Thực phẩm, dịch vụ “đội” giá

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Viện cớ Tết Nguyên đán, giá thực phẩm, dịch vụ trên địa bàn TPHCM “đến hẹn lại tăng” mặc dù hàng hóa đổ về chợ đầu mối, siêu thị khá dồi dào, giá cả ổn định. Chưa kể tình trạng tăng giá dẫn tới hình thành mặt bằng giá mới sau tết, tác động xấu tới cuộc sống người dân…
Thực phẩm, dịch vụ “đội” giá
Ảnh minh họa

“Ăn theo” tết

Trong các ngày từ 1 đến 3-2 (mùng 2 đến 4 Tết), giá thực phẩm tươi sống tại một số chợ truyền thống như Bà Điểm (Hóc Môn), Nhật Tảo (quận 10), Hòa Bình (quận 5)… tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, tùy mặt hàng. Cá biệt, có mặt hàng tăng giá khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg so với ngày bình thường.

Chẳng hạn như, thịt nạc heo cách đây 10 ngày có giá 80.000 đồng/kg, trưa 3-2 (mùng 4 Tết) có giá 95.000 - 100.000 đồng/kg; ba rọi rút sườn 140.000 - 145.000 đồng/kg (tăng gần 30.000 đồng/kg so với cách đây 8 ngày); thịt bò tăng khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg, ở mức 265.000 - 275.000 đồng/kg. Rau muống, rau xà lách, cà chua, dưa leo, trái cây… cũng tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Cụ thể, rau xà lách có giá 25.000 - 30.000 đồng/kg, dưa leo từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, quýt đường 40.000 - 50.000 đồng/kg.

Không chỉ các mặt hàng thực phẩm tươi sống đội giá “té nước theo mưa”, ngay cả thực phẩm chế biến sẵn như cháo, phở, cơm sườn cũng đua nhau tăng giá. Tại tuyến đường Trường Chinh (quận Tân Bình), Phan Văn Hớn (quận 12), giá mỗi món ăn cũng tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/phần, tùy nơi bán.

Anh Mai Chí Trung, người tiêu dùng ngụ tại Hồ Thị Kỷ, quận 10 bức xúc: “Tôi uống một ly cà phê đen gần Đầm Sen với giá 68.000 đồng, trong khi ngày thường ly này chỉ khoảng 20.000 đồng. Thắc mắc với chủ quán, tôi chỉ nhận được câu trả lời, tết nên phải phụ thu. Buôn bán kiểu này có khác gì móc túi khách hàng”.

Tại lề đường Phan Văn Hớn (quận 12), một tô cháo lòng lõng bõng nước có giá 20.000 đồng/tô, tăng 6.000 đồng/tô so với ngày thường. Chủ quán cháo này phân bua: “Tết mà, tăng mỗi thứ một chút mới có lời. Thực phẩm tươi sống đều bị tiểu thương hét giá, không tăng sao sống nổi”.

Theo chị Nguyễn Thị Mây, tiểu thương chuyên doanh rau quả tại chợ Võ Thành Trang (quận Tân Bình): “Một số mặt hàng tươi sống chỉ tăng giá vào dịp trước tết và sau tết vài ngày. Từ 15 âm lịch trở đi giá cả sẽ ổn định lại thôi”. Bên cạnh đó, theo ghi nhận của PV, phí dịch vụ gửi xe, vá xe gần các ngôi chùa, tuyến ngã tư ở TPHCM cũng tăng đáng kể, mức trung bình khoảng 10.000 đồng/xe gắn máy; 10.000 - 15.000 đồng/miếng vá xe máy (ngày thường chỉ 5.000 - 7.000 đồng/miếng vá)…

Chợ đầu mối, siêu thị: đầy ắp hàng

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP trưa 3-2, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết, hiện lượng hàng rau củ, thịt các loại về chợ ở mức 564 tấn mỗi đêm. Tuy nhiên, hàng hóa bán nhỏ giọt, người mua rất ít, dẫn đến tình trạng nhiều tiểu thương bán xả với giá rẻ hơn 30% so với ngày bình thường.

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Giám đốc Công ty chợ đầu mối Bình Điền cũng thông tin thêm: “Thực phẩm tươi sống về chợ khoảng 100 tấn mỗi ngày, nhưng ế quá. Giá giảm nhiều, thịt heo ở mức 60.000 - 80.000 đồng/kg, loại thịt đùi, nhưng khách mua rất ít. Có lẽ phải sau 15 âm lịch sức mua mới được cải thiện”.

Khi được hỏi về việc tại sao giá các mặt hàng tại chợ lẻ vẫn tăng cao, trong khi chợ đầu mối lại đầy ắp hàng bán giá rẻ; ông Nguyễn Đăng Phú dự đoán rằng, rất có thể do thương lái lười lấy hàng, nên cố tình ghim hàng giá cao để bán cho tiểu thương chợ lẻ. Ngoài ra, do đang còn trong tết nên người tiêu dùng có tâm lý sẵn sàng chi tiền giá cao để mua bất cứ loại thực phẩm nào.

Người tiêu dùng đắn đo mua hàng khi giá cả sau tết đang tăng. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Cùng ngày, lãnh đạo hệ thống siêu thị Co.opMart, BigC… cũng cho biết, vừa tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá phục vụ người tiêu dùng đến giữa tháng 2-2014.

Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, từ ngày 3-2 đến 16-2, hệ thống siêu thị Co.opMart giảm giá 49% cho 600 mặt hàng thực phẩm tươi sống, đồ chơi trẻ em, may mặc… Đồng thời, tặng hơn 180.000 bao lì xì mệnh giá từ 20.000 - 50.000 đồng cho khách hàng, kéo dài đến hết mùng 6 Tết. Thêm nữa, các loại thực phẩm phục vụ nhu cầu ăn chay đầu năm cũng được Co.opMart bán giá ưu đãi.

Giá thực phẩm, dịch vụ… sau tết “đến hẹn lại tăng” có sự vô tình tiếp tay bởi chính thói quen tiêu dùng của người dân; đồng thời sự giám sát thiếu chặt chẽ của các lực lượng liên ngành chức năng. Điều đáng sợ hơn cả chính là thị trường sẽ hình thành một mặt bằng giá mới ngay sau tết – gây khó khăn cho cuộc sống của người dân. Nên chăng, các cơ quan hữu trách cần có những biện pháp cụ thể, thiết thực hạn chế tình trạng giá tăng “tát nước theo mưa” như hiện nay.

Ông Phan Hoàn Kiếm, Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, nhận định, về cơ bản việc buôn bán, kinh doanh trên địa bàn TPHCM những ngày giáp tết, trong tết khá ổn định. Tình trạng nói thách, bán không đúng giá diễn ra rất ít. Tuy vậy, trước thực tế mà báo chí vừa phản ánh, Quản lý thị trường TPHCM sẽ tiếp tục theo dõi, chỉ đạo xử phạt nghiêm khắc các đối tượng buôn bán, kinh doanh cố tình vi phạm, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật