Những người mang lệnh tầm nã

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Với những tên tội phạm trốn truy nã, hầu hết bọn chúng đều có đủ thời gian nghĩ ra nhiều mưu kế để tạo vỏ bọc mới hoặc bỏ trốn thật xa, khiến các trinh sát như “mò kim đáy bể”.
Những người mang lệnh tầm nã
Đặng Hữu Tuấn lúc bị bắt sau 30 năm trốn truy nã (bên trái) và lúc còn trẻ, trước khi gây án

Thế nhưng, bằng nỗ lực cao độ, những năm qua lực lượng Cảnh sát truy nã (CSTN) Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt hàng trăm đối tượng về đền tội trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.

PHÚC “GA” VÀ 25 NĂM SỐNG TRONG DẰN VẶT

Cách đây 25 năm, một vụ án gây chấn động dư luận thị xã Tam Kỳ (thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, nay là thành phố, trung tâm tỉnh lị của tỉnh Quảng Nam). Một đại ca giang hồ khét tiếng có biệt danh Phúc “ga” (tên thật Nguyễn Văn Phúc, SN 1955, trú thị xã Tam Kỳ), chỉ vì mâu thuẫn nhỏ đã cầm lựu đạn ném vào đám đông khiến 15 người bị thương. Với bản tính gian manh, sau khi gây án Phúc tìm cách lẩn trốn và bị truy nã. Tuy hàng chục năm chưa lần ra tung tích kẻ phạm tội nghiêm trọng trên, nhưng lực lượng CSTN Công an tỉnh Quảng Nam vẫn không nản chí, đã lần ra manh mối, vén bức màn bí ẩn mà Phúc “ga” đã tạo cho mình hết sức hoàn hảo.


Phúc “ga” bị bắt sau 25 năm lẩn trốn

Phúc sinh ra trong một gia đình đông con, cuộc sống khó khăn, vất vả. Từng đi lính chế độ cũ, sau ngày giải phóng miền Nam (30-4-1975) Phúc theo gia đình lập nghiệp tại Đắk Nông. Cuộc sống thời ấy khó khăn, cả nhà lại kéo về quê Tam Kỳ mưu sinh. Bố mẹ làm công nhân đường sắt, còn Phúc thì lang bạt kỳ hồ nay đây mai đó, lấy các bãi vàng ở miền tây Quảng Nam làm chốn nương thân. Sa chân vào chốn ăn chơi, rượu chè cờ bạc, là tay gan lì, Phúc sớm nổi danh trong giới giang hồ ở thị xã Tam Kỳ thời bấy giờ. Phúc từng được đưa đi cải tạo sáu tháng, nhưng khi ra trại vẫn chứng nào tật đó, có khi còn hung hãn hơn.

Chiều 16-9-1988, Phúc về quê chơi, sau một chầu nhậu, khi về gần đến ga Tam Kỳ, gặp nhóm công nhân, Phúc thấy ngứa mắt nên gây hấn. Biết Phúc là dân “anh chị” nên nhóm công nhân trên cũng im cho qua chuyện. Thế mà gã chẳng tha, một mình xông vào nhóm công nhân để tỉ thí. Đường cùng, nhóm công nhân trên đánh trả, Phúc yếu thế nên nhanh chân tẩu thoát.

Tưởng đã qua chuyện, nhưng là đại ca giang hồ có máu mặt, việc “thất thủ” khiến Phúc mất mặt nên về nhà tìm hung khí để trả thù. Vừa tới nhà, gặp Phan Tiến Dũng (SN 1966, trú Bình Nguyên, Thăng Bình), người bạn thân đến chơi, Phúc đem chuyện bị “quê độ” ra kể. Sẵn máu giang hồ nên Phúc chưa kịp mở lời, Dũng đã đồng tình đi trả thù. Chúng nhớ lại, trước đây trong lần hai tên lên bãi vàng Phước Sơn có “vặt” được một quả lựu đạn giấu trong nhà, nên Phúc cầm theo trưng dụng. Dũng thì thủ cho mình một cây đao sắc lẹm. Chúng hung hăng trở lại “chiến địa”, thấy ở đó đang tụ tập đông người, không kể có nhóm công nhân trên hay không, Phúc lạnh lùng rút chốt rồi ném lựu đạn vào đoàn người đang râm ran bàn tán.

Tiếng nổ chát chúa, đoàn người la hét thất thanh chạy tán loạn. Người thì bị mù mắt, người gãy chân, gãy tay... Tổng cộng có 15 người bị thương sau tiếng nổ ấy. Nhận tin báo, cơ quan chức năng có mặt kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu, khám nghiệm hiện trường. Trung tâm y tế Tam Kỳ phải huy động toàn bộ lực lượng để cấp cứu, kêu gọi người dân hiến máu cứu người. Với sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ Tam Kỳ, tất cả 15 người đều được cứu sống, nhưng rất nhiều người bị thương tật mù mắt, cụt tay, để lại nhiều di chứng... Vụ án đã gây chấn động không chỉ tại thị xã Tam Kỳ thời bấy giờ mà nhanh chóng lan xa.

Công tác phá án lập tức triển khai nhưng kẻ thủ ác gian manh đã lẩn trốn. Ngày 18-9-1988, Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Phúc và Phan Tiến Dũng, một thời gian chưa bắt được nên phát lệnh truy nã. Ngày 17-11-1989, Dũng bị bắt theo lệnh truy nã, riêng Phúc “ga” thì cao chạy xa bay.

Hàng chục năm chưa bắt được Phúc, tuy hồ sơ vụ án giết người năm nào đã úa màu nhưng các chiến sĩ CSTN Công an tỉnh Quảng Nam vẫn không nản. Đến năm 2011, Phòng CSTN lập chuyên án tiếp tục truy tìm Phúc “ga”.

Được biết, Phúc có chín anh chị em ruột, trong đó ba người gồm anh cả và hai em gái ở Tam Kỳ thì không có liên lạc với Phúc (hai em gái mới liên lạc lại từ năm 2012, còn anh cả thì không có liên lạc), hai người chị sống ở Đồng Nai, hai người anh ở Đắk Lắk và người em trai ở Buôn Ma Thuột có giữ mối liên lạc với Phúc. Qua thời gian nhiều tháng ròng lần theo các đầu mối thông tin, tháng 6-2013 lực lượng truy nã đã xác định được nơi ở của Phúc.

Sau quá trình nắm bắt thông tin, truy tìm đối tượng, ngày 20-6-2013 Phúc “ga” tra tay vào còng sau 25 năm lẩn trốn trước sự ngỡ ngàng của bao người. Còn Phúc thì bình thản cho rằng, đó là định mệnh, cái gì đến sẽ phải đến...

Phúc kể, sau khi ném lựu đạn vào đám đông, gã đến ẩn náu tại nhà một người bạn ở Tam Kỳ. Biết ở lâu sẽ bị công an phát hiện, đêm 20-9-1988 Phúc nhảy tàu ra Huế đón xe đi đến Cửa khẩu Lao Bảo, vượt biên giới qua Lào. Tại đây, gã xin làm phụ hồ cho một chủ thầu người Việt. Có một “chiêu” Phúc áp dụng có lẽ hiếm thấy trong giới trốn nã. Đó là, lúc đang ở bên Lào, Phúc tìm cách tiếp cận với những người Việt có quê ở Quảng Nam để tung tin: “Nguyễn Văn Phúc, tức Phúc “ga” trong lần đi làm bị tai nạn rơi xuống vực sâu chết không tìm thấy xác”. Thông tin ấy cũng lan truyền về địa phương, kể cả người nhà của gã ở quê cũng... tưởng thật (?).

Làm phụ hồ nơi đất khách được bốn năm, Phúc về Việt Nam vào Sài Gòn lập nghiệp với nghề bốc vác. Do tung tin mình đã chết nên Phúc ung dung sử dụng tên xưa nay vẫn dùng. Tuy nhiên, để cố bám trụ ở đất Sài Gòn, Phúc tự răn mình phải đổi tính nết. Từ đó, Phúc trở nên đằm tính, luôn nuốt giận vào lòng.

Chính tính cách hiền lành hết sức bất ngờ của Phúc đã khiến chị Trần Thị H. (SN 1963, trú phường 3, quận 8, TP.Hồ Chí Minh) đem lòng yêu. Khi nào H. hỏi về thân phận thì Phúc cho rằng mình bị lạc mất gia đình từ nhỏ, không nhớ quê đâu, là người tứ cố vô thân nên H. không hỏi nữa, càng yêu quý hơn. Khi làm đám cưới cũng chỉ có gia đình nhà gái, còn đại diện nhà trai là những người bạn. Ba đứa con lần lượt chào đời, Phúc thấy vui và hạnh phúc, cố gắng làm lụng để nuôi con. Những lúc con hỏi về quê nội, Phúc nhói đau nhưng đành phải nói dối.

Phúc cũng rất khôn, cứ sống được vài năm lại thay đổi chỗ ở để đề phòng công an “sờ gáy”. Dù cuộc sống khó khăn chật vật nhưng vẫn êm đềm trôi qua. Cho đến một ngày, lực lượng CSTN Công an Quảng Nam “chạm mặt”, nói: “Phúc “ga” - anh đã bị bắt” khiến vợ con và xóm làng choáng váng khi biết về thân phận giang hồ, trốn nã 25 năm trời của người đàn ông được xem là điềm đạm này.

Khi tiếp xúc với Phúc “ga”, chúng tôi cảm nhận được những nỗi niềm sâu kín trong tâm trí người đàn ông từng trải. Phúc cho rằng, bản thân luôn sống trong lo âu, thắc thỏm. Nhiều lúc muốn nói ra sự thật nhưng không đủ bản lĩnh, nhất là khi đứng trước các con, sợ chúng biết sẽ đảo lộn cuộc sống, việc học hành cũng sẽ dở dang. Phúc lên quyết tâm, sau vài năm nữa sẽ nói rõ sự thật khi đứa con út học xong cấp 3, nhưng “các chú công an đã nhanh hơn tôi một bước”.

“Mà nói thế thôi chứ lúc đó tôi có dám nói hay không nữa. Nhưng có một điều, tuổi càng lớn, con người ta càng hướng về quê cha đất tổ, nhiều lúc tôi nhớ quay quắt mà đâu dám có biểu hiện gì. Có lần biết thông tin đứa em trai ở quê vào điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy, gần chỗ thuê trọ mà không dám bén mảng tới, lòng đau như đứt từng khúc ruột”, Phúc tâm sự.

Khi di lí từ TP.Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng, tuy “sốc” nặng nhưng vợ Phúc động viên chồng chấp hành án thật tốt rồi trở vào với mấy mẹ con. Sự vị tha của vợ khiến tim Phúc “ga” như thắt lại, giá như ngày xưa đừng hung hăng gieo ác thì giờ đâu gặp bão gió như thế này...

HÌNH NHƯ AI GỌI TÊN MÌNH

Ba mươi năm, khoảng thời gian quá dài của một đời người nhưng “ân oán tù tội” của Đặng Hữu Tuấn (SN 1957, quê xã Điện Nam, Điện Bàn, Quảng Nam) vẫn bị lực lượng CSTN lật tẩy mặc dầu y đã tìm mọi cách để xóa “kiếp” cũ. Thế mới thấy, lưới trời tuy thưa mà khó lọt.

Tuấn cũng có người bạn làm cùng đơn vị - Công ty quản lý đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng có tên Trịnh Văn Tuấn (SN 1960, trú Đà Nẵng). Tuấn sống tại khu tập thể của ga Nông Sơn (xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), còn Trịnh Văn Tuấn làm công nhân đi suốt ngày nên làm ngôi nhà tạm gần khu tập thể của ga này để khi về đơn vị ở tạm. Tuy bạn bè nhưng hai người đều thuộc loại nóng tính nên nhiều lúc có chút men thì chẳng ai nhường ai.

Ngày 10-8-1983, nhóm công nhân đường sắt ga Nông Sơn tổ chức ăn nhậu. Đang lúc tưng tưng, Đặng Hữu Tuấn đi tiểu ngay gần bàn nhậu, có cả chị em phụ nữ. Chỗ bạn bè nên Trịnh Văn Tuấn nín nhịn, sau khi tan tiệc về nhà mới nói lại chuyện “bất lịch sự” với Tuấn. Nghe thế mà không biết lỗi, Tuấn còn hung hăng chửi thề. Hai bên to tiếng gây ồn ào cả khu tập thể. Đã thế, những công nhân khác thấy “vui” nên kích động để hai bên xông vào đánh nhau. Có người còn ném đá vào Tuấn để chọc tức.

Từ sự mâu thuẫn đó, lòng Tuấn như lửa đốt. Y nuôi ý định phải giết cho bằng được Trịnh Văn Tuấn mới hả dạ. Biết công ty có khẩu súng AR15 để ở phòng trực nên Tuấn lấy làm hung khí để “xử” bạn. Chiều 15-8-1983, Tuấn đến phòng trực tìm lấy khẩu súng trên, anh Thịnh (bảo vệ) biết có chuyện chẳng lành nên giằng lấy súng vứt qua cửa sổ rồi ôm Tuấn lại. Trong cơn hăng máu, Tuấn thoát khỏi anh Thịnh, nhảy ra cửa sổ nhặt lấy cây súng đi tìm để “diệt” Trịnh Văn Tuấn.

Cầm khẩu súng trên tay, Tuấn xộc thẳng đến căn nhà tạm của anh Trịnh Văn Tuấn. Thấy Trịnh Văn Tuấn đang ngồi ăn cơm, Tuấn cầm báng súng giáng một phát khiến anh choáng váng tìm đường tháo chạy. Vừa chạy được vài bước, tiếng súng khét lẹt ầm vang, anh Trịnh Văn Tuấn gục ngã. Tuy được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng anh đã trút hơi thở cuối cùng.

Điều đau buồn hơn, đứa con đầu lòng của anh Trịnh Văn Tuấn mới chín tháng tuổi. Chị Nguyễn Thị Thu (SN 1960, trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) sau hơn 30 năm vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau, một mực thờ chồng nuôi con.

Ngày 1-9-1983, Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) phát lệnh truy nã toàn quốc số 180/LTN đối với Đặng Hữu Tuấn về tội giết người. Đối với Tuấn, sau khi gây án y bỏ trốn vào ấp 6, xã lộ 25, Thống Nhất, Đồng Nai. Để tạo vỏ bọc an toàn, Tuấn khai báo mất chứng minh nhân dân và đăng ký làm lại với cái tên mới Đặng Quang Tường (sinh ngày 5-11-1955), sau đó được nhập hộ khẩu. Tuấn xin làm công nhân một nhà máy thủy điện vài năm, sau về TP.Hồ Chí Minh sinh sống, biết thủ phận nên thay đổi tính nết, sống điềm đạm.

Một điều đáng nói, tuy cao chạy xa bay, sống ẩn dật nhưng Tuấn vẫn một mực yêu thương cô N.T.N ở quê nhà. Có lần Tuấn liều mình liên lạc về cho N. khiến cô thót tim. Mối tình sâu nặng của hai người đã khiến N. bất chấp tất cả để vào Nam chung sống với Tuấn mà trong gia đình không hay biết.

Từ đó, Tuấn chăm chỉ, cần cù siêng năng làm lụng tạo cho mình một cơ nghiệp khang trang, sau đó chuyển từ Đồng Nai lên Sài Gòn sinh sống. Hai vợ chồng mở quán bán cà phê, hai đứa con cũng đã vào đại học, Tuấn ao ước giá như ngày xưa mình tỉnh táo hơn thì nay đâu phải nhìn gia cảnh ấm êm của mình mà nước mắt lưng tròng.

Tuy hồ sơ vụ án này đã nhàu nát theo thời gian gần 30 năm, nhưng với quyết tâm cao độ, đầu năm 2012 Phòng CSTN công an tỉnh lên kế hoạch, lập chuyên án truy nã Đặng Hữu Tuấn. Theo các trinh sát, việc tầm nã Tuấn gặp muôn vàn khó khăn, bởi hình dáng con người thay đổi so với trong ảnh. Hơn nữa, đối tượng ma mãnh thay tên đổi họ khiến như “mò kim đáy bể”.

Khoảng 16 giờ ngày 16-1-2013, khi các trinh sát cùng công an địa phương vào nhà gọi đúng tên mình bằng giọng xứ Quảng, Tuấn ngờ ngợ người gọi tên mình, xanh mặt và nhận ra ngày trả giá đã đến...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật