Hồn thiền của họa sĩ một đời vẽ tranh lụa

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm vẫn đi lại như con thoi khắp cả nước, từ miền xuôi đến miền ngược, chỉ để vẽ trực tiếp tranh phong cảnh, hoa sen, con người của những miền đất khác nhau.
Hồn thiền của họa sĩ một đời vẽ tranh lụa
Họa sỹ Nguyễn Thị Tâm

Tranh của bà luôn tỏa lan niềm lạc quan, nét thanh cao, thuần khiết của hoa lá, cây cỏ, của thiên nhiên rộng mở, phóng khoáng và vô ưu.

Trên 55 năm tuổi nghề, ít ai có được sức sáng tạo bền bỉ như bà - hơn ngàn bức tranh lụa, sơn dầu, thủy mặc. Nhưng để nhớ chính xác là bao nhiêu bức tranh đã vẽ thì bà chịu. Chính bà đã trải qua một giai đoạn khốn khó, vất vả trong cuộc đời, làm hết sức để nuôi 5 người con khôn lớn (để rồi có 4 người theo nghiệp hội họa của cha mẹ), và chăm chồng những năm tháng cuối đời phải chạy thận…

Làm tranh còn mang một ý nghĩa để có tiền thuốc thang cho chồng, làm đến kiệt sức - điều mà không phải ai cũng biết về gia thế của bà. Nhưng chẳng những không nhắc gì đến chuyện này, bà còn luôn dí dỏm, vui vẻ, hoạt náo, dường như cả đời mình bà đã có cách thăng bằng riêng - vẽ tranh cũng chính là thiền, là thở.

Thuần khiết tranh lụa

Vẽ tranh lụa nổi danh như một cao thủ đã đành, lại còn là người bán tranh chạy nhất, có thời vẽ bao nhiêu bị “vét” bấy nhiêu với giá vài ngàn USD, vậy mà bà luôn là người khiêm nhường, cho đó là cái may trời cho.

Bà nổi tiếng là một đàn chị hết lòng giúp đỡ các họa sĩ đồng nghiệp để họ cũng có thời gian, cơ hội đi thực tế những vùng miền xa xôi, mang về những bức tranh còn nóng hổi tâm trạng, cảm xúc ở miền quê ấy, khích lệ và chia sẻ tinh thần sáng tác với họ.

Một tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Thị Tâm

Dòng tranh của bà thường hướng về phong cảnh quê hương, về sen - niềm cảm hứng bất tận, với đủ loại thể nghiệm, về thiên nhiên, về những người con gái với vẻ đẹp dân dã, trong trắng bước ra từ cổ tích.

Nét đặc biệt trong tranh lụa của bà là “loại bỏ tất cả những màu sắc không quá cần thiết, chỉ giữ lại phần cốt lõi để tạo ra một sự giản dị về hình thể và màu sắc. Màu trên vạn vật được xóa mờ đến trắng như lạc vào cõi thiền và bức tranh được tinh khiết, thanh cao trong sự bề bộn của xung quanh”.

Gặp họa sĩ Nguyễn Thị Tâm trong triển lãm “Sắc màu IV” tại TPHCM - nơi trưng bày tác phẩm của 10 họa sĩ nữ (bao gồm cả bà) đang là giảng viên đại học ở khắp cả nước. Sau, những tất bật, thanh toán hóa đơn, tranh thủ trả lời phỏng vấn... loáng một cái, đã thấy bà bình tâm bên câu chuyện về hội họa, về những đồng nghiệp trong nghề.

Hỏi bà cảm nhận về phòng tranh chung, bà thong thả: “Mỗi người có một phong cách khác nhau, nên cách cảm cũng tùy theo từng đối tượng người xem. Ai cũng có bằng cấp, cũng đi dạy đại học, là thạc sĩ mỹ thuật chứ không phải là giáo viên bình thường. Mình không dám đánh giá ai hơn ai, ai cũng có tay nghề chắc, có phương pháp sư phạm. Mỗi người một vẻ, một cá tính và tôi tìm thấy sự đồng cảm, sự thưởng ngoạn chính mình”.

Một ngày của bà tất bật từ sáng đến tối, chỉ có vài tiếng để vẽ, còn lại là lo đủ những việc linh tinh, kể cả làm từ thiện, tiếp khách, đưa đoàn họa sĩ đi thực tế…; Ở tuổi 77 như bà mà sức lực tràn trề, đi lại khắp nơi mình mẩy không đau nhức, ngược lại, tinh thần minh mẫn và sức vẽ dồi dào là điều hiếm có.

Cái đẹp để lại cho con cháu

Khi được hỏi, vì sao tranh bà hiện tại dường như có sự trẻ lại, sự tái sinh của một tâm hồn đầy năng lượng, qua cách nhìn đời thanh lọc, không ưu phiền, không nặng nề; tất cả bàng bạc, phảng phất một tình yêu thiên nhiên, con người, làng quê, một chút gì rất dân dã, rất Việt Nam…, bà cười nhẹ: “Chuyện này dài lắm. Nói vắn tắt, có một sự kiện làm tôi suy nghĩ cả đời. Tôi cùng nhóm bạn họa sĩ hay về quê ở ven Sài Gòn, có dịp tiếp xúc với các ông bà già. Mặc chúng tôi đùa giỡn, trêu vui, các cụ chỉ nhìn chúng tôi cười, rồi hỏi những câu hóm hỉnh.

Tôi nhận ra những người già ít nói, sống một đời sống rất giản dị, không câu nệ, không rầy rà, không lo lắng. Tôi đem thắc mắc từ nhỏ đến lớn ra hỏi, mới hay với họ, im lặng là vàng. Và từ đó, tôi muốn tranh mình vẽ cũng đạt được đến suy nghĩ rất đẹp vậy của những người đời xưa. Tôi muốn tranh của mình đẹp từ bố cục, đến tư tưởng.

Đời sinh ra mình không đẹp, thì mình phải đẹp trong tâm hồn và chính nhờ nghệ thuật, tôi tôi luyện cho mình được vẻ đẹp ấy. Đó là tinh thần của các cụ già: Tha thứ, vị tha, vì người khác. Thay vì mình nói, mình rầy rà, thì mình sẽ làm như các cụ, sẽ thông cảm, chia sẻ, tha thứ những gì tuổi trẻ mắc phải, hay lỡ xúc phạm mình… Bắt chước người xưa để nhẹ nhàng kiếp sống, được thế thì mình vô ưu.”

Tranh đèm đẹp thì người ta dễ chán, nhưng tranh vô ưu thì ai cũng thích treo trong nhà. Đúc rút kinh nghiệm sống và vẽ, bà tâm sự: “Tất cả những gì tham sân si, mình đều từ bỏ. Chính vì thế, tranh của tôi rất giản dị, dễ hiểu. Là chính mình. Mình phải sống đẹp với mình. Không bắt bí trong tranh, không chơi trừu tượng. Bộc lộ ra những gì mình cảm, để khi những ai đến xem tranh của tôi, họ sẽ đồng ý là quê hương tôi rất đẹp, con người, thành phố của tôi - tất cả đều là nhân chứng của thời tôi đang sống, chứ tôi không bóp méo sự thật. Tôi vẽ những gì mình cho là đẹp, để quên đi những buồn phiền, lo âu, thắc thỏm.

Đó cũng là bí quyết sống, bí quyết vẽ tranh của tôi. Dĩ nhiên, cuộc đời này có những cái đẹp và chưa đẹp. Cái chưa đẹp người ta tự điều chỉnh, mình chỉ giữ cái đẹp, để con cháu mình về sau sẽ nhìn ra những điều đó để đánh giá ông, bà của chúng. Chúng lần theo cái đẹp mà đi lên, chứ không phải nhìn thấy một xã hội chỉ toàn tham nhũng, đâm chém, trộm cướp, bất an… Để lại cái đẹp cho đời sau đó, chính là sứ mệnh của họa sĩ”.

Cho đến nay, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm đã có khoảng 22 cuộc triển lãm về tranh lụa cá nhân ở nước ngoài như: Pháp, Đức, Mỹ, Thụy Sĩ, Thái Lan, Bỉ, Trung Quốc, Campuchia, gần 100 cuộc triển lãm cá nhân và tập thể ở trong nước. Hiện tại, tranh của bà được lưu giữ ở nhiều nơi như: Bảo tàng Vatican (Italia), Bảo tàng Mỹ thuật Việt nam, Bảo tàng Hội An, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Ngoài ra, bà còn được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đề xuất kỷ lục là người vẽ tranh lụa nhiều nhất.

Trong tranh có đạo

Những ai đã nhìn thấy tranh phong cảnh của họa sĩ, hay tranh vẽ sen, đều như cảm thấy có gì chạm được vào tim họ. Chính bà đã thổi vào những bức tranh về sen chút thanh tao, bí ẩn, chút dát vàng kiêu sa.

Vẽ tranh sen, bà theo phương pháp tối giản, loại đi những màu sắc, đường nét không cần thiết, thậm chí vẽ trên nền lụa trắng. Sở dĩ như vậy, vì theo bà, sen tượng trưng cho sự luân hồi: Sinh, lão, bệnh, tử, như chính đời người.

Tại sao sen có ở nhiều nước trên thế giới, mà ở VN vẫn cứ lan tỏa, có nét riêng, tại sao không phải là loài hoa khác? Và bà đã tìm thấy câu trả lời: Sen cũng như triết lý đạo Phật. Triết lý đó phải để người ta nương theo, phải thấy nó đẹp. Gần bùn mà tỏa hương thơm, nhị sen không có sâu, còn nơi nào có sen thì nước bớt đục.

“Liệu khi tối giản hóa nét vẽ hoa sen, thì sẽ có những bức đạt được ý tưởng, nhưng cũng có những bức sẽ hơi bị cứng?”. “Cái đó tùy theo cách cảm của mỗi người. Có những người tìm thấy sự đồng cảm ở tranh tôi, chính vì thế mà họ mua tranh”.

Một đời vẽ tranh quê hương, liệu bà có buồn chán? Câu trả lời là không. “Tôi vẽ cho đến hơi thở cuối cùng. Cả đời tôi dành cho vẽ”. Còn vì sao người ta thích mua tranh phong cảnh của Nguyễn Thị Tâm? Vì bà đã tìm thấy sự đồng cảm về quê hương của họ, nỗi nhớ quê của họ trong tranh mình, để họ nhìn thấy chính đó là quê hương của họ.

Tranh của bà đánh thức những gì đẹp nhất đang ngủ trong một con người, hướng về cái thiện, sự bao dung, lòng vị tha… Trong đó có đạo, theo nghĩa đạo chung. Không phân biệt đạo Phật hay đạo Thiên chúa.

Ngoài vẽ - đam mê lớn nhất, họa sĩ Nguyễn Thị Tâm còn mê làm từ thiện, bán tranh gây quỹ cứu trợ đồng bào lũ lụt, giúp đỡ trẻ em tàn tật, nạn nhân nhiễm chất độc da cam... Với bà một cuộc đời phóng khoáng, cho đi, không mong nhận lại, nên có khi bà bán được tranh với giá rất cao, có khi lại chỉ biếu không. Người ta nhìn thấy một tâm hồn thiền sư trong tranh của bà.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật