Tiểu thuyết không dấu phẩy của Trần Trọng Vũ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không dấu phẩy, không chấm phẩy, không chấm than, “Thành phố bị kết án biến mất“ là cuốn sách không dễ đọc, chứa đựng nhiều hình ảnh và ẩn ý nghệ thuật.
Tiểu thuyết không dấu phẩy của Trần Trọng Vũ
Bìa sách Thành phố bị kết án biến mất.

Câu chuyện xảy ra tại một thành phố ẩm ướt, nơi có ba người đàn ông không quen biết sống cùng một số nhà. Họ sống trong những căn phòng với cửa ra vào có một chữ X. Ba nhân vật được xây dựng với cuộc sống khác thường, có phần kỳ quặc. Họ chất chứa những uẩn khúc trong lòng, nhưng lại cùng chia sẻ những quan hệ bất thường với thành phố. Cả ba cất những nỗi buồn vào những hộp nhựa, song lại gửi thông điệp thị giác vào cửa sổ, ghi lại những cuộc đối thoại trên truyền hình để làm ngôn ngữ của mình.

Bất ngờ, một người phụ nữ khao khát tình yêu xuất hiện. Cô đến thành phố này với chiếc khăn giấy nhàu nát dưới hình hài một bông hồng cũng nhàu nát. Cô làm xáo trộn cuộc sống của ba người đàn ông. Đúng lúc đó, những cửa sổ của ba người đàn ông bị xâ‌m lấ‌n bởi một kế hoạch xây dựng không báo trước. Bắt đầu từ buổi sáng chủ nhật, tất cả các nhân vật cùng nhau bước vào những số phận không rõ ràng.

Bố cục tác phẩm có thể chia làm hai phần. Phần thứ nhất được xây dựng bằng những sự kiện tiếp nối nhau. Phần thứ hai là một sự khảo sát lại các sự kiện bằng những lý thuyết về hình ảnh, ngôn ngữ, phân tích sự vô lý và hợp lý. Sau cùng, diễn biến của câu chuyện, số phận của nhân vật được tiếp tục bằng sự hướng dẫn của lý thuyết.

Thành phố bị kết án biến mất không phải là một cuốn sách dễ đọc. Bản thân các nhân vật được xây dựng với cách hành xử đã lạ lùng, khó hiểu. Tác phẩm là một cuốn tiểu thuyết toàn dấu chấm (.). Trong gần 300 trang, cuốn sách không có dấu phẩy, không chấm phẩy, không chấm than; chỉ vài lần xuất hiện dấu hỏi (?). Do không có các dấu phân tách câu, nên người đọc phải rất tập trung mới hiểu được ý đồ của tác giả. Một câu của Trần Trọng Vũ thường trúc trắc với nhiều liên tưởng, ví dụ: "Thế là X vội vã đi tìm một quán bia buổi sáng để mua một cốc cà phê đá và trong lúc đang nhâm nhi một chiếc kẹo sữa anh lại nhớ tới một cốc sữa nóng bốc hơi nóng rồi một bình sữa nóng đậy kín rồi một chiếc v‌ú cao su để uống sữa nóng".

Trần Trọng Vũ không đặt mục tiêu lớn nhất là xây dựng nội dung, cốt truyện của tác phẩm như phần lớn các tiểu thuyết khác. Anh dùng cốt truyện như một phương tiện để diễn đạt lại những suy tư, góc nhìn nhiều chiều.

Tiểu thuyết Thành phố bị kết án biến mất chứa đựng những cách nhìn mới mẻ về ngôn ngữ và thị giác. Tác giả chủ đích tạo ra những hình ảnh, yếu tố thị giác bằng những trạng thái chuyển động của nhân vật mà bỏ qua đặc điểm và hình thể của họ. Cuốn sách cho thấy sự quan sát của người viết về cuộc sống, lồng ghép vào đó những quan niệm về nghệ thuật nói chung, chứ không riêng gì văn chương.

Tác giả Trần Trọng Vũ là một nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật thị giác.

Tiểu thuyết Thành phố bị kết án biến mất là một phần thuộc dự án Những đề nghị của Lời và Hình. Tác phẩm sắp đặt Tôi đến thăm bạn với một câu chuyện thị giác thuộc dự án này cũng được Trần Trọng Vũ giới thiệu tại Manzi Art Space tháng 3 vừa qua. Tác giả Trần Trọng Vũ vốn là con trai út của cố nhà thơ Trần Dần. Anh nhận học bổng nghệ thuật tại Pháp, từng thực hiện nhiều triển lãm tại nhiều quốc gia và là chồng của nhà văn Thuận.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật