Tâm sự của một cựu chiến binh

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
70 tuổi, cựu chiến binh Lê Văn Phượng - 1 trong 4 chiến sĩ lái chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng Đinh Độc Lập, trận chiến cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam vẫn bồn chồn mỗi khi ngày 30-4 lại đến gần.
Tâm sự của một cựu chiến binh
Ông Lê Văn Phượng

Có những lúc không ngủ được vì bệnh khớp hành hạ, ông ngồi bất động hình dung lại giây phút hào hùng nhất trong đời mình, rồi lại chợt buồn về chuyện đời - chuyện người của những ngày đang sống…

Chúng tôi tìm tới nhà ông Lê Văn Phượng trong ngõ Vườn Hoa phố Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) vào một buổi chiều muộn. Cựu binh Lê Văn Phượng, giờ đã đi lại chậm chạp với bước chân khó nhọc. "Bị thương, vỡ bánh chè, bây giờ tuổi cao lại thoái hóa khớp. Uống nhiều thuốc chữa khớp thì bị đau dạ dày, buồn lắm. Bây giờ đi bộ không quá 100m là phải nghỉ. Chẳng nghĩ đến lúc mình phải vượt qua con dốc phía cuối cuộc đời lại chậm chạp và mệt nhọc như thế này…”, ông Phượng chia sẻ.
Những lúc cái chân hành hạ, lại là lúc ký ức về một thời trai trẻ ùa về trong ông. Ông Phượng chỉ cho chúng tôi xem nhiều bức ảnh treo trên tường, đây là tấm ảnh đích thân một nhà báo người Pháp đã tới thăm và trao tặng. " Khi xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, chính tôi ngồi trong xe quan sát, thấy một người lom khom trên bãi cỏ trong khuôn viên không hiểu đang làm gì. Lúc đó mục tiêu là chiến đấu, chiếm trận địa nên tôi cũng không kịp suy nghĩ nhiều. Sau này mới biết bà ấy là phóng viên ảnh. Và đúng 20 năm sau ngày giải phóng bà ấy đã đến tìm tôi và tặng bức ảnh ý nghĩa này. Nữ nhà báo Pháp ấy cũng là người duy nhất cầm máy ảnh chụp lại khoảng khắc lịch sử có một không hai đó”, ông Phượng kể lại.
Rồi những năm tháng trong quân ngũ cũng trôi qua, năm 1985 ông Lê Văn Phượng về hưu với chức vụ tiểu đoàn trưởng, hàm Đại úy. Lúc bấy giờ,  rời quân ngũ, cuộc sống quá khó khăn, 3 đứa con còn thơ dại, ông Phượng đã mày mò học nghề cắt tóc kiếm tiền nuôi con ăn học.
"Bởi thế hồi ấy mới có mấy câu thơ vui: "Đầu đường thiếu tá vá xe, cuối đường đại úy bán chè đỗ đen”. Đó cũng là những câu chuyện đời thường của bất kỳ người lính nào khi rời quân ngũ, khi chiến tranh kết thúc. Bây giờ 3 con của tôi đều phương trưởng, hiếu nghĩa, vậy là hạnh phúc”, ông Phượng chia sẻ.
Nhưng nối tiếp những mạch nguồn quá khứ oai hùng là câu chuyện buồn, thật buồn khi ông Phượng bảo, hiện nay có quá nhiều thương binh giả. "Tôi đau lắm. Bạn bè tôi có những người đã ngã xuống, hy sinh cho Tổ quốc khi vừa tròn 20 tuổi, chưa biết yêu là gì. Khi hàng ngàn thanh niên trai tráng lên đường ra tiền tuyến thì vẫn có người "trốn” bộ đội ở nhà, lạ kỳ đến lúc thời bình họ lại "chạy” được cái thẻ thương binh.  Lại còn cả chuyện lấy xương trâu, xương bò làm giả xương liệt sĩ để "moi” tiền của thân nhân liệt sĩ, lấy tiền chính sách của nhà nước...Thử hỏi, còn gì có thể xúc phạm những người lính như chúng tôi hơn thế?”, ông Phượng bức xúc.
Câu chuyện buồn của cựu chiến binh Lê Văn Phượng cũng chính là một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay liên quan tới chính sách cho người có công với cách mạng. Bởi vậy, ông Phượng rất hào hứng và hy vọng khi MTTQ Việt Nam tiến hành việc Tổng rà soát chính sách cho người có công, đặc biệt là phát hiện những tiêu cực trong việc làm giả hồ sơ thương bệnh binh, liệt sĩ…”. Đây là việc làm rất cần thiết nhằm tìm ra những kẻ cố tình xúc phạm tới người lính, những người đã đổ máu xương cho hòa bình của dân tộc…”, ông Phượng khẳng định.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật