Để được... bên nhau

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hai năm trôi qua nhưng nhắc đến câu chu‌yện tìn‌h buồn của Rơ Châm Dai và Ksor Arít, ông Puih Kheng - chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Ia Hrung (huyện Ia Grai, Gia Lai) - vẫn bùi ngùi: “Thương Dai và Ba Kan (tên thật là Arít) lắm mà chẳng biết làm sao. Nếu là người Kinh thì có lẽ mọi chuyện đã khác”.
Để được... bên nhau
Cha mẹ đẻ của Ba Kan già yếu nhưng phải nuôi con của Ba Kan (bìa phải)

chu‌yện tìn‌h buồn

Ông Puih Keng cho biết cái chết của đôi bạn Rơ Châm Dai và Ba Kan là sự việc đau lòng nhất từ trước đến nay liên quan đến tục phạt vạ của người Ja Rai ở xã Ia Hrung. Người dân ở Ia Hrung phần lớn là đồng bào Ja Rai, luật tục vẫn còn ám ảnh nhưng hầu hết các vụ phân xử đều đến tai cán bộ và được hòa giải thành công. Việc Rơ Châm Dai và Ba Kan đã bế tắc và tìm đến cái chết một cách quá đường đột khiến cán bộ xã không kịp trở tay. Ông Ksor Pức, bí thư Đảng ủy Ia Hrung, cho biết cả Ba Kan và Dai là người cạnh làng nhau. Không được suôn sẻ như những người khác, Ba Kan đã khổ từ nhỏ. Số phận long đong lận đận ấy bám riết lấy Ba Kan như định mệnh cho tới cả khi đã có gia đình. Ngày ấy, Kan ở tuổi 18 đẹp nhất làng, nhưng nét đẹp của Kan ai nhìn vào đôi mắt cũng bảo rằng ẩn chứa đầy nét u buồn. Không ngờ những lời nhận xét ấy là sự thật.

Qua tuổi 18, Kan thương cha mẹ nghèo khó, ít nương rẫy đã đi qua làng bên để bắt một người chồng. Thế nhưng lấy chồng được hơn 10 năm, tổ ấm còn dang dở thì một ngày đi lên rẫy, chồng Ba Kan đã đột ngột qua đời trong một vụ nổ đầu đạn. Năm ấy Kan mới bước qua tuổi 30.

Chồng chết, Ba Kan như con nai rừng lạc bầy, yếu đuối và đơn độc. Người làng ái ngại khi các cặp vợ chồng khác lên nương rẫy đều có đôi có bạn, còn Ba Kan phải thui thủi một mình, cứ chiều xuống nhiều bữa người làng lại bắt gặp Kan một mình ngồi khóc ở bờ suối. Luật tục Ja Rai không cho phép ngoại tình nhưng chồng Ba Kan đã về với Atâu, thương Ba Kan nhiều người trong làng, cả bố mẹ chồng của Kan, cũng khuyên chị tìm một người đàn ông Ja Rai khác để bắt về gánh vác trọng trách gia đình, nhưng Kan vẫn nuốt nước mắt nghẹn đắng vì quá thương con.

Ở làng kế bên, Rơ Châm Dai bất hạnh cũng không kém. Khỏe mạnh, vạm vỡ, làm việc gì cũng không thua con trai trong làng nhưng gia đình vẫn khổ mãi, nghèo miết. Dai lấy vợ được mấy năm, có hai đứa con thì bất hạnh ập đến: một buổi tối, sau một ngày đi rẫy về, vợ Dai nằm liệt giường, bỏ ăn bỏ uống miết. Thương vợ, Dai cõng vợ tìm hết thầy cúng, đi lên tận TP gõ cửa nhờ bác sĩ nhưng bệnh vợ vẫn triền miên. Ai cũng khen Rơ Châm Dai khỏe, làm giỏi nhất làng nhưng Yàng bắt Dai phải khổ. Làm được bao nhiêu cà phê, bao nhiêu thóc gạo Dai đều bán hết để nuôi con, đưa vợ đi chữa bệnh. Thời gian làm cho ngọn núi cũng phải bạc màu, hòn đá dưới suối cũng mòn đi, chịu khổ miết khiến Dai quẫn trí rồi sinh ra buồn bực, chán nản, không khí trong gia đình cũng vì thế mà nguội lạnh dần. Nhìn cuộc sống bế tắc, nghèo miết, nhìn người vợ đau yếu gầy mòn từng ngày, Rơ Châm Dai sinh buồn bực. Anh như con nai lâu ngày bị bỏ đói, thiếu sự san sẻ, thiếu một bờ vai, thiếu một người phụ nữ sáng sớm cùng anh đùm cơm lên rẫy.

Buổi sáng hôm ấy tình cờ đi lên rẫy, Dai gặp Ba Kan giữa đường. Ba Kan kể với Rơ Châm Dai hết cái khổ của mình, những ngày đơn độc kể từ khi người chồng ra đi. Nghe Kan kể, Dai thấy thương trong bụng vô cùng. Lâu lắm rồi từ ngày vợ ngã bệnh, anh mới có cảm giác của một người đàn ông như thế. Rồi rất nhanh Dai giật lấy bàn tay Ba Kan và nói: “Hai đứa mình cùng khổ như nhau cả, hay là để Dai theo Ba Kan về làm chồng?”.

Bà Siu Nga - người thân của Ba Kan - cho biết kể từ ngày nghe anh Rơ Châm Dai tỏ tình, Ba Kan suy nghĩ miết. Kan cần một người đàn ông, Dai cũng cần một người phụ nữ. Hai người tìm đến nhau như hai con nai rừng bị bầy đàn bỏ lại, lòng Kan dù muốn lắm nhưng luôn ám ảnh một nỗi sợ hãi vô hình: Dai là người đàn ông đang có vợ, vợ Dai dù đau yếu sắp qua đời nhưng chừng nào vợ chưa mất thì người Ja Rai không bao giờ cho phép người chồng bỏ vợ để theo người khác. Thế nhưng, lòng giằng xé không kìm được lòng, những lần đi rẫy kế tiếp Dai vẫn cố tình gặp Kan. Chuyện gì đến cũng đến, hai người lao vào nhau như tạo hóa đã bắt họ phải gặp nhau trong đớn đau như thế...

Già làng Grít - thành viên tham gia phân xử sự việc của Ba Kan và Rơ Châm Dai (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, Gia Lai) - Ảnh: Tiến Thành

Ngày “tuyên án”

Rơ Châm Dai và Ba Kan yêu nhau, thương nhau thật lòng nhưng lệ làng không cho phép vì Dai vẫn là người đàn ông đã có vợ. Chuyện lâu ngày cũng không giấu được người làng. Một ngày kia, người làng bỗng xì xầm và quyết đưa Ba Kan và Rơ Châm Dai ra phạt vạ vì dám ngoại tình.

Bí thư Đảng ủy xã Ksor Pức nhớ lại: ngày làng Grít tổ chức phạt vạ, cả ông và một số cán bộ xã cũng được mời đến để chứng kiến. Người làng và gia đình của Rơ Châm Dai khi biết Dai yêu Ba Kan thì hết sức giận giữ. Họ nói rằng truyền thống người Ja Rai không cho phép bỏ vợ bỏ chồng, Rơ Châm Dai trong lúc vợ đang đau yếu mà quan hệ với Ba Kan là đã phạm tội rất nặng, không chỉ xúc phạm luật làng mà xúc phạm đến gia đình của Hrĩ - bên vợ của Rơ Châm Dai. Mặc dù có sự lên tiếng của già làng Rơ Châm Nung nhưng người làng vẫn bắt Ba Kan phải đền 100 triệu đồng và chấm dứt với Dai.

“Tình hình lúc đó rất căng thẳng, cán bộ xã có mặt ở đó nhưng nói vào cũng không được. Hơn nữa, dù là cán bộ nhưng chúng mình vẫn là... con cháu nên không dám can thiệp nhiều” - ông Pức kể.

Ngày đầu tiên sau cuộc phạt vạ, cả Ba Kan và Rơ Châm Dai như người không hồn. Họ thương nhau nhưng không thể tìm ra cách nào để tự giải thoát chính mình khỏi những ràng buộc lễ nghi. Ba Kan đã trót thương Rơ Châm Dai, nhưng nghĩ đến khoản tiền hơn 100 triệu đồng để đền cho gia đình vợ Rơ Châm Dai, Ba Kan bỗng quẫn trí, xây xẩm hết cả mặt mày. Về phần Rơ Châm Dai, sau buổi phạt vạ, anh cũng bị gia đình dè bỉu, yêu cầu ra khỏi nhà vợ.

Đêm 12-5-2012, một nỗi đau đã ập đến làm cả làng Grít bàng hoàng. Sau chầu rượu, Rơ Châm Dai hẹn Ba Kan ra bìa rẫy cà phê rồi trong cơn tuyệt vọng, hai người đã thắt chung một sợi dây tìm đến cái chết. Trước khi chết, Ba Kan và Dai để lại lời nhắn với làng rằng dù bị ngăn cản, họ vẫn quyết yêu nhau, chết để được bên nhau. Trưởng thôn Grít Ksor Krin bàng hoàng nhớ lại: “Lúc đó làng mới phạt vạ 100 triệu đồng. Sau đó đề nghị bên Ba Kan nếu không có tiền thì chỉ phạt 70 triệu đồng. Nếu có tiền nộp phạt thì họ được lấy nhau chứ không ai nghĩ Kan và Dai lại tìm đến cái chết như thế”.

Ông Ksor Ker - bố ruột của Ba Kan - cho biết từ ngày Ba Kan mất đến nay, ba người con đều để lại cho ông bà già nuôi dưỡng. Ba đứa trẻ bám vào hai người lớn tuổi lay lắt qua ngày tháng. Còn phía bên gia đình Dai, hai đứa con cũng bỗng mồ côi cha, hơn một năm sau ngày cha mất thì mẹ cũng qua đời. Câu chu‌yện tìn‌h buồn bị ngăn cản bởi tục phạt vạ đến bây giờ vẫn ám ảnh mỗi người làng ở Grít.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật