đã phải thất vọng khi Washington từ chối tiếp tục dự án trong các giai đoạn sau.

Ông Ito cho rằng Tokyo thậm chí đã thất vọng hơn khi rất hiều công nghệ tiên tiến mà Nhật Bản chia sẻ với đồng minh trong dự án FSX sau đó đã xuất hiện trên các máy bay của Mỹ.

Tàu khu trục chở trực thăng lớp Hyuga của Nhật

Nhật Bản đã cam kết mua 42 máy bay chiến đấu F-35 của hãng Lockheed Martin, trong đó có biến thể cất và hạ cánh thẳng đứng, cho phép máy bay có thể hạ cánh trên tàu khu trục chở trực thăng lớp Hyuga của Nhật Bản.

Washington được cho là muốn Nhật Bản mua thêm nhiều máy bay F-35, thay vì tự phát triển máy bay.

Dự án ATD-X là một phần nỗ lực tăng cường của Nhật Bản nhằm củng cố và tăng cường khả năng phòng thủ. Đề xuất ngân sách của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho năm tài khóa hiện thời đã tăng 2,9% so với năm ngoái, lên khoảng 4,9 tỷ Yen.

Lực lượng tự vệ biển Nhật Bản là lực lượng được hưởng lợi nhiều nhất từ việc bổ sung chi tiêu, tiếp đến là Lực lượng tự vệ trên không. Lực lượng tự vệ biển Nhật Bản đang đẩy mạnh việc mua sắm các tàu chiến được thiết kế để đưa binh sĩ ra các đảo xa xôi trên quần đảo của Nhật Bản.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật