“Thủ phạm” kìm hãm PCI Thủ đô

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thủ đô Hà Nội năm 2013 tăng 18 bậc so với năm 2012, tuy nhiên vẫn chỉ xếp thứ 33/63 tỉnh thành của Việt Nam.
“Thủ phạm” kìm hãm PCI Thủ đô
Ảnh minh họa

5/10 nhóm chỉ số thành phần đo lường PCI 2013 được xếp gần cuối bảng xếp hạng được coi như “thủ phạm” kìm hãm PCI thủ đô.

Cụ thể, 5/10 nhóm chỉ số thành phần đo lường PCI của Thủ đô Hà Nội được xếp ở những vị trí gần cuối cùng trong bảng xếp hạng, bao gồm: chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất của Thủ đô Hà Nội xếp thứ 62/63 tỉnh thành phố; chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước xếp thứ 62/63 tỉnh thành phố; chi phí không chính thức xếp thứ 61/63 tỉnh thành phố; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo xếp thứ 61/63 tỉnh thành phố và thiết chế pháp lý xếp thứ 62/63 tỉnh thành phố.

Chỉ số “Ttếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất” của Hà Nội tuy đã tăng 1 bậc so với năm 2012 song với vị trí đứng thứ 62/63 trong bảng xếp hạng, các doanh nghiệp dân doanh hoạt động trên địa bàn Thủ đô cho biết vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh và không yên tâm ngay cả khi đã có mặt bằng kinh doanh, bởi rủi ro khi thu hồi đất vẫn là vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp hoạt động tại Thủ đô Hà Nội.

Chỉ số “chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước” nhằm đo lường thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính. Với chỉ số này, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, so với năm trước, năm 2013 Hà Nội đã có cải thiện nhiều về chỉ số này, tuy nhiên đây cũng là nhóm chỉ số được các địa phương khác cải thiện rất tích cực, nên năm 2013 Hà Nội giảm 8 bậc so với năm 2012, xếp thứ 62/63 tỉnh, thành. Các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô cho biết, họ vẫn phải làm việc quá nhiều với các đoàn thanh tra, kiểm tra, làm ảnh hưởng đến thời gian của doanh nghiệp.

“Chi phí không chính thức” là chỉ số đo lường các khoản phí không chính thức mà doanh nghiệp phải trả để thực hiện các thủ tục hành chính hoặc có hợp đồng kinh doanh. Năm 2013, chỉ số này của Hà Nội xếp thứ 61/63, giảm 5 bậc so với năm 2012. Theo đó, 66,39% doanh nghiệp cho rằng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp diễn ra phổ biến; 8,99% doanh nghiệp cho rằng họ phải chi phí hơn 10% doanh thu cho các chi phí không chính thức; 66,91% cho rằng các doanh nghiệp cùng ngành phải trả chi phí không chính thức.

Với chỉ số “tính năng động và tiên phong của lãnh đạo, Hà Nội chỉ xếp thứ 61/63 tỉnh, thành phố, điều này không thay đổi so với kết quả năm 2012, cho thấy doanh nghiệp chưa nhìn thấy tính năng động và tiên phong của lãnh đạo thành phố.

Chỉ số “thiết chế pháp lý” đánh giá mức độ tin tưởng của doanh nghiệp tư nhân với hệ thống tòa án, tư pháp của tỉnh, thành phố trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tố cáo hành vi tham nhũng của công chức, bảo vệ, giải quyết khi có tranh chấp đối với doanh nghiệp tư nhân. Chỉ số này, Hà Nội xếp thứ 62/63 tỉnh, thành phố, giảm 6 bậc so với năm 2012.

Việc 5/10 chỉ số PCI xếp gần cuối trong bảng xếp hạng đã “kéo” PCI của Thủ đô Hà Nội chỉ xếp thứ 33/63 tỉnh, thành của Việt Nam. Mặc dù một số chỉ số của Hà Nội được đánh giá tốt như chỉ số “dào tạo lao động” xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố; “dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” xếp thứ 2/63 tỉnh thành phố. Điều đó cho thấy, giảm các chi phí không chính thức, minh bạch hơn trong tiếp cận thông tin về đất đai, tăng tính năng động của lãnh đạo,… vẫn là việc mà Thủ đô Hà Nội cần phải tiếp tục để cải thiện môi trường kinh doanh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật