Trọng tài Bùi Như Đức: Tôi cho và nhận được rất nhiều từ bóng đá

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khi còn cầm còi, Bùi Như Đức là một hiện tượng “ba không”: không theo phe ai, không vòi tiền ai (đội bóng) và cũng không ai dám yêu sách gì ông. Là Ủy viên Hội đồng Trọng tài Quốc gia (HĐTTQG), ông bỏ thời gian, công sức và cả tiền bạc cho việc xây dựng một đội ngũ trọng tài đủ tài đạt đức.
Trọng tài Bùi Như Đức: Tôi cho và nhận được rất nhiều từ bóng đá
Tranh: Hoàng Tường

Đi bồi dưỡng cho trọng tài, thù lao giảng dạy ba triệu đồng thì đôi khi tiền ông “lại quả” đã là năm triệu, để cho anh em. Thế nên không ít trọng tài trẻ học xong lớp tập huấn của thầy Đức đã nói: “Đời em chưa từng gặp người thầy nào như thế”.

Bùi Như Đức không chỉ nổi danh về chuyện nghề, “Hội quán Thỏ Berni” - khu nhà hàng rộng rãi, thoáng mát trên đường Tân Phước, Quận 10, nằm ngay bên hông sân Thống Nhất - của ông cũng khá quen thuộc với nhiều người hâm mộ ở TP.HCM.

Ông dẫn khách xuyên qua khu nhà hàng để vào bên trong, nơi giáp với sân vận động, không gian trong trẻo lạ thường với tàn cây và cả tiếng chim hót. Gần ba tiếng đồng hồ trò chuyện, mới hiểu vì sao ông lại “may mắn được nhiều người thương và bị giới trọng tài ghét”. Giọng gốc dân miền biển Thái Bình mà ông tự nhận “không phân biệt được hỏi ngã”, những tràng cười sảng khoái, những cái vung tay, nhăn mặt biểu cảm,… người đối diện biết mình đang trò chuyện với một người không màu mè, có sao nói vậy.

* Ông bầu Lê Phước Vũ của CLB Tôn Hoa Sen Cần Thơ từng tuyên bố rằng trọng tài Việt Nam có thể “mua” được, sau trận đấu chuyển hạng (play-off) với LG Hà Nội ACB năm 2005. Ông đánh giá lời nhận xét này thế nào và đã từng “đụng độ” với ông ấy chưa?

 - Sau đó một thời gian, những trọng tài nào “có thể mua” đều đã phải trả giá. Tôi nhớ mùa giải kế đó ở sân Cần Thơ, tôi làm giám sát trận đội này gặp Huda Huế, hiệp 1 trọng tài thổi rất ép đội chủ nhà. Bỗng có một vị từ khu vực quan chức tiến lại, chỉ mặt chúng tôi, tuôn ra những lời lẽ rất khó chấp nhận. Giờ giải lao, tôi gặp tổ trọng tài, nói cho họ biết điều khiển trận đấu như vậy là sai, cần phải thay đổi.

Tiếp đến, tôi lại khu vực ban tổ chức, nói: “Từ giờ trở đi, nếu còn ai có hành vi mạt sát người làm nhiệm vụ, tôi sẽ cho dừng trận đấu ngay”. Khi tôi trở về chỗ ngồi, ông Vũ đã chờ sẵn: “Nghe tiếng anh Đức đã lâu, giờ mới được gặp. Tôi cũng không đồng tình với những hành vi ấy, cho tôi thay mặt đội bóng xin lỗi anh” và tỏ ý muốn trao đổi thêm. Do đang làm nhiệm vụ, tôi nói nếu cần thì sau này hãy đến chỗ tôi…

* Dường như thái độ của ông Vũ với giới trọng tài đã thay đổi từ dạo đó, bởi năm 2006 ông ấy còn tài trợ cho giải Chiếc còi vàng, bạc, đồng dành cho những vị vua sân cỏ… Hẳn cuộc hẹn diễn ra trong một dịp công tác của ông Vũ tại TP.HCM?

 - Không, chỉ mấy hôm sau, ông Vũ đã đến chỗ tôi, xách theo chai rượu. Tôi cười: “Ông đã đem rượu thì tôi đem mồi ra nhé”, ông ấy cáo lỗi vì ăn chay trường. Chúng tôi nói chuyện rất lâu. Tôi nói thẳng: “Anh là doanh nhân đam mê bóng đá, nhưng việc anh đang làm với đội Cần Thơ là chưa đủ tầm, bởi chưa “nắm” đội bóng thực sự như các anh Đoàn Nguyên Đức, Võ Quốc Thắng.

Tôi khuyên anh không nên đầu tư vào đội bóng nữa, mà tài trợ cho một đội tuyển nào đó, cái “được” sẽ lớn hơn. Nếu còn sức, anh có thể tham gia vào lĩnh vực đào tạo trọng tài, bởi tiền từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) rót xuống rất hạn chế. Đầu vào yếu thì đầu ra khó mà khá được.

Chúng tôi đang tăng chất đầu vào, nguồn lấy từ ba trường Đại học Thể dục Thể thao, cử nhân chuyên khoa bóng đá, có nền tảng vững vàng cả về đạo đức lẫn năng lực, chỉ cần được bồi dưỡng là sẽ tiến rất nhanh”. Ông Vũ nghe xong liền hỏi: “Vậy cần chừng bao nhiêu?”, tôi nói: “Khoảng ba trăm triệu đồng mỗi năm”, ông ấy đồng ý hỗ trợ ngay, bên cạnh việc tài trợ cho đội tuyển bóng đá nam.

Tôi còn nói là vào cuối mùa bóng, các cầu thủ, đội bóng đạt thành tích cao đều được tôn vinh, trao thưởng, vì sao những trọng tài xuất sắc lại không được. Ông ấy chi thêm một trăm triệu đồng cho giải này (Chiếc còi vàng, bạc, đồng). Nhờ những khởi đầu đó, đã có một sự thay đổi lớn về trình độ, tư tưởng của các trọng tài, cũng như thái độ của xã hội với nghề này. Tôi mong có thêm nhiều doanh nhân nữa tiếp tục ủng hộ cho công việc nâng chất trọng tài như thế.

* Theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất của trọng tài Việt Nam?

 - Cái khó nhất có khi không phải ở chuyên môn, mà là khả năng “đọc vị” được trận đấu. Nếu hai đội đá thật thì không đáng lo. Hai đội có “móc ngoéo” nhưng một đội quyết lật kèo cũng dễ điều khiển. Ngại nhất là khi họ đá theo kiểu trả nợ nhau, vì đội thua (nhiều người biết trước) thường đổ lỗi cho trọng tài.

Khoảng hai năm nay, trọng tài đã thoát ra khỏi chuyện vay - trả của các đội bóng, bớt được áp lực sân khách, sân nhà. Tuy nhiên, vẫn còn những người muốn dùng trọng tài làm công cụ cho mình.

* Nếu trọng tài có một công việc ổn định khác, họ sẽ không bị ảnh hưởng bởi những gì ngoài chuyên môn, như cựu trọng tài nổi tiếng thế giới Pierluigi Collina, bình thường là một chuyên viên tư vấn tài chính.

 - Tôi lại thấy trọng tài là “dân trong nghề” - xuất thân từ trường TDTT rồi làm giáo viên thể dục ở các trường, hoặc là cán bộ nghiệp vụ của Sở TDTT - như nước ta cũng rất hay. Quan trọng ở chỗ ai là người điều hành, giúp đỡ họ, là chỗ dựa để họ phát huy năng lực. Chứ nếu trọng tài muốn được làm nhiệm vụ thường xuyên phải lo “chạy” cho ông A, ông B thì…

* Bây giờ chuyện đó hình như không còn nữa?

- Khi bầu lại HĐTTQG của nhiệm kỳ V (năm 2005), người ta đã chuẩn bị một ê-kíp cùng “cánh” với họ, đến phút chót Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ biết chuyện, mới ngưng không cho tiến hành bầu cử. Sau đó, bảy cựu trọng tài được đưa ra cho các trọng tài bỏ phiếu tín nhiệm.

Tôi (sau này là Ủy viên HĐTTQG) và anh Nguyễn Văn Mùi (sau là Chủ tịch HĐTTQG) được ít phiếu nhất, chứng tỏ chúng tôi… không được lòng trọng tài. Vì sao ư? Nhiều phóng viên thể thao đã biết và viết rồi, “vì ông Đức là người đạp đổ nồi cơm của người ta”. Tôi không cho anh em nhận tiền bẩn! Trong lớp sơ cấp bồi dưỡng trọng tài, bài học đầu tiên là “Nhiệm vụ và đạo đức của người trọng tài”, hình như chỉ mình tôi nhận đứng lớp (cười).

* Trọng tài dù quan trọng nhưng cũng chỉ là một phần của cuộc chơi, bên cạnh cầu thủ, CLB, người hâm mộ… Hành trình của đội tuyển quốc gia thời gian qua, từ Cúp bóng đá quốc tế TP.HCM đến trận giao hữu với Singapore và với CHDCND Triều Tiên tại T&T Cup, được mọi người quan tâm, khi cả trình độ lẫn tinh thần thi đấu của đội tuyển đang có vấn đề. Nhiều người nói thẳng: Cầu thủ hôm nay phải có tiền mới đá, đem cái “lệ” từ CLB lên đội tuyển. Ông có đồng ý không?

 - Tôi đồng ý, nhưng đặt vấn đề ngược lại, những người điều hành đã làm gì để thay đổi tư tưởng đó của cầu thủ? Làm sao khiến họ quên đi những toan tính để thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo?

* Tôi hiểu là phải “đả thông tư tưởng”, nhưng liệu có thể đem “màu cờ sắc áo” ra để cầu thủ quên mình mãi như thế? Khi rủi ro chấn thương xảy ra, ai sẽ chia sớt khó khăn với họ?

 - Nghiệp cầu thủ rất ngắn, đang thăng hoa mà gặp chấn thương nghiêm trọng phải từ giã sân cỏ thì họ sẽ mất gần như tất cả, rất khó trở lại cuộc sống bình thường. Chính vì thế, nghĩa vụ và quyền lợi của họ phải song hành. Phải có một bộ khung hoàn chỉnh, tuyển quốc gia, các tuyển trẻ theo chuẩn của AFC (LĐBĐ châu Á).

Trước một giải đấu, trận đấu của đội tuyển, nếu tuyển thủ trong bộ khung giữ được thể lực, phong độ và được gọi tập trung, thì được lãnh lương “chính thức”, cầu thủ mới thì được nhận lương “dự tuyển” (thấp hơn một bậc). Tiền lương này phải đủ lớn, từ 20 đến 50 triệu đồng một suất. Với đội tuyển nam, số tiền ấy có thể không lớn, nhưng với cầu thủ nữ hay các cầu thủ trẻ, đó là cả một gia tài, sẽ động viên tinh thần của họ rất nhiều. Tiền đâu ra ư? Thiếu gì doanh nhân muốn đồng hành cùng bóng đá!

Cách hành xử với các cầu thủ mới đáng nói. Buồn nhất là các em lứa tuổi U (13, 17…), cách đây vài năm mỗi lần đi đá giải ở nước ngoài về đến sân bay là phải nộp lại áo quần thi đấu, giày vớ - những vật là niềm hãnh diện cùng gia đình, bè bạn của các em. Khi đá ở nước ngoài, cũng không có ai lo chuyện thời tiết khí hậu thế nào, khi lạnh có cần áo tay dài không, áo ấm không… Còn thi đấu đã vậy, nói gì đến lúc không còn đá nữa. Anh có nhớ cựu danh thủ Cao Cường nói gì trước trận giao hữu đình đám của đội tuyển Việt Nam với Olympic Brazil tháng 7 vừa qua không?

* Phải ông muốn nói chuyện Cao Cường không thể tìm được một tấm vé để vào xem trận đấu? “Sốt” vé, các ông ở VFF phải tắt điện thoại để khỏi bị xin vé đấy.

 - Đúng rồi, tôi nghe mà xót quá. Theo tôi, trong những trận đấu đặc biệt như vậy, toàn bộ cầu thủ từng khoác áo đội tuyển quốc gia không chỉ được nhận vé mời, mà còn được giới thiệu, tặng quà, một nhành hoa cũng được, để ghi nhận những cống hiến của họ. Đó là một sự tôn vinh!

* Và để các cầu thủ thi đấu hôm ấy biết rằng hãy cứ cống hiến đi, sau này họ cũng được tôn vinh như vậy.

 - Chính xác. Nếu làm thế, cầu thủ có sẵn sàng hy sinh không? Chính cách anh làm khiến cho người ta phải tính toán với anh.

* Tôi thấy còn nguyên nhân khác, đó là việc những đôi chân bạc tỉ sợ chấn thương. “Tấm gương” Trần Minh Chiến, người ghi bàn thắng vàng trong trận đấu với Myanmar đưa tuyển Việt Nam vào chung kết SEA Games 1995 còn đó. Nếu không bị chấn thương khi tuổi còn trẻ, sự nghiệp của anh ấy hẳn sẽ rất hiển hách.

 - Nói vậy thì vô cùng, mỗi người một số phận, số anh thế thì không thể cải được. Quan trọng là khi anh bị chấn thương không thể thi đấu, người ta vẫn tôn vinh anh, đó là vấn đề danh dự. Ở đây, khi cầu thủ bị chấn thương, VFF đã làm gì?

* Câu trả lời quen thuộc sẽ là “Tiền đâu để chúng tôi lo những chuyện đó?”. Nhưng như ông nói, chỉ cần “khơi đúng mạch”, sẽ có nhiều doanh nhân sẵn sàng vào cuộc?

 - Tôi biết rất nhiều người muốn góp sức cho bóng đá Việt Nam, làm trưởng đoàn bóng đá đội tuyển quốc gia, đội U22, U20, bóng đá nữ… Còn vì sao họ không làm thì phải hỏi VFF. Phải chăng vì những chuyện “không nên cho người ngoài biết”? Nếu có một ông trưởng đoàn doanh nhân, cầu thủ sẽ có động lực hơn, vì họ biết ông này “máu đá banh” thật sự.

* Có điều gì cản ngại không về mặt cơ chế, ngoài chuyện “không nên cho người ngoài biết”?

 - Theo tôi biết thì cơ chế rất thoáng, xã hội hóa thể thao mà. Nếu VFF kêu gọi, người ta sẵn sàng đóng góp chứ! Mỗi trận đấu của đội tuyển mời họ vài cặp vé, khi cần có thể nhờ họ hỗ trợ. Ở đây, người ta không nghĩ đến việc chung, đến các tuyển thủ.

Có những người lợi dụng bóng đá và đang được hưởng quá mức của xã hội. Tôi đã chứng kiến rất nhiều và tôi không làm như họ, dù chịu thiệt thòi, kiểu như năm xưa bị gạt không cho đăng ký trọng tài FIFA. Nếu tôi chịu nhún nhường để đạt được cái gì đó (dù xứng đáng) thì đồng hóa với người ta à! Đồng hóa với cái xấu thì đồng hóa làm gì!

* Ấy vậy mà từ một trọng tài tự học cấp xã, ông đã trở thành trọng tài cấp quốc gia nổi tiếng chuyên môn tốt. Hành trình ấy chắc chắn không đơn giản?

 - Từ khi xác định theo nghiệp trọng tài, mỗi tuần tôi chạy xe từ nhà ở Xuân Lộc lên Biên Hòa để được thổi các trận đấu tập, sửa chữa dần những mặt còn yếu. Rồi tôi xin phép được dự thính lớp tập huấn trọng tài. Cũng có người khuyên nên quà cáp ông này ông kia để được điều khiển nhiều trận hơn, nhưng tôi không nghe theo, cứ đường thẳng mà đi. Tôi tiến rất nhanh, bởi ngoài việc tự tìm tài liệu để học, tôi tranh thủ mọi lúc học hỏi kinh nghiệm từ các bậc đàn anh, không giấu dốt.

* Nhưng ở Đồng Nai những năm 1980 làm gì có nhiều trận đấu để ông trau dồi chuyên môn?

 - Đúng vậy và tôi nghĩ chỉ có sinh hoạt với trọng tài TP.HCM mới phát triển nghề nghiệp được. Mỗi chiều thứ Sáu, tôi chạy xe lên sinh hoạt chung rồi chạy về. Khỏi nói anh cũng biết những trọng tài TP.HCM khi ấy nhìn tôi bằng nửa con mắt như thế nào, vậy nhưng sau này tôi thành danh, nhiều người nói rằng đó là nhờ công của họ.

Những vấn đề nảy sinh sau đó quá phức tạp, muốn vượt qua những cám dỗ thì mình trở thành “kỳ đà cản mũi”, bị tẩy chay, không được phân công trọng tài chính mà chỉ được làm trợ lý, hoặc ở những sân đấu thuộc “vùng sâu vùng xa”. Nhưng họ cũng không thể ép mãi được, khi trình độ của tôi ngày càng được kiểm chứng. Mỗi mùa giải, trận CLB Quân đội gặp Công an Hà Nội luôn “máu lửa”, trọng tài nào cũng ngán, đùn đẩy nhau. Tôi được cầm còi và làm tốt, nên sau đó người ta phải giao cho tôi nhiều trận hơn.

* Nhưng ông vẫn không thể thoát khỏi những bê bối?

 - Tôi đã suy nghĩ rất nhiều trước khi quyết định phải tự bảo vệ mình nếu không muốn bị đánh đồng với tiêu cực và phải xoay theo họ. Lần ấy, năm 1995, rộ lên nghi vấn tổ trọng tài TP.HCM (trong đó có tôi) nhận 50 triệu đồng. Tôi không tố cáo ai cả, chỉ đề nghị làm rõ là tôi không nhận tiền. Kết luận: tôi đúng, sự việc… chìm xuồng và từ đó nhiều trọng tài dần xa lánh tôi, vì cho rằng tôi đã động đến nồi cơm của họ. Nhưng tôi có niềm vui từ báo chí và các đội bóng nghèo. Họ gọi điện động viên và cảm ơn tôi đã nói ra sự thật.

* Việc ông trọng tài “sắt đá” nhảy vào kinh doanh “Hội quán Thỏ Berni” và thành công là điều ít ai ngờ.

 - Tôi cũng bất ngờ! Một hôm, anh Sĩ Huyên (phóng viên Tuổi Trẻ) gọi tôi: “Anh Đức ơi, LĐBĐ TP.HCM đang tìm người hợp tác mở nhà hàng ở bên hông sân Thống Nhất, anh xem làm được thì lên đây đi”. Tôi bàn với vợ rồi quyết định: “Lên TP.HCM lập nghiệp, sẽ có điều kiện hơn cho con cái ăn học!”. Không chỉ bán nhà, chúng tôi phải bán hết những gì quý giá, kể cả nhẫn cưới để làm vốn.

Năm 1991 bắt đầu và may mắn được nhiều anh em, bạn bè tới ủng hộ. Đặc biệt, từ lúc HLV Trần Vũ đưa đội Quảng Nam - Đà Nẵng (trước khi qua Nhật thi đấu) ghé Thỏ Berni dùng bữa, báo chí đưa tin, nhà hàng càng được nhiều người biết đến. Từ đó, các đội tuyển trước khi ra nước ngoài thi đấu thường ghé Thỏ Berni. Anh Trần Bình Sự đưa đội tuyển dự SEA Games cũng cho đội ăn uống ở đây. Tiền một suất ăn của đội tuyển khi ấy thấp lắm, bữa nào tôi lên thực đơn mà có gà là bà xã lại… nhăn, vì chắc chắn lỗ.

* Nghe ý tứ của ông, dường như chính bà nhà mới là người lo chính việc kinh doanh?

 - Tôi tri ân vợ mình. Cả trong sự nghiệp cầm còi lẫn trong kinh doanh nhà hàng, nếu không có cô ấy, tôi khó thể được như ngày hôm nay.

* Bóng đá cho ông tên tuổi, còn “Thỏ Berni” cho ông những gì?

 - Tôi lời ở bốn đứa con. Ba đứa con của tôi đều đang ở Mỹ, con gái đầu học xong giờ làm ở một văn phòng luật sư, cậu con kế làm huấn luyện viên quần vợt cho một câu lạc bộ loại khá tại Dallas, cô gái út đang học dược. Chỉ cậu trai thứ ba ở lại, lấy vợ và sinh cho tôi hai cô cháu gái tuyệt vời.

* Phải chăng chính nhờ không bị sức ép kinh tế nên ông dễ giữ mình hơn, bởi nhiều trọng tài rơi vào vòng lao lý thường nói là do gia cảnh khó khăn…

 - Tôi nghĩ khác, bởi tôi cũng từng trải qua nhiều thời khắc rất khó khăn. Theo tôi, nền tảng gia đình rất quan trọng. Ba tôi dạy con không được tham bất cứ cái gì. Thêm nữa, tôi thực sự biết ơn người vợ đã đồng cam cộng khổ với mình. Lấy tôi, cô ấy chịu thiệt thòi nhiều, vì thế tôi thầm hứa không làm gì để mang tiếng xấu. Điều cuối cùng, từ nhỏ khi tham gia các giải bóng đá học sinh, tôi đã rất kính trọng các trọng tài, họ có uy lắm.

Có những đêm tôi thao thức, ôm gối nuốt nước mắt vào trong, sao mình phải chịu những bất công như vậy? Tôi bị giới trọng tài sợ và ghét, nhiều người không dám đi chung với tôi, vì sẽ không được ăn chia. Nhưng tôi vẫn cắn răng vượt qua, bởi muốn thành công không chỉ cần tài năng mà cần phải đặt đạo đức lên hàng đầu.

* Vậy ông quan niệm thế nào là thành công?

 - Theo tôi, nếu muốn làm giàu, anh hãy… quên chuyện làm giàu đi. Nếu không quên, làm được một thời gian thấy chưa giàu như mong muốn, anh sẽ bỏ để qua việc khác. Cứ thế, đến một lúc nào đó anh sẽ tính chuyện làm giàu bất chính. Tất nhiên, thành công hay không còn tùy vào số phận và sự nỗ lực của mỗi người, nhưng cứ từ từ rồi thành công sẽ đến.

Anh Nguyễn Văn Vinh, giám đốc kỹ thuật CLB Hoàng Anh Gia Lai là một minh chứng. Anh ấy nổi tiếng “đi thẳng, nói thẳng”, suốt bao năm lận đận nhưng vẫn kiên định với quan điểm của mình. Những năm gần đây, anh ấy đã đạt được thành công và luôn được nể trọng.

* Dường như ông khá tin vào số phận?

- Có người hỏi tôi: “Phải chăng cơ hội chỉ đến với người ta có một lần?”. Tôi trả lời: “Đúng, cơ hội tốt nhất thì chỉ có một”. Nhưng tại sao ta phải chờ mà không tự tạo ra cơ hội? Đừng bao giờ chấp nhận với số phận của mình. Còn với tôi, tôi thấy mình cho và nhận được rất nhiều từ bóng đá. Âu cũng là nhân quả vậy.

* Một câu hỏi cuối, ông dự đoán thế nào về kết quả của đội tuyển quốc gia tại AFF Cup cuối năm nay?

 - Tất nhiên tôi mong Việt Nam sẽ vô địch!

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật