Kẹt với thông quan điện tử

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giám đốc một DN cho biết, mặc dù số tiền mà DN bỏ ra đầu tư phần mềm, nâng cấp hệ thống, mua chữ ký số không phải là quá lớn.
Kẹt với thông quan điện tử
Thực hiện thủ tục hải quan điện tử góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan và giảm thời gian thông quan hàng hóa

Song điều mà các DN lo lắng là hệ thống thông quan này mà không được khai thông nhanh chóng sẽ làm ách tắc hàng hóa, nhất là đối với các DN xuất khẩu các mặt hàng tươi sống. thiệt hại có thể lên đến nhiều tỷ đồng.

Tham vọng lớn về minh bạch

Bắt đầu từ ngày 1/4/2014, Hệ thống thông quan tự động (gọi tắt là hệ thống VNACCS/VCIS) đã được chính thức vận hành tại một số chi cục hải quan phía Bắc, số đơn vị khác thì lần lượt triển khai tiếp ở thời gian tới. Trước đó, từ ngày 15/11/2013 đến ngày 15/2/2014, cơ quan này tổ chức đợt chạy thử cho DN làm thủ tục hải quan và các bên liên quan nhằm giúp cho DN và công chức hải quan thực hành sử dụng thành thạo các quy trình, nghiệp vụ trên hệ thống này.

Cơ quan hải quan cho rằng, nếu hệ thống này vận hành tốt sẽ đem lại nhiều lợi ích cho DN. Cụ thể là tiện ích của hệ thống VNACCS/VCIS đến từ việc xử lý thông tin tập trung đối với cả 3 khâu trước, trong và sau thông quan. Hệ thống cũng cho phép kết nối giữa cơ quan hải quan với các DN, các bộ, ngành, ngân hàng, hãng vận tải, đại lý hải quan, công ty logistics, cảng, kho bãi…

Ngoài ra, VNACCS/VCIS còn giúp cho DN và cơ quan hải quan theo dõi, quản lý tốt hơn đối với hàng hóa miễn thuế, hàng tạm nhập tái xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu của DN ưu tiên thông qua việc khai báo, theo dõi danh mục hàng hóa miễn thuế, hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng hóa vận chuyển đi, vận chuyển đến…

Theo hướng dẫn của cơ quan hải quan, để tham gia hệ thống xuất nhập khẩu tự động DN phải đăng ký với cơ quan hải quan và được cấp tài khoản tham gia hệ thống này. Ngoài ra, DN phải trang bị phần mềm khai báo hải quan điện tử phù hợp mới và phải có chữ ký số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số đã được cơ quan Hải quan xác nhận và đăng ký với cơ quan hải quan trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan…

Tổng cục Hải quan cho biết, hiện có khoảng 40.000 DN tham gia thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Đây được cho là hoạt động góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, giảm thời gian thông quan hàng hóa và tạo môi trường thông quan minh bạch hơn. Nhưng, mong muốn giảm khó khăn, vướng mắc khi hệ thống vận hành được đặt ra, cho tới tận thời điểm này điều đó dường như vẫn chưa đạt được, theo nhiều DN.

Thực tế không dễ ứng dụng

Sau khi một vài tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai chính thức thông quan tự động, để đánh giá được kết quả vẫn cần có thêm thời gian để kiểm nghiệm. Nhưng nhiều chuyên gia lại không quá kỳ vọng vì theo họ, để vận hành thông suốt hệ thống thông quan tự động, người khai hải quan phải được đào tạo qua các cơ sở đào tạo chuyên sâu. Cho nên, dù là gắn với mục tiêu tiết giảm chi phí, nhưng trên thực tế hệ thống này đang gây không ít phiền hà cho DN.

Dưới sự hướng dẫn của cơ quan hải quan, một DN xuất nhập khẩu mặt hàng cao su tại TP. Hồ Chí Minh đã tham gia chạy thử phần mềm hệ thống VNACCS/VCIS với mong muốn tiết giảm được chi phí tuân thủ quy định hải quan. Song, lợi ích đâu chưa thấy, chỉ thấy DN phải bỏ ra không ít thời gian để vận hành thử. Thậm chí, ngay cả khi DN thuê chuyên gia công nghệ để tìm hiểu, nghiên cứu, cài đặt chương trình phần mềm, kết nối với cổng thông tin của hải quan để làm thủ tục giấy tờ thông quan... việc thực hiện trên hệ thống này cũng chưa khi nào trơn tru.

Theo phân tích của một số chuyên gia công nghệ tin học, sở dĩ có vấn đề này là vì hệ thống VNACCS/VCIS được xây dựng và phát triển dựa trên hệ thống VNACCS/CIS của hải quan Nhật Bản. Mặc dù đây là hệ thống rất hiện đại và đang được áp dụng hiệu quả tại Nhật Bản, nhưng khi đem về triển khai tại Việt Nam lại vấp phải sự khập khiễng do không đồng bộ về hệ thống hạ tầng công nghệ. Thậm chí, trình độ, yêu cầu đặt ra và nhân sự sử dụng phần mềm tại hai quốc gia cũng hoàn toàn khác nhau nên trên thực tế đã không suôn sẻ như kỳ vọng đặt ra.

Một số DN tại TP. Hồ Chí Minh tỏ ra lo lắng, khi thời gian chạy thử hệ thống VNACCS/VCIS đã hết và đến khoảng giữa tháng 5/2014 là thời điểm mà tất cả các DN xuất nhập khẩu trên địa bàn muốn thông quan bắt buộc phải áp dụng hệ thống này, thay vì làm thủ tục kê khai thủ công như trước kia. Giám đốc một công ty xuất khẩu thủy sản có trụ sở tại quận 4, TP. Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù số tiền mà DN bỏ ra đầu tư phần mềm, nâng cấp hệ thống, mua chữ ký số không phải là quá lớn, song điều mà các DN lo lắng là hệ thống thông quan này mà không được khai thông nhanh chóng sẽ làm ách tắc hàng hóa, nhất là đối với các DN xuất khẩu các mặt hàng tươi sống. thiệt hại có thể lên đến nhiều tỷ đồng.

Một số ý kiến tỏ ra bất bình, để việc áp dụng triển khai một cách có hiệu quả và khả thi hệ thống VNACCS/VCIS thì vấn đề quan trọng cần cân nhắc trước tiên đáng lẽ phải dựa trên nhu cầu cũng như điều kiện thực tế của các DN trong nước, chứ không phải cứ bê nguyên một hệ thống hiện đại của các quốc gia phát triển về để áp dụng. Hậu quả nhãn tiền là đã gây không ít phiền phức và thiệt hại cho các DN, một chuyên gia phân tích.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật