Bơm thêm 100.000 tỉ vào bất động sản: Không cần hỗ trợ người giàu!

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Xung quanh thông tin về việc sắp tới các ngân hàng liên kết bơm 100 nghìn tỷ đồng vào bất động sản, nhiều tiếng nói cho rằng ở thời điểm hiện tại không cần thiết phải có gói hỗ trợ này…
Bơm thêm 100.000 tỉ vào bất động sản: Không cần hỗ trợ người giàu!
Những căn biệt thự liên kế tại KDC Khang An dù đã xong phần thô nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh hoang tàn.

Theo TS Phạm Xuân Nghĩa, tới đây Ngân hàng Xây dựng và 4 NHTM Quốc doanh sẽ liên minh với nhau để xây dựng một gói tín dụng từ 75.000 - 100.000 tỉ đồng để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở trong chương trình liên minh 4 nhà gồm: Ngân hàng, nhà sản xuất vật liệu xây dựng, nhà thầu và chủ đầu tư. Đây không phải là gói ưu đãi mà là gói cho vay thương mại, nhưng lãi suất có thấp hơn so với mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Theo ông Nghĩa, gói tín dụng này tập chủ yếu vào phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng và phát triển nhà ở cho người có thu nhập trung bình. Nhà ở không nhất thiết phải là căn hộ mới và đối tượng được hưởng gói tín dụng này được mở rộng ra so với gói 30.000 tỷ đồng.

Ông Nghĩa khẳng định đây là các gói liên kết của các ngân hàng với nhau mà không có sự bàn bạc của các cơ quan chức năng quản lý nhà nước như Bộ Xây dựng hay Ngân hàng nhà nước.

PV ghi nhận một vài ý kiến đến từ các chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản về gói hỗ trợ này.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.Hồ Chí Minh: Người giàu tự mua được nhà, không cần hỗ trợ

Hôm họp anh Nghĩa nói rằng sẽ tung gói hỗ trợ 100 nghìn tỷ đồng, rất tiếc hôm đó tôi ốm nên không tới được. Về sau tôi nghe anh em nói lại. Nếu có mặt hôm đó, tôi sẽ phát biểu phản đối ngay. Anh Nghĩa nói nếu người mua nhà 1,7 tỷ đồng trở lại thì cho họ vay ưu đãi.

Với số tiền 1,7 tỉ đồng thì có thể về Lạng Sơn hay ở Cà Mau hay các tỉnh khác để mua biệt thự. Anh Nghĩa bảo vậy thì không phải cho người khó khăn, không phải cho người thu nhập thấp mà ưu đãi cho người giàu.

Với nguồn lực hạn hẹp, chỉ cần ưu đãi cho người thu nhập thấp về nhà ở mà thôi.Trong xã hội chia làm 3 nhóm lớn, nhóm thứ nhất là người thu nhập khá trở lên tự lo nhà ở được, Chính phủ chỉ lo về thiết kế, tiêu chuẩn.

Thứ hai, người thu nhập thấp, là chỉ có một phần thu nhập tài chính để mua nhà, ví dụ nhà 1 tỷ nhưng họ chỉ có 300 triệu, mượn thêm bạn bè rồi trả góp, tạo điều kiện cho người ta có chỗ ở.

Nhóm thứ 3 là người nghèo, không có đủ khoản tiền tối thiểu để hỗ trợ, họ chỉ có vài chục triệu nhưng họ bảo "tôi muốn sở hữu nhà" thì không thể, Nhà nước cũng không thể thay họ mua nhà cho chính họ được. Nhưng họ nằm trong nhóm nhà nước phải tạo ra quỹ nhà cho nhà cho thuê giá rẻ.

Theo tôi, nếu có thể, để gói hỗ trợ 100 nghìn tỷ đồng này hỗ trợ cho đối tượng người nghèo phải thuê nhà. Mà quan trọng hơn là hỗ trợ cho các doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm nhà cho thuê giá rẻ.

TS Alan Phan: "Bơm" tiếp làm tăng nợ xấu

Hiện nay NHNN đang dư tiền đồng, mà các ngân hàng thương mại liên kết để bơm tiền vào một phân khúc nào đó là điều khả thi và có thể làm được, quan trọng là hiệu quả và bơm bằng cách nào, vì nếu cho vay bừa bãi với những doanh nghiệp đang kẹt hay tồn kho thì sẽ làm tăng nợ xấu.

Lẽ nào lại đi vứt tiền tốt vào đống nợ xấu thì quả là một nghịch lý. Còn nếu có một quy luật đảm bảo nguồn tiền không mất, hơn nữa khâu thẩm định mà thật sự khắt khe thì tôi nghĩ các nhà đầu tư sẽ không đủ điều kiện để được tiếp cận vốn. Có thể ngân hàng sẽ bơm 100.000 tỉ đồng vào thị trường BĐS, nhưng bơm bằng cách nào thì tôi không biết.

Nguyễn Văn Đực - Phó Tổng GĐ Công ty Đất Lành: Nhiều ngành cần hỗ trợ, sao lại ưu tiên BĐS?

Quan trọng nhất hiện nay là các cơ quan quản lý tìm các giải pháp để tiêu thụ các gói tín dụng chứ chưa cần nói đến gói này hay gói khác.

Bên cạnh đó, nếu tính trên mặt bằng nền kinh tế quốc gia, các mặt bằng xã hội thì các ngành nghề khác rất quan trọng như cafe, cá basa, lúa gạo… cũng cần được hỗ trợ, tại sao lại ưu tiên cho BĐS như vậy? Vì chính các doanh nghiệp kinh doanh BĐS đã gây nên cơn khủng hoảng này, giờ phải trả giá là điều tất yếu.

Thời kỳ hưng thịnh của BĐS thì nhiều đại gia đã sắm phi cơ, xe "khủng" rất hoành tráng có chia sẻ gì với người dân đâu, giờ khó khăn lại đề nghị hỗ trợ. Chắc chắn nếu gói tín dụng 100.000 tỷ nếu được bơm vào thị trường BĐS thì người dân sẽ phản đối kịch liệt.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật