Mức độ tín nhiệm với chính phủ ở Mỹ và châu Âu giảm mạnh

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mức độ tín nhiệm đối với chính phủ ở Mỹ và châu Âu đã giảm mạnh, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ bất đồng trong việc thông qua ngân sách ở Mỹ và phản ứng yếu kém của chính phủ đối với cuộc khủng hoảng nợ công ở một số nước châu Âu.
Mức độ tín nhiệm với chính phủ ở Mỹ và châu Âu giảm mạnh
Chỉ có 32% người dân bày tỏ tín nhiệm với chính phủ của Tổng thống Hollande.

Đây là kết quả khảo sát của Edelman, công ty chuyên về quan hệ công chúng lớn nhất thế giới của Mỹ tiến hành, được công bố ngày 20/1.

Edelman đã tiến hành khảo sát trực tuyến đối với 27.000 người tại 27 quốc gia từ 16/10-29/11/2013, trong đó tách riêng giữa kết quả khảo sát tín nhiệm của người dân nói chung và nhóm nhỏ hơn gồm các cử nhân đại học. Theo đó, chỉ có 44% trong tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học tham gia khảo sát bày tỏ sự tín nhiệm đối với chính phủ, giảm 4% so với năm 2013; trong khi tỷ lệ này vào năm 2011 là 52%.

Kết quả khảo sát của Edelman cũng cho thấy mức độ chênh lệch kỷ lục giữa tỷ lệ tín nhiệm đối với chính phủ và tín nhiệm đối với doanh nghiệp, lên tới 14%. Đây được đánh giá là biến động "sâu sắc" so với năm 2009, thời điểm mà các doanh nghiệp phải hợp tác với chính phủ để giành lại niềm tin của người dân.

Tại Mỹ, tỷ lệ tín nhiệm của người dân đối với chính phủ giảm 16% xuống còn 37%, nguyên nhân chủ yếu là do bế tắc trong việc thông qua ngân sách quốc gia tại Nghị viện, vụ bê bối nghe lén của Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), và sự cố kỹ thuật của website Chương trình chăm sóc sức khỏe của Tổng thống Barack Obama (Obamacare).

Tại Pháp, chỉ có 32% người dân bày tỏ tín nhiệm đối với chính phủ của Tổng thống Francois Hollande, giảm 17%, do kết quả yếu kém trong việc điều hành nền kinh tế.

Ông Richard Edelman, giám đốc điều hành của công ty Edelman, cảnh báo sự giảm sút tín nhiệm đối với chính phủ của người dân có thể khiến tỷ lệ ủng hộ đối với phái cực hữu tăng lên, nhất là trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra tháng 5 tới.

Đối với các doanh nghiệp, tỷ lệ tín nhiệm vẫn giữ ổn định ở mức 58%. Nhưng trong 8 nhóm được Edelman khảo sát, các quan chức chính phủ có tỷ lệ tín nhiệm thấp hơn các giám đốc điều hành, và cả hai nhóm này đều có mức tín nhiệm thấp.

Nhóm được tín nhiệm cao nhất là các nhà nghiên cứu, tiếp theo là các chuyên gia kỹ thuật và công nhân. 84% số người tham gia khảo sát cho rằng các doanh nghiệp có thể vừa theo đuổi lợi riêng trong khi vẫn tham gia đóng góp được cho xã hội.

Tuy nhiên, dư luận tiếp tục tỏ ra quan ngại đối với năng lực quản lý của các doanh nghiệp sau khi Ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JP Morgan Chase bị phạt số tiền kỷ lục lên tới 13 tỷ USD vì vi phạm các quy định kinh doanh, trong khi đó vụ phá sản lớn nhất ở khu vực châu Mỹ Latinh cũng đã xảy ra đối với Tập đoàn dầu khí của cựu tỷ phú Brazil Elke Batista.

Các nhà phân tích cho rằng, kết quả khảo sát của Edelman được công bố trước thời điểm diễn ra cuộc gặp của các chính trị gia và lãnh đạo các doanh nghiệp tại Davos, Thụy Sĩ ,cho thấy chính phủ và doanh nghiệp các nước cần phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc tìm ra giải pháp nhằm gia tăng mức tín nhiệm của người dân.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật