Bằng lòng khác với an phận

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngồi yên ở một vị trí, bằng lòng với những gì người khác sắp xếp cho mình... phong cách sống ấy tốt hay xấu?
Bằng lòng khác với an phận
Kinh nghiệm lâu năm rất đáng quý nhưng nó phải được cập nhật, bổ sung liên tục (ảnh minh họa)

Gần đây, câu slogan của một nhãn hàng dầu gội: "Sống là không chờ đợi" phần nào nói lên được phong cách sống của những người trẻ hôm nay: năng động, sáng tạo, thích học hỏi, thích thử thách... Tuy nhiên, vẫn còn một số bạn trẻ không đồng hành với tư tưởng tiến bộ này. Họ luôn muốn ổn định công việc, cuộc sống và bằng lòng với những điều hiện có.

Một phong cách sống "Dĩ hòa vi quý"

Đi làm đã gần mười năm, chị Thu Hà vẫn ở nguyên vị trí nhân viên phòng hành chính. Năng lực tương đối khá nên có lần, chị được cơ quan cử đi học lớp nâng cao nghiệp vụ. Đúng lúc ấy, chị có thai nên suất học ấy phải dời lại.

Vừa trở lại làm việc sau thời gian nghỉ sinh, chị nhận được yêu cầu thu xếp thời gian để đi học nâng cao.

Biết mình sẽ có khả năng được sếp đề bạt lên vị trí cao hơn, nhưng chị lại từ chối vì lý do có con nhỏ. Sếp chị buộc lòng phải chọn một người khác đi thay.

Hai năm sau, cô bạn đồng nghiệp của chị trở về, đảm nhiệm ngay vị trí phó phòng. Rồi cô nhanh chóng lên chức trưởng phòng, trở thành ứng viên sáng giá cho vị trí phó giám đốc công ty. Trong lúc đó, chị Thu Hà vẫn ngồi yên chỗ cũ.

Nhiều người xì xầm, bảo chị Hà dại vì bỏ lỡ cơ hội thăng tiến. Chị đáp: "Tôi cảm thấy vui khi làm việc ở vị trí này. Càng lên cao, càng phải đối đầu nhiều sóng gió. Tôi ngại va chạm lắm. Thà cứ như thế này mà lại chắc ăn".

Trường hợp của chị Kim Chi lại khác. Chị vốn là nhân viên kinh doanh nhưng luôn bị điều động về các phòng ban khác mỗi khi cơ quan thiếu người. Vốn khá giỏi về nhiều mặt, ở phòng ban nào, chị cũng làm tốt công việc của mình.

Tuy nhiên, do bị luân chuyển hoài, chị không có tên trong danh sách thi đua của một phòng ban nào, không có vị trí ổn định, cũng không được thăng tiến. Đồng nghiệp gọi chị là "chuyên gia lưu vong", thế mà chị không hề buồn, thậm chí còn có vẻ vui.

Chị bảo: "Vì tôi không phải là người nguy hiểm trong việc cạnh tranh quyền lực với mọi người. Tôi không bị ai ghét và tôi thích như vậy".

Không hiếm người như chị Hà và chị Chi. Họ thuộc tuýp người ngại đụng chạm, không thích đua tranh, bằng lòng với những gì đang có. Khi đi làm, mục tiêu của họ là thu nhập ổn định. Dù mức lương ấy đủ hoặc chưa đủ với mong muốn của họ, họ đều chấp nhận.

Sở dĩ chị Hà không có chí tiến thủ vì sợ phải đối diện với khó khăn, thách thức trong vị trí mới. Là một nhân viên bình thường, chị cảm thấy yên tâm hơn.

Còn chị Chi, dưới sắp xếp của cấp trên, chị liên tục bị thay đổi công việc nhưng lại tỏ ra an phận. Có thể trong thâm tâm, chị còn tự hào vì đã làm được nhiều việc hơn người khác. Chị xem đó là thành công và không quan tâm đến việc ổn định tại một vị trí, làm một công việc và thăng tiến trên công việc đó.

Đứng một chỗ tức là tụt hậu và sẽ bị thay thế

Nếu bạn thuộc tuýp người chị Thu Hà hoặc chị Kim Chi, hãy nghĩ đến điều này: Trong xã hội đang thay đổi với tốc độ chóng mặt hiện nay, dừng lại một chỗ đồng nghĩa với thụt lùi.

Tuổi tác khiến kiến thức lẫn trình độ của bạn lạc hậu so với những gì giới trẻ đang thu nhận hàng ngày. Kinh nghiệm lâu năm rất đáng quý nhưng nó phải được cập nhật, bổ sung liên tục. Nếu không, bạn sẽ giống một chiếc xe máy đời cũ chạy trên đường cao tốc chỉ dành cho xe hơi.

Vì thế, hãy suy nghĩ lại nếu bạn đang làm việc với thái độ "Dĩ hòa vi quý".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật