“Gà trống” nuôi nhau

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ ngã ba Rạch Bần, cùng với chị Lê Tuyết Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Phong Lạc, chúng tôi lên đò đi thăm gia đình anh Nguyễn Văn Kiệt (ấp Tân Thành, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), người đã “làm tay, làm mắt” cho người em trai xấu số suốt bao năm ròng…
“Gà trống” nuôi nhau
Anh Nguyễn Văn Kiệt đang chăm sóc em trai. Anh Quân giờ đã biết trao đổi thông tin với anh bằng ánh mắt.

HOẠ VÔ ĐƠN CHÍ

Anh lái đò thấy có “người thành phố” nên hào hứng bắt chuyện, nhưng nghe “điểm đến” của chúng tôi, anh bỗng ngậm ngùi: “Tuyến đò này xưa anh Quân - em trai anh Kiệt chạy, ảnh nằm xuống mới tới lượt tôi. Giờ đi đò ghe nguy hiểm cứ như đi xe máy trên đường vậy. Cứ hai ba ngày là nghe có người bị tai nạn. Vụ tai nạn nặng nhất và khốn khổ nhất có lẽ là vụ của anh Quân…”.

Chiều ập xuống vội vàng, chiếc đò dừng ở mép sông, ngước lên, chúng tôi thấy cái chòi lá chừng 10m2 liêu xiêu như sắp sụp. Những cán bộ ấp và bà con lối xóm nghe có nhà báo về thăm anh Kiệt đã rủ nhau để gặp mặt. Theo lời kể của bà con, vợ mất sớm, ông Nguyễn Văn Muôn một mình tảo tần nuôi bốn người con trai trưởng thành; cả bốn đều chăm chỉ làm lụng nhưng không ai thoát khỏi cảnh nghèo.

Rồi bốn người con của ông Muôn lần lượt lập gia đình, hai người rời quê, đưa vợ con về H.Phú Tân làm thuê. Riêng anh Nguyễn Văn Kiệt, người con thứ ba của ông Muôn thấy cuộc sống ở vùng sông nước tù túng, đã đưa vợ con lên tận TP.HCM sống. Anh nói: “Tôi cũng đi làm thuê thôi, nhưng trên đó cuộc sống dễ thở hơn ở dưới này. Cuộc sống ở đây cơ cực quá, chỉ có cái nền nhà với hai công ruộng, thằng út Quân đã lập gia đình, nếu tôi ở lại em tôi khó xử…”.

Hàng chục năm ở đất khách quê người, các anh trai vẫn rất yên lòng bởi ở nhà có em út Nguyễn Văn Quân chăm sóc cho cha, hương khói cho mẹ. Anh Quân hiền lành, hiếu thảo, quanh năm quẩn quanh sông nước bằng nghề lái đò. Tiền không nhiều nhưng nhờ anh siêng năng nên căn nhà nhỏ lúc nào cũng sạch sẽ, tinh tươm. Bà con lối xóm nhớ rõ thời còn khỏe, năm nào trước mùa mưa, anh Quân cũng chằm thêm mái lá, bồi nền đất mới cho căn nhà. Ai đi ngang hỏi thăm, anh Quân hồ hởi giải thích: “Tôi ráng làm một chút, để cha già, con nhỏ có chỗ ở cao ráo, tránh nắng mưa”. Những lúc rảnh, Quân còn tranh thủ đi thả lưới, cắm câu, kiếm thêm cá tôm cho vợ chạy chợ. Cuộc sống cả nhà trông cậy vào nghề lái đò của Quân, cái nghề định mệnh giúp anh gánh vác gia đình, nhưng cũng đã cướp đi của anh tất cả.

Mùng Hai Tết năm 2007, trong chuyến đưa khách vui Xuân từ Phú Tân về Phong Lạc, anh Quân bị tai nạn đường thủy chấn thương sọ não, hôn mê gần tháng trời. Người vợ trẻ hay tin chồng mất hơn nửa hộp sọ, ngã quỵ. Nhưng, ôm hai con thơ lên bệnh viện nuôi chồng được non một tháng, chị lặng lẽ bỏ đi…

Ở tuổi 65, ông Muôn gượng qua cơn tai biến để nuôi con. Ba người con lớn ở xa, thỉnh thoảng gửi tiền về để cha lo thang thuốc cho em. 5 năm gồng gánh, cuối năm 2011, ông Muôn bị thêm một lần tai biến. Biết không thể trông chờ sự hồi phục của cha, anh Kiệt từ Sài Gòn quay về…

Mỗi ngày, dù bận mấy, anh Kiệt cũng tranh thủ xoa nắn tay chân cho cha

GIỮ NẾP YÊU THƯƠNG

Chuyện anh em Quân - Kiệt, nghe đến đâu xót lòng đến đó. Có những ngày anh Kiệt phải nhịn ăn, nhường cháo cho em trai và cha nên đi làm mướn giữa chừng, Kiệt đói lả phải hái đọt nhãn lồng, lục bình ăn qua cơn. Lại có những ngày không còn tiền đổ dầu chạy đò, anh Kiệt phải chèo tay mấy chục cây số đường sông đưa cha hoặc em trai đi tái khám. Nhờ sự chăm sóc của anh, từ một người vô ý thức, giờ anh Quân đã biết ngóng tiếng chân anh trai về, biết ngước nhìn anh để ra dấu bằng ánh mắt. Còn ông Muôn, cũng nhờ bàn tay xoa bóp của con trai, từ nằm liệt một chỗ, nửa năm nay ông đã tự ngồi dậy được để ngó chừng Quân cho Kiệt đi làm. Dù căn nhà nhỏ xíu và chỉ có ba người đàn ông nhưng ngày nào khói bếp cũng tỏa ra hai ba bận; dù Quân nằm mấy năm trời, vệ sinh tại chỗ nhưng trong nhà không mùi xú uế, muỗi mòng…

Anh Kiệt nghe hàng xóm kể chuyện mình mà nước mắt như chực rơi theo. Lau mồi hôi trán, anh nói như phân bua: “Thì anh em mà, tôi không lo cho nó coi sao đặng…”.

Anh kể: “Hồi nhận hung tin của em, tôi từ TP.HCM đón xe về thẳng bệnh viện tỉnh. Thấy Quân nằm mà tôi không sao tin nổi đó là em mình. Trước kia, Quân cao to nhất nhà, giờ dúm dó như tấm giẻ, oặt qua, oặt lại. Càng đau lòng hơn khi chứng kiến cảnh cha tôi, người vừa qua cơn tai biến được một năm, tay chân còn dặt dẹo, thụt thò bồng bế, lau rửa cho con trai út. Tôi coi lại cái túi mình mang về, chỉ vỏn vẹn hai triệu đồng và vài hộp sữa. Đó là tất cả những gì có thể gom góp trong nhà mà vợ tôi nhét hết cho tôi đem về. Tôi rơi nước mắt, thương cha, thương em đứt ruột. Nhưng ngay sau đó, tôi phải trở lên Sài Gòn, tiếp tục đi phụ hồ, gom tiền gửi cho cha lo thuốc cho em”. Hai người anh ở Phú Tân cũng đau đớn như Kiệt, nhưng hai anh còn nghèo hơn, chỉ về thăm cha và em đôi lần. Anh Kiệt nói: “Mấy anh em ráng hết sức, nhưng làm mướn, công việc cũng chỉ có bấy nhiêu, nói ráng thì cũng chỉ kiếm thêm được vài trăm ngàn mỗi tháng, có thấm vào đâu. Cách đây ba năm, nhà sập, ba anh em về nhìn cảnh nhà mà nghẹn ngào nhưng không sao kiếm ra tiền dựng lại căn nhà cũ, đành tận dụng cây cũ, lá cũ che lại cái chái bếp cho cha và em có chỗ ở. Người anh của tôi nghĩ ra cách đóng vạt, đào mương cho Quân nằm để tiện việc vệ sinh. Phụ cha chỉ chừng ấy, chúng tôi lại phải bỏ đi kiếm tiền. Dù lòng áy náy, lo lắng không yên…”.

Ông Muôn đổ bệnh. Vợ anh Kiệt khuyên chồng về quê chăm cha, để chị ở lại TP.HCM kiếm tiền lo cho các con. Không còn lựa chọn nào khác, anh Kiệt trở về làm cánh tay cho cha, làm bảo mẫu cho em. Ngày ngày, bà con chòm xóm lại thấy Kiệt vác cuốc đào mương, hoặc đi làm cỏ mướn. Được đồng nào, anh đổ hết vô thuốc men, cơm cháo, ba cha con đắp đổi qua ngày. Khổ nỗi, đâu phải ngày nào cũng có việc làm.

Bà con chung quanh ai cũng cám cảnh gia đình anh, nhưng không ai đủ sức đùm bọc, chỉ giúp đỡ bằng cách chạy qua chạy lại ngó chừng phụ những lúc anh Kiệt đi làm vắng nhà. Nhìn căn nhà 10m2 xiêu vẹo ấy, nhìn hai người đàn ông nằm vật vạ và một người đang gắng gượng vắt sức để đùm bọc, không ai cầm được nước mắt.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật