Sinh viên chê Quốc hội còn xa lạ với giới trẻ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nữ sinh viên Luật cho rằng, hiện nay còn nhiều đại biểu không gần dân thì không thể đòi hỏi dân phải biết mình.
Sinh viên chê Quốc hội còn xa lạ với giới trẻ
TS Nguyễn Sĩ Dũng trao đổi với sinh viên trong giờ giải lao của hội nghị. Ảnh: Công Khanh.

Sáng 29/3, tại Văn phòng Quốc hội diễn ra Hội nghị truyền thông về Quốc hội cho sinh viên các trường đại học. Nhiều sinh viên thẳng thắn chất vấn đại biểu Quốc hội về vai trò và trách nhiệm với các cử tri là sinh viên.

Mở đầu hội nghị, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đặt câu hỏi: "Có ai trong số gần 200 bạn sinh viên ở đây nhớ vị đại biểu mà mình đã bầu?".

Thay lời đáp, sinh viên Ngô Lê Mỹ Linh (ĐH Luật Hà Nội) đặt vấn đề ngược lại: "Hiện nay còn nhiều đại biểu không gần dân thì không thể đòi hỏi dân phải biết mình".

Sinh viên Lê Thị Yến Ly (ĐH Luật Hà Nội) cũng cho rằng "có một thực tế đáng buồn, Quốc hội còn là cơ quan khá xa lạ với thế hệ trẻ". Trong khi đó, người trẻ rất mong thể hiện quan điểm, suy nghĩ, nguyện vọng của mình gửi gắm tới các đại biểu nhưng chưa có một diễn đàn nào dành riêng cho sinh viên để tiếp xúc với đại biểu.

Từ đó, theo Yến Ly, sinh viên dẫn tới trạng thái “lười nghĩ”, “không muốn nghĩ”, thậm chí “không quan tâm” tới hoạt động của quốc hội, dù đó là những vấn đề quan trọng của đất nước, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh viên.

"Thế hệ trẻ Việt Nam cần một diễn đàn thường xuyên để trao đổi, giao lưu và bày tỏ suy nghĩ, mong muốn tới các đại biểu Quốc hội và mong các đại biểu là những người dám nói trung thực, dám nghĩ quyết liệt, dám làm vì dân", Lê Thị Yến Ly nói.

Chia sẻ với sinh viên, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, "khi nói Quốc hội xa lạ, đúng là Quốc hội có vấn đề". Đó là tỷ lệ đại biểu không chuyên trách còn nhiều, tính thiếu chuyên nghiệp của đại biểu dẫn tới hạn chế trong hoạt động của mình. Ông lo lắng nhất khi các hoạt động của Quốc hội không chuyên nghiệp, sẽ làm mất dần sự tin tưởng của người dân vào cơ quan này.

Còn ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội, bày tỏ "rất buồn vì sinh viên nói Quốc hội quá xa rời sinh viên", và thừa nhận hơn 10 năm là đại biểu Quốc hội nhưng chưa một lần tiếp xúc với cử tri nào là sinh viên.

Sinh viên Nguyễn Thu Hà (Khoa Luật, viện ĐH Mở Hà Nội) cho rằng, mỗi năm có 4 lần tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội là quá ít ỏi. Vì thế, cử tri không có điều kiện bày tỏ mong muốn của mình tới những người mà mình ủy quyền.

Nhiều sinh viên đặt ra những câu hỏi “vĩ mô” khiến các nghị sĩ giật mình: "Tại sao luật rất hay phải sửa đổi. Có phải do những người làm luật đã hạn chế về tầm nhìn?", "Có nên thành lập chế độ lưỡng viện ở Việt Nam?", "Vai trò của Đảng trong việc chống tham nhũng thế nào?"...

Ông Andrew Holt, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Vương quốc Anh cho biết, từ năm 2000, Nghị viện trẻ Anh đã được thành lập bao gồm 600 đại biểu tuổi từ 11 - 18, được các bạn trẻ bầu ra. Hy vọng những hoạt động tương tự ở Việt Nam cũng sẽ thu được những kết quả tốt đẹp.

TS Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, Quốc hội là thiết chế đại diện vì vậy chất lượng của Quốc hội, của các đại biểu phụ thuộc vào người ủy quyền và người được ủy quyền hành xử ra sao. Nếu các cử tri đề nghị, giám sát kỹ thì đại biểu sẽ thực hiện tốt hơn vai trò của mình.

"Tôi hy vọng trong số các bạn trẻ ngồi đây sẽ có người trở thành nghị sĩ, hoặc chí ít là những cử tri mới", Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội gửi gắm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật