“Họa bì“ mới nhất có hay nhất?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cơn sốt phim Họa bì đang từ Trung Quốc, Hong Kong, Singapore... lan sang Việt Nam. Nhưng Họa bì bản 2008 có thực sự xuất sắc như “tương truyền“ trước khi chiếu tại Việt Nam?
“Họa bì“ mới nhất có hay nhất?
Hình ảnh từ ba bản phim Họa bì các năm 1966, 1993 và 2008 (từ trên xuống)

Có hai luồng ý kiến ủng hộ và phản đối việc Họa bì bản 2008 của đạo diễn Trần Gia Thượng không giống với nguyên tác văn học trong bộ truyện kinh dị Liêu trai chí dị của nhà văn Bồ Tùng Linh. Đây là điều thường tình. Phía phản đối bị hẫng khi chuyện phim không giống với những gì mà mình đã đọc, đã nhớ trong sách. Còn phía ủng hộ cho rằng phim ảnh có quyền, thậm chí bắt buộc phải khác với nguyên tác, nếu không thì còn gì để xem!

Họa bì từng lên phim nhựa lầu đầu tiên vào năm 1966. Họa bì lúc đó khá trung thành với tác phẩm văn học khi chuyển thể gần như trọn vẹn câu chuyện vợ chồng Vương Sinh - Trần Thị với yêu nữ vào phim. Tuy được hài lòng về mặt nội dung nhưng Họa bì bản 1966 không được biết đến rộng rãi bên ngoài Trung Quốc, do nó kém may mắn khi xuất hiện trong giai đoạn thoái trào của điện ảnh Hoa ngữ.

Bản thứ hai của Họa bì được thực hiện vào năm 1993. Phim ảnh Hoa ngữ thời điểm này rất phát triển trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chuyển biến mạnh mẽ. Ra đời trong thời kỳ hoàng kim của phim kiếm hiệp và lịch sử với dàn diễn viên được mến mộ thời bấy giờ như Trịnh Thiếu Thu, Hồng Kim Bảo, Vương Tổ Hiền..., Họa bì bản 1993 rất được yêu thích, thu về hơn 1,3 triệu đô la Hong Kong tiền vé.

Họa bì của đạo diễn Trần Gia Thượng là bản thứ ba, mới nhất. Yếu tố kinh dị trong bản phim này giảm nhiều so với hai bản phim đầu và tất nhiên, rất ít so với tác phẩm văn học. Bộ phim là câu chuyện tình mang tính chất ma quái hơn là một câu chuyện kinh dị về tình yêu. Đây chính là điểm mà những độc giả trung thành của Liêu trai chí dị phản ứng, dù nhiều người trong số họ đồng thời cũng là fan của Trần Khôn, Triệu Vy, Châu Tấn - những ngôi sao điện ảnh tái hiện Vương Sinh, Trần Thị và yêu nữ từ trang sách.

Mới đây, bộ phim Xích Bích cũng lâm vào tình trạng tương tự khi một phe chê tơi tả rằng những Triệu Tử Long, Gia Cát Lượng, Tào Tháo..., hay những tình tiết trên phim không có "họ hàng" gì với nguyên mẫu trong Tam quốc chí, phe còn lại ủng hộ sự phá cách, táo bạo trong việc tạo hình tượng mới cho những nhân vật và tình tiết đã được nhiều người thuộc nằm lòng. Và tất nhiên, đã, đang và sẽ không chỉ có Họa bì hay Xích Bích, mà còn có nhiều bộ phim khác nữa, một khi chúng đụng vào những tác phẩm đã ăn sâu vào lòng độc giả, trước khi đủ hay không đủ sức làm cho khán giả trong một lúc nào đó tạm quên đi việc so sánh với tác phẩm gốc.

Giống như việc "chia phe" trong chuyện thưởng thức Họa bì bản 2008, việc cảm nhận và cho rằng bộ phim có xứng đáng với những lời ca tụng về một siêu phẩm điện ảnh Hoa ngữ đại diện cho Hong Kong dự Oscar 2009 hay không, tất nhiên cũng rất khác nhau. Qua bản phim được chiếu chiêu đãi và chiếu thử tại Việt Nam, cho thấy có thể ban đầu Họa bì được nhiều người quan tâm rồi... hơi tiếc vì những cảnh nóng của Vương Sinh và yêu nữ bị cắt, nhưng có thể không thất vọng dù mang tâm thế sợ phim... không giống với truyện.

Họa bì mới nhất chưa hẳn đã hay nhất dù có thể hiện đại nhất. So sánh truyện với phim đã khó, so sánh ba bản phim ở ba thời kỳ khác nhau (1966 - 1993 - 2008) càng khó hơn. Bởi chúng được sản xuất trong những giai đoạn khác nhau của nền kinh tế Trung Quốc và Hong Kong, trong những bối cảnh chính trị xã hội và điều kiện kỹ thuật khác nhau. Song có một điều, danh sách những siêu phẩm của điện ảnh Hoa ngữ để đối trọng và khẳng định mình lại dài thêm một dòng nữa với Họa bì, xóa dần nghi ngại rằng phim ảnh Hoa ngữ sản xuất để chiều chuộng chủ yếu thị hiếu khán giả phương Tây hay nguy cơ trở thành một phân xưởng của Hollywood.

Trong các buổi chiếu những siêu phẩm điện ảnh thỉnh thoảng lại nhập về Việt Nam kiểu này, xuất hiện rất nhiều nhân vật có máu mặt trong giới làm phim nước nhà. Tin rằng ít nhất trong đầu một vài người trong số họ cũng đã từng xuất hiện ý nghĩ: điện ảnh Việt đến bao giờ biết dùng tới chữ siêu phẩm?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật