Mầm bệnh lây lan khi phải gánh DN nhà nước thua lỗ

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chủ trương chuyển giao doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang sống dở chết dở từ các tập đoàn kinh tế này sang tập đoàn kinh tế khác đang là cơ hội để các “mầm bệnh“ lây lan.
Mầm bệnh lây lan khi phải gánh DN nhà nước thua lỗ
Các DN của Vinashin sẽ được chuyển giao sang SCIC và DATC để tái cơ cấu.

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đang lo ngại như vậy và cho rằng biện pháp này đang khiến bệnh lây nhanh, mạnh hơn chứ không phải chữa trị.

Chuyển khó khăn từ chỗ này sang chỗ khác

"Chuyển giao này thực chất là chuyển khó khăn từ tập đoàn kinh tế nhà nước này sang tập đoàn kinh tế nhà nước khác. Đó là một hình thức chủ động làm lây bệnh", ông Trần Tiến Cường, nguyên chuyên gia của viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận xét.

Báo cáo của CIEM cho biết, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) đã bàn giao sang Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) 7 công ty con, 23 công ty cháu, và 5 dự án.

Chẳng hạn, Vinalines nhận chuyển giao khu công nghiệp (KCN) Cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh), Cảng Vinashin Đình Vũ (Hải Phòng), KCN và Nhà máy đóng tàu Hậu Giang,...

PVN nhận chuyển giao các dự án KCN Tàu thủy Lai Vu (Hải Dương), KCN Tàu thủ Nghi Sơn (Thanh Hoá), KCN Tàu thuỷ Soài Rạp (Tiền Giang).

Báo cáo của CIEM nhận xét, do phải thực hiện chuyển giao "nguyên trạng", khi hầu hết các doanh nghiệp bị chuyển giao có tình hình tài chính mất cân đối nghiêm trọng, nên cả PVN và Vinalines phải giải quyết rất nhiều gánh nặng tài chính này.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp bị chuyển giao đang làm chủ nhiều dự án dở dang, nên việc xác định giá trị các dự án này rất khó khăn.

Bên cạnh đó, việc chuyển giao các doanh nghiệp này là các quyết định hành chính, gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận.

Báo cáo cho biết, các khoản nợ và các dự án dang dở của Vinashin chuyển giao sang cho PVN và Vinalines là rất lớn, nhưng lại chưa có hồ sơ đầy đủ.

Báo cáo cũng ghi nhận, thương vụ chuyển giao EVN Telecom thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) sang Viettel, doanh nghiệp sau đó đã phải đau đầu xử lý các vấn đề nợ, nhân sự, hợp đồng cũ, và khối tài sản lớn đã đầu tư không sử dụng được.

Ông Cường nói: "Hơn nữa, việc chuyển giao các doanh nghiệp phản ánh rõ tư duy can thiệp hành chính, phi thị trưởng của nhà nước... Nó không tạo ra sức ép và động lực cần thiết để đổi mới doanh nghiệp".

Chỉ nên áp dụng với doanh nghiệp đặc thù

Cho đến nay, ngay cả trường hợp Vinashin cho thấy, việc lựa chọn chiến lược tái cấu trúc mà không đúng, càng kéo dài thời gian thì càng gây ra khó khăn và tổn thất không cần thiết. Lần nữa lại gióng lên hồi chuông là chúng ta cần quyết liệt và khẩn trương trong công việc này.

Trước đó ông Võ Trí Thành Phó viện trưởng viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương khi nói về việc chuyển đổi này cho rằng, về Tổng công ty thì xử lý tốt hơn được hai vấn đề: một là năng lực quản trị phù hợp với quá trình chuyển đổi, hai là việc chuyển đổi cũng tạo những điều kiện thuận lợi nhất định trong tái cơ cấu lại tài chính nợ của Vinashin, nhưng quan trọng hơn là câu chuyện đằng sau.

Cho đến nay cách làm cơ bản tái cấu trúc các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước là thực hiện từ dưới lên, trên cơ sở khung chỉ dẫn chung của Bộ Tài chính.

“Theo tôi thì đến năm 2020, số doanh nghiệp hay tập đoàn Nhà nước mà 100% vốn của nhà nước sẽ còn rất ít, trước mắt phải tập trung vào tái cấu trúc nó. Vì để càng lâu thì khó khăn, chi phí càng lớn, ngay cả với tập đoàn hay tổng công ty nhà nước hiện nay tạm gọi là ăn nên làm ra thì chúng ta vẫn cần nhìn nhận lại.

Từ quan niệm sự can thiệp của Nhà nước, chúng ta phải nhớ rằng kể cả những doanh nghiệp làm ăn có lãi thì lãi ấy có phải là xứng đáng trong môi trường cạnh tranh và sẽ tốt hơn nữa khi ở trong môi trường cạnh tranh. Vậy nó quay lại vấn đề rất căn cơ của Nhà nước và vai trò Nhà nước.

Tất nhiên đối với Việt Nam trong bối cảnh chính trị hiện nay, những doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực an ninh quốc phòng thì có lẽ trong thời gian khá dài trước mắt Nhà nước vẫn cần nắm giữ 100%”, ông Thành nói.

Đấy là quan điểm mà tôi nghĩ trong chừng mực nhất định đã được thể hiện trong ý đồ tái cơ cấu, tái cấu trúc trong tập đoàn doanh nghiệp nhà nước lần này, nó lớn hơn câu chuyện từng tập đoàn, từng doanh nghiệp thu nhỏ cố gắng vượt qua khó khăn trước mắt.

Trong khi đó, ông Lê Viết Thái, thuộc CIEM nhận xét, khung Pháp Luật của việc chuyển giao các doanh nghiệp nhà nước với nhau là chưa hề có.

Ông Thái cho rằng, việc chuyển giao các doanh nghiệp giữa các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chỉ nên áp dụng đối với một số trường hợp đặc thù liên quan đến bí mật ngành, bí mật quốc gia, an ninh quốc phòng, hoặc có ảnh hưởng lớn đến xã hội. Còn các trường hợp khác nên chuyển nhượng dự án, hoặc bán công khai.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật