“Bài toán” tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2014

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khép lại năm 2013 với những điểm sáng vĩ mô được cải thiện theo hướng ổn định: Lạm phát được kiềm chế, dự trữ ngoại hối tăng cao, bình ổn được tỷ giá...
“Bài toán” tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2014
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, những chỉ báo trên chưa thực sự đảm bảo cho sự ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc. Nhiều phân tích, dự báo cho rằng, năm 2014, kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc hơn nhưng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách.

Điểm nhấn “bức tranh” kinh tế năm 2013

Nhìn lại "bức tranh" kinh tế Việt Nam năm 2013, có thể đưa ra một vài điểm nhấn quan trọng: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2013 tăng 5,42% so với năm 2012, trong đó quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5,00%; quý III tăng 5,54%; quý IV tăng 6,04%. Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mục tiêu tăng 5,5% đề ra nhưng cao hơn mức tăng của năm 2012 và có tín hiệu phục hồi. Mức tăng của ngành công nghiệp không cao (5,35%), nhưng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá ở mức 7,44% (năm 2012 tăng 5,8%) đã tác động đến mức tăng GDP chung.

Ngành xây dựng mặc dù chiếm tỷ trọng không lớn nhưng đạt mức tăng 5,83%, cao hơn nhiều mức tăng 3,25% của năm trước cũng là yếu tố tích cực trong tăng trưởng kinh tế năm nay (Hình 1). Trong bức tranh chung kinh tế Việt Nam 2013, nổi lên một số “điểm sáng” là xuất, nhập khẩu khi tổng kim ngạch năm 2013 đạt 132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012. Đặc biệt, trong năm qua Việt Nam đã xuất siêu được trên 800 triệu.

Triển vọng 2014 và một số khuyến nghị

Các chuyên gia nhận định, năm 2014, kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn còn chậm, dự kiến đạt 5,6%. Đây là mức tăng trưởng hợp lý. Dự kiến, năm 2014, CPI tăng khoảng 6,2% - 7%; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 30 - 32% GDP; Tín dụng tăng ở mức 13-14%; Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 14% -15% (xấp xỉ năm 2013); Tỷ lệ nhập siêu năm 2014 dự kiến đạt ở mức 6%…

Những chỉ báo kinh tế vĩ mô được dự báo nói trên căn cứ vào một số điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, mục tiêu điều hành kinh tế - xã hội năm 2014 của Chính phủ đã xác định, kiên trì tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng ở mức hợp lý trên cơ sở tính toán, hài hòa liều lượng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; Cải thiện cơ cấu chi ngân sách để tăng chi đầu tư phát triển cả về tỷ trọng và số tuyệt đối gắn với tăng tính hiệu quả; Hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, chưa đặt mục tiêu phục hồi nhịp độ tăng trưởng nhanh.

Thứ hai,tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2014 dự kiến ở mức tương tự năm 2013 (khoảng 30%). Mức vốn đầu tư toàn xã hội 30% GDP là đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng ở mức 6% nếu hiệu quả đầu tư được cải thiện.

Thứ ba,hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2014 được dự báo vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trong năm tháng 2013 là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước. Chỉ số IIP tăng 5,8%, cao hơn 1% so với năm 2012. Tuy nhiên, mức tăng này chưa đủ bù đắp mức giảm của khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản (chỉ tăng 2,38%, thấp nhất trong 4 năm gần đây)...

Thứ tư, nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại trước nhiều áp lực về giá dịch vụ các mặt hàng thiết yếu như: xăng, điện, gas, dịch vụ y tế, giáo dục… sẽ điều chỉnh tăng trong năm 2014.

Thứ năm,Hiệp định Đối tác thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến trong năm 2014 sẽ được các nước tham gia đàm phán thông qua. Nếu TPP được “bấm nút” thông qua sẽ tạo ra một cú huých mạnh cho kinh tế Việt Nam trong việc mở rộng thị trường và thu hút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Trước những thách thức và tồn tại đặt ra, để tìm ra lời giải “bài toán” tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2014 theo đúng các mục tiêu đề ra, ngoài các giải pháp vĩ mô của Chính phủ, bài viết đề xuất một số khuyến nghị sau:

Một là,một số ý kiến cho rằng, thực tế tăng trưởng kinh tế của thế giới cũng như Việt Nam về dài hạn đều hướng tới tăng trưởng cao, kiềm chế lạm phát ở mức thấp để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy kinh tế của đất nước phát triển ổn định và bền vững. Tuy nhiên, trong ngắn hạn sẽ có sự đánh đổi giữa lạm phát và tăng trưởng, muốn tăng trưởng đạt tốc độ cao thì phải chấp nhận mức lạm phát nhất định. Do vậy, cần đưa ra các chính sách bảo đảm hài hòa “bài toán” tăng trưởng và lạm phát.

Hai là, cần kíc‌h thí‌ch vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông qua nguồn tiền gửi từ các tổ chức kinh tế. Tuy nhiên, mức lãi suất của các tổ chức này phải thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm của cá nhân. Trong khi đó, hiện nay, hệ thống ngân hàng chưa có các chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất đầu ra đối với một số hoạt động tín dụng rủi ro cao mà nhà nước cần khuyến khích cho vay. Bên cạnh đó, triển khai tích cực các chương trình bảo lãnh tín dụng đối với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ba là,trong ngắn hạn, các chính sách cần tiếp tục hỗ trợ tổng cầu (đầu tư và tiêu dùng) để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục tăng sản lượng sản xuất kíc‌h thí‌ch kinh tế. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cần được quan tâm (theo một số chuyên gia thì không nên thấp dưới 30% GDP) để tạo điều kiện cân đối cung cầu hàng hóa, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô.

Bốn là,trong trung hạn, các chính sách cần hướng tới việc cải thiện cung cầu của nền kinh tế, nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Do đó, việc đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế đóng vai trò quan trọng và cần phải tập trung thực hiện trong vòng 2-3 năm tới để tạo bước chuyển biến mới. Bên cạnh đó, trong vài năm tới, xuất khẩu vẫn giữ vai trò là động lực quan trọng cho tăng trưởng do đó việc thu hút vốn FDI cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất xuất khẩu. Tuy nhiên, về mặt dài hạn cần có những giải pháp từng bước cải cách khu vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời hỗ trợ công nghiệp và khu vực doanh nghiệp trong nước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật