Ðông Sơn, mùa hoa đào

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tôi cùng anh bạn Trung “đại gia“ đi chợ hoa Ninh Bình. Những cây lan hồ điệp được đặt trong chậu mầu trắng đang đua nhau khoe sắc thắm.
Ðông Sơn, mùa hoa đào
Người dân Ðông Sơn (Tam Ðiệp, Ninh Bình) cắt tỉa đào phai để bán dịp Tết. Ảnh: TRẦN QUANG

Còn hoa ly, người bán không bày vào chậu mà được đánh cả vầng đất rồi bọc vào túi ni-lông thỉnh thoảng phun nước tưới như sương để hoa tươi mơn mởn như đang trên ruộng trồng vậy. Trung "đại gia" kéo tay tôi đi thật nhanh qua các cửa hàng bán lan hồ điệp, hoa ly, quất, đến thẳng trung tâm chợ, nơi những cành đào, gốc đào đang khoe sắc thắm. "Tôi chỉ thích hoa đào. Ngày xưa khó khăn, gia đình còn cơ hàn, Tết dù có thể thiếu thứ gì, nhưng cành đào là không thể thiếu"- Trung nói.

Hoa đào năm nay ở Ninh Bình thật phong phú. Những chiếc ô-tô tải có moóc dài chở hoa từ nhiều nơi khác về. Hoa đào Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn được những người làm dịch vụ chở về đây với rất nhiều chủng loại khác nhau. Bên cạnh những cây đào cổ thụ hàng chục người khênh giá mấy chục triệu đồng thì cũng có những cành đào chỉ vài ba trăm nghìn đồng, đủ cắm trong một chiếc bình nhỏ. Trung "đại gia" vẫn làm ngơ, tiến thẳng về khu bán đào Ðông Sơn (Tam Ðiệp, Ninh Bình) nằm khuất một góc chợ nhưng lại được nhiều người đến xem nhất. "Tại sao ông thích hoa đào mà phải là hoa đào Ðông Sơn?"- Tôi hỏi khi thấy Trung đang mải mê ngắm một cây đào khẳng khiu, chẽ tua tủa cành chứ không phải đào thế. "Hoa đào Ðông Sơn khác biệt với hoa đào nơi khác ở chỗ cành có nhiều búp lá xanh xen lẫn hoa mầu cánh sen phớt hồng. Tôi thích những cành đào như thế"- Trung giải thích - "Ðã là cành đào ngày xuân thì bên cạnh hoa mầu phớt hồng, nhất định phải có lộc non. Xuân là phải có lá, có hoa chứ chỉ hoa không cũng thật đơn điệu...".

Ði chợ hoa với Trung, tôi hiểu thêm phần nào lý do tại sao người Ninh Bình đi tìm hoa đào Ðông Sơn, cho nên loại hoa này thường bị tăng giá khi thấy có tín hiệu hết hàng hoặc hàng chưa kịp mang về chợ. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ðông Sơn Phạm Ðình Cư, các hộ trồng đào ở xã có thu nhập 60 đến 70 triệu đồng/hộ, còn tổng thu nhập cả xã đã đạt khoảng bốn, năm tỷ đồng. Vụ đào năm ngoái, tổng số tiền bán đào của người dân trong xã đạt hơn sáu tỷ đồng. Nghe đồng chí Cư nói, tôi cũng "nửa tin, nửa ngờ" bởi một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, nhì thị xã Tam Ðiệp, thường xuyên phải cứu đói giáp hạt mới sau vài năm trồng đào làm sao bứt phá nhanh thế.

Chủ tịch UBND xã Ðông Sơn Phạm Xuân Tình năm nay đã gần 60 tuổi nhưng anh vẫn cho rằng, anh là lớp hậu sinh ở mảnh đất Ðông Sơn này, khi lớn lên đã thấy cây đào có mặt trên quê hương. Ngày xưa, người dân Ðông Sơn chỉ trồng một vài cây đào trước cửa để làm cảnh. Khi Tết đến thì cắt cành cắm vào lọ để trong nhà cho có không khí xuân. Cây đào mỗi ngày một to theo năm tháng thì trong làng nhà nọ xin cành nhà kia, rồi cứ lan dần ra. Mới đầu để cho và biếu tặng khách quen ở Ninh Bình, thậm chí con cháu Ðông Sơn đang công tác ở Hà Nội về quê thấy hoa đào đẹp cũng chặt một vài cành mang về phố cắm cho đỡ nhớ nhà.

Không ngờ, trên đất pha sỏi và đá chít, cây đào Ðông Sơn lại phát triển nhanh và đến năm 2006, thì đào ở đây lác đác có người tìm đến mua. Người mua một vài cành về cắm Tết, nhưng cũng có khách ở xa mua vài chục cành đem tặng bạn bè thành phố, cho nên người Ðông Sơn nắm bắt được nhu cầu thị trường bèn mở rộng diện tích lấn gần hết diện tích chè. Ðông Sơn vốn là đất của nông trường chè Mùa Thu thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, đã giải thể năm 2006. Năm 2008, khi thấy cây đào có thể giúp nông dân Ðông Sơn thoát nghèo, Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình đưa giống cây này vào diện được khuyến khích trồng và hỗ trợ 300 triệu đồng cho các hộ nghèo trồng đào ở đây. Mặc dù đó là chủ trương đúng nhưng người nghèo Ðông Sơn vẫn không mặn mà với cây đào vì loại cây này một năm chỉ thu hoạch một lần. Tiền tỉnh hỗ trợ trồng đào, họ chuyển sang trồng đỗ, lạc, khoai lang nhưng nhiều vụ mất trắng vì hạn, nghèo vẫn hoàn nghèo.

Bây giờ Ðông Sơn đã có tới 200 ha đào. Nhà nào cũng trồng đào, cả xã có hàng nghìn lao động trồng đào. Xã có 10 thôn trồng đào thì bảy thôn được tỉnh công nhận làng nghề trồng đào. Cây đào như làm bừng lên sức sống của Ðông Sơn khi mang lại thu nhập cao cho người dân. Chuyện thật ở Ðông Sơn, mà nghe xong cứ bấm bụng cười. Ðó là có ông đang ngồi hút thu‌ốc là‌o vặt, thì khách mua đào tới. Chỉ trong 10 phút, khách mua ba cây, chủ nhà thu ngay sáu triệu đồng. Ba cây đào khẳng khiu mà giá trị bằng gần tấn thóc, ai không ham. Rồi lại có anh thấy cây đào gốc to, cành cong queo như cành rào rao giá sáu triệu đồng, khách không bớt một xu rồi thuê người đánh gốc, chở ra ngoài đường thêm 1,5 triệu đồng, nhưng chỉ hai ngày sau có khách mua lại với giá 23 triệu đồng.

Người trăn trở với cây đào Ðông Sơn phải kể tới kỹ sư nông nghiệp Lê Văn Minh, Phó Trưởng phòng Kinh tế phụ trách nông nghiệp thị xã Tam Ðiệp. Năm 2008, anh Minh làm đề tài khoa học về bảo tồn cây đào Ðông Sơn với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình. Ðề tài được đánh giá là hay; một số người khuyên nên gửi lên Bộ Khoa học và Công nghệ cho xứng tầm. Chờ mãi chẳng thấy hồi âm, lại có người bắn tin nên tìm doanh nghiệp đại gia "chống lưng" mới mong kết quả. Mãi chẳng tìm được đối tác cho nên đề tài bỏ ngỏ, nhưng Minh vẫn không nản. Anh luôn bám sát sự phát triển của cây đào Ðông Sơn, tham mưu đưa kỹ thuật, tổ chức mỗi làng chọn khoảng ba hộ có kinh nghiệm trồng và chăm sóc đào để dân trong làng theo đó mà làm. Cứ như thế, xã xuất hiện nhiều mô hình trồng đào có hiệu quả và khá nhiều người trở thành "đại gia". Chẳng hạn, thôn 3 có ông Ninh Văn Tám, thôn 7 có gia đình ông Phạm Văn Mạnh, thôn 8 có nhà anh Vũ Văn Cư, thôn 9 có hộ bác Phạm Ðăng Tưởng, v.v mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng từ cây đào. Theo nhận xét của Minh, ở thôn 8, các gia đình thu nhập từ đào khá đồng đều, thôn 5 trước kia nghèo, nay nhờ có đào mà vươn lên.

Bây giờ, mỗi độ Tết đến Xuân về, Ðông Sơn cứ như có hội bởi xe từ các tỉnh về đây mua đào. Nào Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Ðịnh, Thái Bình, Hà Nam, v.v dập dìu từ đầu tháng chạp. Thậm chí, cuối tháng 11 âm lịch đã có người đánh tiếng người trồng đào bán lúa non, mua cả vườn đặt cọc rồi lấy dây buộc vào thân để đánh dấu. Nhiều gia đình không trồng đào nhưng làm dịch vụ bán đào cũng thu nhập ngang ngửa với chủ vườn, thậm chí còn nhiều hơn. Cho nên, Ðông Sơn giờ có thị trường đào Tết khá nhộn nhịp.

Từ thành công trong những năm qua, cây đào Ðông Sơn đã đi vào Nghị quyết của Ðảng bộ thị xã Tam Ðiệp trong nhiệm kỳ 2010-2015 trong chiến lược phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Ðào Ðông Sơn ngày càng được nhiều người ưa chuộng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật