Thái Bình: Mong mỏi về một ngôi trường mầm non đạt chuẩn

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những căn nhà cấp 4 xập xệ, ngày nắng thì nóng, ngày mưa thì dột, cô và trò lấy chậu hứng nước, phải đi vài km đến điểm trường chính mang cơm về cho trẻ ăn… Đây là thực tế đang diễn ra tại các trường mầm non xã Đoan Hùng (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).
Thái Bình: Mong mỏi về một ngôi trường mầm non đạt chuẩn
Ảnh minh họa

Nhiều năm nay, con đường đến với con chữ của trẻ em nơi đây vẫn còn lắm gian nan.

Xã Đoan Hùng có 5 điểm trường đặt tại các thôn của xã, trong đó có 1 điểm trường mầm non chính và 4 điểm trường phụ, gồm 14 phòng học phục vụ hơn 400 trẻ mẫu giáo. Tuy nhiên cả 5 ngôi trường này đều được xây dựng từ những năm 70, hiện xuống cấp nghiêm trọng.

Trường mầm non Vũ Thị Thục (thôn Đôn Nông, xã Đoan Hùng) được coi là điểm trường khang trang hơn cả song cũng chỉ có 3 dãy nhà cấp 4 thô sơ được lợp prôximăng. Nơi học tập của trẻ gồm 3 phòng nhỏ, mỗi phòng rộng chừng 20m­­­­­ 2 . Đây đều là những phòng “ba trong một”: phòng học, phòng ăn và cũng là phòng ngủ của hơn 30 cháu. Ngay cạnh phòng học là bếp nấu ăn của trường, 2 phòng cũ kỹ là khu sơ chế thức ăn và khu bảo quản thực phẩm. Căn phòng xập xệ, vốn là nhà để xe cũ hiện là nơi để chiếu, chăn gối cho trẻ bán trú nghỉ trưa tại điểm trường này, tất cả được chất đống đựng trong những bao tải. Tại một điểm trường chính với hơn 100 người lớn và trẻ nhỏ, nhưng chỉ có 1 khu vệ sinh chung cho cả học sinh và giáo viên được xây dựng tạm bợ ngay sát phòng học. Vì vậy, cả khi ăn hay ngủ, cô và trò trường Vũ Thị Thục luôn phải chịu mùi hôi thối nồng nặc từ khu vệ sinh này.

Cô Nguyễn Thị Mến - Hiệu trưởng trường mầm non Vũ Thị Thục chia sẻ: Đã nhiều năm nay, cô và trò xã Đoan Hùng dạy và học trong điều kiện thiếu thốn đủ bề. Xã chỉ có duy nhất điểm trường chính (đặt tại thôn Đôn Nông) là nơi có bếp nấu và cung cấp cơm cho các điểm trường phụ nên ngày nắng cũng như ngày mưa, các cô ở điểm trường phụ phải đi từ 2 đến 3 km lên khu chính lấy cơm cho các cháu. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng gặp nhiều khó khăn. Cô Mến cho biết thêm, Ban Giám hiệu nhà trường đã nhiều lần gửi kiến nghị lên UBND xã Đoan Hùng đề nghị xây trường mới, tuy nhiên đã nhiều năm trôi qua mà vẫn chưa được giải quyết.

Không chỉ riêng điểm trường mầm non Vũ Thị Thục, điểm trường phụ ở thôn Tiên La cũng chung cảnh ngộ. Ngôi trường này cách điểm trường chính khoảng 3 km và xuống cấp nhất trong xã. Biển hiệu đã bong tróc hết, nếu không để ý dễ lầm tưởng đây là căn nhà bỏ hoang. Tại điểm trường có 3 phòng học, lớp học của các cháu 3 tuổi chỉ rộng chừng 20m 2 mà có tới 38 cháu, căn phòng chật chội, đặc mùi ẩm mốc khó chịu, lớp vôi tường bong từng mảng. Phòng học kiêm phòng ăn, phòng ngủ. Sau khi các cháu ăn xong, các cô phải lau nền nhà, kê sập cho các cháu ngủ trưa. Buổi chiều lại thu dọn và kê bàn ghế cho các cháu học. Không được may mắn như nhiều nơi khác, đồ chơi, dụng cụ học tập của trẻ nơi đây cũng rất thiếu thốn, nghèo nàn, chỉ có mấy bộ tranh ảnh, vài chiếc ô tô đồ chơi, vài bộ xếp hình.

Cô Trần Thị Danh - phụ trách lớp 3 tuổi đã có 18 năm gắn bó công tác tại điểm trường phụ thôn Tiên La cho biết: Trường được xây dựng những năm 70. Trước mỗi năm học mới, nhà trường đều tu sửa nhưng do quá cũ nên việc tu sửa cũng chỉ như “muối bỏ bể”, dột vẫn hoàn dột... Mong mỏi lớn nhất của cả cô, trò và các phụ huynh nơi đây là được các cấp chính quyền quan tâm xây dựng trường để có thể yên tâm giảng dạy và học tập.

Những mong mỏi này được ông Nguyễn Ngọc Khuể - Chủ tịch UBND xã Đoan Hùng giải đáp, UBND xã có chủ trương xây dựng trường mầm non tại khu trung tâm xã với diện tích, sân chơi đạt chuẩn cho các cháu nhưng khó khăn nhất hiện nay vẫn là thiếu vốn nên chưa bắt tay vào xây dựng được ngay. Địa phương cũng đang cố gắng để có thể triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật