Oằn vai hạt gạo!

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Có nông dân ở Nghệ An tự đứng ra thu gom lúa giúp bà con bằng giá sàn 5.500 đồng/kg để bán cho đơn vị thu mua tạm trữ, nhưng không bán được, còn khi thương lái đến bán với giá 5.200 đồng/kg thì bán được ngay. Doanh nghiệp xuất khẩu chỉ “chơi“ với thương lái.
Oằn vai hạt gạo!
Ảnh minh họa

Đáng lý khi giá gạo tăng cao thì người nông dân phải được hưởng lợi nhiều, thế nhưng báo cáo của viện Nghiên cứu chính sách và phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) lại chỉ ra nghịch lý là dù gạo xuất khẩu tăng giá kỷ lục cũng chỉ đem lại siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp xuất khẩu, còn hàng triệu người trồng lúa vẫn chẳng được thêm đồng nào.

Ông Nguyễn Công Thắng, trưởng nhóm nghiên cứu báo cáo Ipsard dẫn chứng, có trường hợp có nông dân ở Nghệ An tự đứng ra thu gom lúa giúp bà con bằng giá sàn 5.500 đồng/kg để bán cho đơn vị thu mua tạm trữ, nhưng không bán được, còn khi thương lái đến bán với giá 5.200 đồng/kg thì bán được ngay.

Do đó, cần tăng tính minh bạch trong xuất khẩu gạo, trong đó giá thu mua nên được thống nhất giữa nông dân và doanh nghiệp từ đầu vụ. Giá sàn cần tính đủ chi phí sản xuất, phương pháp tính giá sàn cần phản ánh sự biến động giá đầu vào và sự khác biệt giữa các địa bàn. Chính phủ cần quy hoạch tổng thể ngành gạo, với 2 mục tiêu chính sách khác nhau, nhưng bổ sung cho nhau: sản xuất quy mô lớn và sản xuất quy mô nhỏ để tự tiêu thụ hoặc bán tại địa phương.

Theo GS. Võ Tòng Xuân, trong chuỗi lợi nhuận từ sản xuất lúa gạo, ngoảnh đi ngoảnh lại cũng chỉ thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu chỉ "chơi" với thương lái. Nông dân hưởng lợi ít nhất thì đã rõ, nhưng phải tách rõ các khâu ra mới thấy ai được hưởng lợi nhiều nhất.

Thế nhưng khi giá gạo trên thị trường thế giới giảm hoặc do tác động từ chính sách tạm ngừng xuất khẩu lại kéo giá bán lúa của nông dân xuống thấp, thậm chí thấp hơn giá thành sản xuất. Điển hình là cuối năm 2007 đầu 2008, khi có chính sách tạm ngưng xuất khẩu, giá lúa trong nước gặp thảm họa với mức 10.000 đồng/3kg; trong khi năm 2008 doanh nghiệp xuất khẩu lại có lợi nhuận cao nhất.

Năm 2012, xuất khẩu gạo đã đạt mức kỷ lục với 8 triệu tấn gạo và thu về 3,67 tỷ USD, nhưng người nông dân vẫn không được hưởng lợi từ thành quả này.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân nhưng lợi ích cuối cùng vẫn chưa đến tay nông dân, dẫn đến tình trạng nông dân bỏ ruộng.

Đánh giá sự cần thiết của thương lái, nhưng vị chuyên gia này cũng cho rằng do thị trường có sự cạnh tranh nên có độ vênh giữa thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu, khiến khoảng cách giữa nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu ngày càng tăng.

Nghịch lý người trồng lúa chi phí nhiều nhất nhưng được hưởng lợi ít nhất cũng xuất phát từ  những bất hợp lý từ chính sách can thiệp đến xuất khẩu và điều tiết thị trường. Cụ thể, quy định về giá lúa định hướng (giá sàn) theo Nghị định số 109/2010/NĐ-CP, được các địa phương công bố giá thành sản xuất lúa từ đầu vụ nhằm áp dụng cho các doanh nghiệp. Thế nhưng, doanh nghiệp xuất khẩu thường không thu mua trực tiếp từ nông dân mà mua qua thương lái, nên họ cũng không quan tâm đến giá thương lái mua từ nông dân.

Hoặc chủ trương thu mua lúa tạm trữ cũng là nhằm nâng giá trị sản xuất, đảm bảo  mức lợi nhuận từ 30% cho người trồng lúa. Tuy nhiên, việc thực hiện thu mua tạm trữ lại thông qua việc hộ trợ vốn không lãi suất 3-4 tháng cho doanh nghiệp xuất khẩu, trong khi thiếu cơ chế giám sát và đánh giá kết quả, nên cũng không mang lại lợi ích cho nông dân.

“Cần có quyết tâm chính trị thực hiện theo nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, khống chế doanh nghiệp xuất khẩu, Hiệp hội lương thực VN, thương lái, không để họ có quyền lực quá nhiều khiến triệt tiêu doanh nghiệp tư nhân. Nếu để vài chục ngàn thương lái phát triển, doanh nghiệp xuất khẩu chỉ chơi với thương lái thì nông dân không ngóc đầu lên được”, GS. Võ Tòng Xuân nói.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, cần thành lập Ban Điều hành lúa gạo với sự tham gia của doanh nghiệp xuất khẩu, thương lái, nông dân (giống như Ban Điều hành cà phê). Ban này chịu trách nhiệm dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, quy hoạch vùng trồng lúa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật