Nga - Mỹ đối đấu, Iran đắc lợi?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc Nga và Mỹ, hai quốc gia chủ chốt trong Nhóm P5+1, đối đầu nhau do khủng hoảng Ukraine, rất khó tưởng tượng được chuyện họ có thể tiếp tục hợp tác trong vấn đề hạt nhân Iran.
Nga - Mỹ đối đấu, Iran đắc lợi?
Bà Catherine Ashton (trái) gặp Tổng thống Rouhani (phải) trong chuyến thăm Iran.

Theo trang mạng "Iran Review", nếu tình hình khủng hoảng ở Ukraine tiếp tục kéo dài hoặc leo thang thành cuộc khủng hoảng toàn diện với những hậu quả khó dự đoán, chắc chắn các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran sẽ bị ảnh hưởng.

Ảnh hưởng bất lợi tới các lợi ích kinh tế của Iran trong bối cảnh quan hệ kinh tế giữa Tehran và Kiev đang được tăng cường dưới thời Tổng thống bị lật đổ Victor Yanukovich. Cuộc khủng hoảng này còn có thể khiến Iran mất thị trường xuất khẩu và ảnh hưởng đến việc nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine. Ngoài ra, nó còn có thể đẩy Iran rơi vào một tình thế khó khăn trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Hassan Rouhani đang quyết tâm hòa giải với phương Tây, đồng thời duy trì và thậm chí tăng cường quan hệ với Nga.

Nga là đối tác hạt nhân duy nhất của Iran, cùng chia sẻ lợi ích chiến lược với Iran ở Syria và từng là trụ cột trong chiến lược của Tehran chống lại các lệnh trừng phạt đơn phương của phương Tây. Cả Nga và Iran đều phản đối sự mở rộng của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về phía Đông thời hậu chiến tranh Lạnh, đồng thời nghi ngờ kế hoạch triển khai các trạm rađa của Mỹ tại Ba Lan và Séc với cái cớ ngăn chặn mối đe dọa tên lửa từ Iran. Dưới góc độ an ninh quốc gia của Iran, viễn cảnh NATO mở rộng sang Ukraine không được xem là diễn biến tích cực. Do vậy, mặc dù bày tỏ quan ngại về sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine như tuyên bố của Ngoại trưởng Iran Javad Zarif trong cuộc gặp mới đây với người đồng cấp Ba Lan, nhưng Tehran không thể yên tâm về các ý đồ lâu dài của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tại Ukraine, cũng như về những tác động của chính phủ mới thân phương Tây ở Ukraine.

Theo giới phân tích, mức độ tác động từ tình hình căng thẳng tại Ukraine và từ phản ứng quân sự của Nga tới các cuộc đàm phán hạt nhân Iran phụ thuộc vào phạm vi và thời gian kéo dài cuộc khủng hoảng hiện nay. Nếu hợp tác Nga-Mỹ trong các vấn đề quốc tế bị bết tắc vì Nga phải hứng chịu các lệnh trừng phạt, điều này sẽ làm thay đổi cuộc chơi và bản chất các cuộc đàm phán của Nhóm P5+1. Không chỉ vậy, Tehran còn lo ngại rằng cuộc khủng hoảng Ukraine có thể kéo theo chính sách hiếu chiến hơn của Mỹ. Iran có thể bị lôi kéo ủng hộ quan điểm của phương Tây về chủ quyền Ukraine, thông qua lời hứa hẹn giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, do sự gần gũi giữa Iran với Nga, cũng như các lợi ích chung giữa hai nước, cái giá mà Iran phải trả sẽ rất đắt nếu chọc giận Moscow. Về mặt chính thức, Iran sẽ giữ chính sách trung lập và chừa cho mình đủ chỗ để có thể thay đổi chiến thuật đối với cuộc khủng hoảng còn có khả năng kéo dài này. Ngoài ra, phe bảo thủ Iran, trong đó có một số người chỉ trích gay gắt thỏa thuận hạt nhân, có thể kết luận rằng cuộc khủng hoảng này báo hiệu sự đổ vỡ của Nhóm P5+1.

Trong khi đó, Nga có thể quyết định công khai ngả về phía Iran nhiều hơn nhằm đảm bảo sự ủng hộ của Tehran trong cuộc xung đột mới với phương Tây. Về phần mình, Tehran cũng có thể được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Chuyến thăm ngắn tới Tehran hôm 8-3 của quan chức phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Catherine Ashton được các hãng thông tấn chính thức của Iran ca ngợi là "chương mới" trong quan hệ giữa hai bên, thể hiện qua tuyên bố của Tổng thống Rouhani, theo đó Tehran sẵn sàng tăng cường "quan hệ chiến lược" với EU. Do vậy, có thể nói rằng trong ngắn hạn, cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm lợi cho chính sách hòa giải của ông Rouhani. Những lợi ích khác mà Iran có được nhờ khủng hoảng Ukraine bao gồm sự tăng giá năng lượng và việc các nhà nhập khẩu dầu mỏ đổ xô tới nước này trước lo ngại nguồn cung từ Nga qua ngả Ukraine bị gián đoạn. Theo một nguồn tin giấu tên, trong chuyến công du vừa qua, bà Ashton đã đề cập đến vấn đề "an ninh năng lượng" với phía Iran.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật