Tự mình cần thay đổi

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Gia đình có một trại chăn nuôi. Tôi làm việc cật lực để nuôi con, kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào tôi, nhưng không ai chia sẻ với tôi.
Tự mình cần thay đổi
Ảnh minh họa

Chồng tôi có công việc riêng, không làm ra tiền bao nhiêu, nhưng đi ra ngoài bảnh bao láng mướt. Tôi thì loanh quanh trong trại với đủ thứ việc. Lâu nay tôi cũng chắt chiu không dám ăn diện mua sắm, để dành tiền cho chồng con. Nay thì tiền tôi làm ra nhưng muốn xài cũng phải xin phép, con tôi sinh ra, nuôi lớn mà dạy con tôi lại không được dạy. Nói ra đôi ba câu thì con tôi cho là tôi quá lạc hậu cổ hủ, chồng thì bảo tôi toàn nói chuyện tào lao. Tôi bị áp lực khủng khiếp vì không còn biết phải chia sẻ với ai, do bản thân tôi sống cũng khép kín, ít bạn bè. Tôi thật sự không biết làm sao để thay đổi, xin chị hãy cho tôi lời khuyên.

Chị Linh thân mến,

Chuyện của chị có phần hơi khó hiểu. Chị làm chủ kinh tế gia đình, chị phải nắm quyền thu chi, cân đối, quản lý giữ ngân quỹ gia đình chứ? Trừ những việc lớn như mua nhà đất hay đầu tư thì phải cùng bàn thống nhất giữa vợ chồng, còn những khoản chi xài cho gia đình hay cho cá nhân chị vẫn có thể tự quyết, sao mọi chuyện lại phải xin phép? Có phải do chính mình đã tạo ra một tiền lệ trước đây như vậy trong nhà?

Việc dạy con, vừa là trách nhiệm vừa là tình thương của mẹ đối với con cái, ai ngăn cấm được? Lần này mình dạy con chưa nghe lời thì lần sau, cách này không được thì cách khác. Các cháu vẫn còn đi học, đâu đã thoát khỏi ảnh hưởng của cha mẹ. Cũng cần phải xem lại, đôi khi mình dạy mười chuyện, các con nghe bốn-năm chuyện là được, lần khác mình dạy tiếp, vừa sức với con hơn. Đừng dồn cả vào một lần, có khi quá tải cho cả mẹ lẫn con, mình lại sinh thất vọng vì nghĩ con không nghe lời.

Hạnh Dung nghĩ, có thể chị đã tạo ra một thói quen trong gia đình, coi mọi việc là nghĩa vụ của mẹ: từ làm lụng, chăm sóc nhà cửa đến lo toan tiền bạc. Mọi nặng nhọc khó khăn chị giành hết về mình, để chồng con được thảnh thơi vui vẻ. Lâu dần, thói quen đó sẽ nuốt chửng chị, đồng thời tạo ra tính ích kỷ nơi những người đang thụ hưởng công sức của chị.

Mình cần thay đổi và cần hiểu, thay đổi là một quá trình dài, khó khăn. Bớt lợi nhuận đi, bớt công việc đi, thuê thêm người phụ làm, dành thời gian chăm sóc bản thân, tham gia các hoạt động khác: tập thể dục, tham gia hội nghề nghiệp, học thêm về kinh doanh, về quản lý, kết bạn mới hoặc tìm lại dăm ba người bạn cũ… Những hoạt động này sẽ làm mới con người chị, giúp chị thoát cảnh quẩn quanh bế tắc trong một cái trại chăn nuôi. Tiền bạc chi dùng cũng vậy, có thể trước nay mình quản lý chưa hợp lý, nay cố gắng sắp xếp lại, để có thể chủ động quyết định những khoản chi mình muốn mà không gây tổn hại đến tài sản chung.

Cuộc sống không chỉ là công việc nặng nhọc, nên cũng đừng bắt chồng con chỉ đơn thuần chia sẻ áp lực công việc, mà còn nhiều thứ khác để chia sẻ. Hạnh Dung nghĩ, nếu mình cứ chăm chăm kéo chồng, con vào cùng gánh giùm cái gánh nặng của trại, thì chồng con sẽ càng cố tránh ra. Nếu mình làm mới bản thân, để thấy việc quản lý trại cũng thú vị, cũng hấp dẫn, thì có thể người ta tự tìm tới… Khi chị viết thư cho Hạnh Dung, cũng là lúc chị đã bắt đầu chia sẻ, thay đổi. Hy vọng vài gợi ý trên có thể giúp chị dần vượt qua được những bế tắc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật