Mỹ mất 24 tỷ USD vì Chính phủ đóng cửa

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nền kinh tế số một thế giới vừa thoát nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử và chấm dứt 16 ngày Chính phủ đóng cửa. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Standard và Poor’s, trong hơn hai tuần qua, GDP Mỹ bốc hơi 24 tỷ USD.
Mỹ mất 24 tỷ USD vì Chính phủ đóng cửa
Hàng loạt công viên quốc gia đóng cửa đã gây thiệt hại cho ngành du lịch Mỹ.

Hãng đánh giá tín nhiệm dự đoán Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 2,4% trong quý IV, thấp hơn dự đoán trước khi Chính phủ đóng cửa là 3%. "Nếu tính trên quy mô nền kinh tế, con số này là khá nhỏ. Tuy nhiên, vì nó xảy ra ngay lập tức, rất nhanh và không được dự đoán trước. thiệt hại này vẫn có tác động tiêu cực. Chúng ta có thể chấp nhận nó, nhưng không tránh khỏi bị tổn thương", Beth Ann Bovino – kinh tế trưởng tại S&P cho biết.

Hàng trăm nghìn nhân viên liên bang đã bị mất việc tạm thời vì Chính phủ đóng cửa. Nhưng đó chỉ là một trong rất nhiều tác động lan tỏa mà lần đóng cửa đầu tiên trong hai thập kỷ này mang lại, CNN cho biết.

Các nhà thầu liên bang đã phải sa thải hàng nghìn nhân viên vì không có ngân sách. Những doanh nghiệp nhỏ có hợp đồng với Chính phủ phải ngừng hoạt động và đi vay. Các công viên quốc gia đóng cửa ảnh hưởng đến doanh thu ngành du lịch. Gia đình các quân nhân bị ngưng nhiều khoản hỗ trợ. Người tiêu dùng cũng cảm thấy lo sợ, nhất là về trần nợ, và bắt đầu thắt chặt hầu bao.

Theo thông báo hôm 6/10, các công chức sẽ vẫn nhận được lương cho thời gian Chính phủ không hoạt động. Tuy nhiên, theo Bovino, khi thỏa thuận của Quốc hội chỉ đảm bảo cấp vốn cho Chính phủ đến ngày 15/1, rất nhiều công chức và nhà thầu cũng sẽ tiếp tục thắt chặt chi tiêu, kể cả trong mùa mua sắm kỳ nghỉ lễ cuối năm.

"Việc này sẽ khiến người dân thận trọng hơn trong chi tiêu, đặc biệt là công chức và các nhà thầu. Chúng ta có lẽ sẽ đón một kỳ nghỉ lễ rất ảm đạm", bà cho biết.

Nâng trần nợ cũng chỉ là thỏa thuận trong ngắn hạn. Việc này có nghĩa các bất ổn trong nền kinh tế sẽ vẫn tồn tại, ảnh hưởng đến niềm tin người tiêu dùng và làm chậm nhu cầu tuyển dụng mới, Mark Zandi - kinh tế trưởng tại Moody's Analytics cho biết.

Zandi cho rằng cuộc chiến của các chính trị gia là nguyên nhân lớn kìm hãm quá trình phục hồi kinh tế của Mỹ. "Đây đúng là tảng đá đè lên nền kinh tế. Nếu chúng ta bị kéo lùi, chi phí sẽ ngày càng đội lên", ông nhận định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật