Người phụ nữ 55 năm đi bằng tay

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Liệt hai chân từ thuở lên 3, bà Phan Thị Hải (Thuận Thành, Bắc Ninh) dùng 2 tay đi lại, làm lụng nuôi sống bản thân.
Người phụ nữ 55 năm đi bằng tay
55 năm nay, đôi tay bà gánh hai trọng trách, vừa đi lại, vừa làm việc. Ảnh: Phan Dương.

Buổi sáng, bà Hải (58 tuổi) ì ạch kéo xô cám cho lợn gà ăn. Nồi cơm đã đặt trên bếp tự lúc nào. Khi con lợn con gà ấm bụng, bà cũng bưng một tô cơm rau ăn ngon lành.

Uống ngụm nước, đội cái nón mê, bà luồn hai tay vào đôi dép xỏ ngón rồi lết đi. Đôi chân bị liệt, đôi tay gánh hai trọng trách vừa làm vừa đi. Con dốc thoai thoải, cả thâ‌n hìn‌h bà như lộn nhào nhưng đôi tay vẫn giữ thăng bằng. Chẳng mấy chốc bà đã đi qua đoạn đường khó. Hôm nay là ngày thứ 10 bà Hải làm cỏ cho ruộng bí đỏ của em gái. Bà cố làm nốt để ngày mai ở nhà bện đay đan võng.

"Người ta đặt đan một chiếc võng trả công 400.000 đồng, tôi làm mất khoảng nửa tháng, trừ chi phí mua đay vẫn còn lãi được một ít", bà Hải cười. Nắng trưa quá đỉnh đầu, dáng bà lẻ loi trên cánh đồng. Không riêng gì hôm nay, bà Hải thường mải miết làm việc thông trưa. Vì thế dù bị liệt hai chân nhưng bà vẫn tự xây được một căn nhà cấp 4, có một đàn gà, và đang nuôi 8 con lợn.

Bà Hải là con thứ tư trong một gia đình có 6 người con ở thôn Đông Miếu, xã Hoài Thượng (Thuận Thành). Lên 3 tuổi, một trận cảm gió khiến bà bị liệt hai chân. Bố mẹ chạy chữa khắp đông, tây y nhưng đôi chân vẫn mềm oặt. Từ đó, thay vì lon ton bằng chân, bà phải tập đi bằng đôi tay.

Tuổi đi học, bà cũng được đến trường. Trường làng cách nhà một đoạn, gần giờ trống đánh, các bạn chạy ào vẫn kịp, riêng bà phải đeo cặp sách đi trước cả tiếng. Lên cấp hai, trường xa, Hải đành nghỉ học. Ở nhà, Hải tập băm rau, nấu cơm, kể cả cầm chổi quét sân nhà, đeo giỏ đi chợ. Thấy cha mẹ đi làm đồng, cô bé cũng xin theo, cứ ngồi bệt xuống ruộng mà nhổ cỏ, cuốc đất. Lớn lên chút nữa, Hải nài nỉ bố mẹ cho sang làng bên xay đỗ thuê, bán bánh rán. Năm 20 tuổi, bà đã có chỉ vàng làm vốn.

"Những năm 1980, tôi khai hoang được một mảnh đất trên bờ đê và mở quán tạp hóa ở đó. Đêm tôi vẫn về nhà với bố mẹ. Năm 2000, bố mẹ mất thì tôi ra đây ở hẳn", bà kể.

Trận dịch cuối năm ngoái làm mấy chục con gà của bà ốm chết. Bà Hải nhịn ăn, để trứng cho gà ấp gây đàn mới. Ảnh: Phan Dương.

Các anh chị em phản đối, bà vẫn một mực ra ở riêng không mang theo thứ gì. Ban đầu, bà dựng một túp lều ở tạm. Ngày ngày, bà cuốc đất dưới bờ mương, rồi thuê người đổ lên vườn cho miếng đất cao lên để trồng xoan, cây ăn quả và dựng rào tre bao vườn lại nuôi gà.

"Một đêm trời bão, bốn phía nhà tôi trống hoác nên gió vài cơn đã bay mất mái nhà. Tôi phải ra chuồng gà tránh bão. Em gái tôi đến nài nỉ về nhà nó nhưng tôi phải trông gà lợn nên không đi", bà nhớ lại.

Ảnh: Ngày làm việc của người phụ nữ khuyết tật

Tính bà tự trọng cao, lại thẳng thắn, không ít lần khiến các anh chị em tức anh ách. Ai cho gì thì bà nhận chứ không bao giờ nhờ vả. Khi bão đánh bay mái nhà thì ngày hôm sau bà đã vay hàng xóm, hội phụ nữ để xây, thay vì nhờ cậy anh em. Cuối năm 2003, tổ ấm kiên cố của bà được khánh thành. "Có nhà, tôi xây thêm chuồng lợn. Các anh chị em, làng xóm có con lợn còi nào không bán được thì để lại cho tôi. Tôi nuôi đến lúc bán được thịt mới trả tiền con giống", bà chia sẻ.

Sợ mùi chăn nuôi ảnh hưởng đến láng giềng, bà Hải vay vốn xây hầm biogas. Đáng lý bà đã trả hết nợ nhưng trận dịch năm ngoái làm chết 3 con lợn và đàn gà. Tổng kết năm đó bà thất thu.

Chân không đi được nhưng Bà Hải vẫn sinh sống, lao động như người bình thường. Ảnh: Phan Dương.

Thời trẻ, có anh bộ đội chưa vợ xin cưới bà. Sợ thành gánh nặng cho người khác nên dù bố mẹ khuyên bao nhiêu bà cũng không đồng ý. Mấy năm gần đây có những người góa vợ, người muốn kiếm con trai hay làm ăn phát tài đến hỏi bà làm lẽ..., nhưng bà không cho ai cơ hội.

"Trước đây tôi mở quán nước, có nhiều khách là đàn ông. Nghĩ đêm hôm mà có người mua hàng dễ mang tai tiếng nên tôi không bán nữa. Giờ trong nhà chỉ bán vài quả trứng, gói bim bim cho hàng xóm quanh đây", bà nói.

Quanh năm lầm lũi, lấy công việc làm niềm vui, đôi lúc bà cũng chạnh lòng mong mỏi có tiếng cười trẻ thơ. Qua cái đài cassette cũ, bà biết chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) hay làng trẻ SOS nhận nuôi nhiều trẻ mồ côi. Đã 2 lần bà Hải lên chùa Bồ Đề xin con đều không được, bà lại tính sang tháng sẽ thử đến làng trẻ SOS xin một đứa con nuôi.

"Anh em, cháu chắt tôi đầy đủ cả, nhưng có khi chúng chăm bố mẹ còn chưa được, nói gì đến chăm bà cô. Bây giờ còn sức khỏe, tôi vẫn cứ muốn nhận một đứa con trai lành lặn về nuôi. Mấy năm nữa không lo được cho bản thân thì còn có nó, vợ con nó lo cho mình", bà giãi bày.

Theo anh Ngô Xuân Thạo (43 tuổi, hàng xóm), bà Hải là người mạnh mẽ, không bao giờ thích nhờ cậy, làm phiền ai. Tuy bị tật nguyền nhưng bà vẫn chăm chỉ lao động, nắng mưa vẫn đi làm. Đám trẻ trong xóm rất thích sang nhà bà chơi.

Anh Phan Đình Văn, cháu bà Hải, cho biết thêm: "Từ ngày ông bà còn sống, cô tôi đã tự lập. Lúc ông bà mất, cô chuyển ra sống riêng và tự kiếm sống bằng hai bàn tay mình. Anh em muốn cô về ở chung, nhưng cô không muốn nên mọi người chỉ hỗ trợ một lúc nào đó".

Và trên đê sông Đuống, 55 năm nay có một người phụ nữ đi bằng tay, tự cuốc đất, đắp nhà và nuôi ước mơ có một đứa con chăm sóc tuổi già...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật