Hệ thống biển báo tốc độ đang “bẫy” người dân?

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những chiếc biển báo giới hạn tốc độ được dựng trên các tuyến quốc lộ nhằm hướng dẫn giao thông theo Quyết định 05/2007/QĐ-BGTVT ngày 2/2/2007 của Bộ trưởng Giao thông Vận tải hiện đang là… cái bẫy với người tham gia giao thông vì quyết định này phải đến 15/3 mới có hiệu lực.
Hệ thống biển báo tốc độ đang “bẫy” người dân?
Hệ thống biển báo đã được dựng lên nhưng chưa có hiệu lực Pháp Luật...

 

Thời gian gần đây, rất nhiều người dân đã phản ánh một thực tế cho thấy sự thiếu đồng bộ về quản lý hành chính giữa ngành công an và ngành giao thông khiến trong nhiều trường hợp người dân bị xử phạt oan.

Đem nhiều bức xúc đến tòa soạn Dân trí, anh Phạm Tiến Định (Từ Liêm - Hà Nội) cho biết, vì điều kiện công việc phải đi công tác giữa các tỉnh nên anh rất ý thức việc chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông. Thế nhưng việc chấp hành đúng của tôi đã phải “trả giá” tại phòng cảnh sát giao thông công an tỉnh Thái Bình.

Anh Định cho biết: “là người dân nhiều khi chúng tôi không thể nắm được hết những quy định liên tiếp được Bộ GTVT và Bộ Công an ban hành nhưng chí ít chúng tôi cũng hiểu khi điều khiển xe môtô trên quốc lộ cần mang theo những loại giấy tờ gì và nhìn biển báo giới hạn tốc độ để chấp hành đúng.

Anh Định dẫn ra khoản 1, Điều 11 Luật Giao thông đường bộ quy định: “Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ”. “Vậy mà ngày 5/3 vừa qua khi chấp hành đúng theo biển báo giới hạn tốc độ khi tham gia giao thông thì tôi lại bị ngành công an xử phạt” - anh Định bức xúc.

Tìm hiểu được biết, đến giờ phút này, trên hầu hết các tuyến quốc lộ hệ thống biển báo giới hạn tốc độ mới đã được ngành giao thông dựng lên, tuy nhiên do phải đến ngày 15/3 tới quyết định 05/2007/QĐ-BGTVT mới có hiệu lực nên ngành công an vẫn căn cứ theo quyết định cũ (số 17/2004/QĐ-BGTVT ngày 30/9/2004 của Bộ trưởng Giao thông vận tải) để áp dụng xử lý vi phạm hành chính.

Quay trở lại trường hợp của anh Định, trên quốc lộ 1, địa phận Thái Bình, không có dải phân cách cố định, anh Định đã nhìn vào biển báo hạn chế tốc độ ở đầu đường cho phép xe môtô chạy với tốc độ tối đa 60km/h nên anh cứ nhìn côngtơmet xe mình xấp xỉ 60km/h để chạy. Cảnh sát giao thông đã tuýt còi yêu cầu xe anh dừng lại.

Anh Định đã xuất trình đầy đủ giấy tờ và khẳng định với đồng chí cảnh sát là mình không vi phạm luật giao thông, lúc này đồng chí cảnh sát mới đưa ra tấm ảnh việc bắn tốc độ xe anh mấy phút trước đó. Bức ảnh thể hiện anh Định điều khiển xe chạy 61km/h.

  

… hậu quả là biên bản vi phạm hành chính thể hiện việc anh Định chạy quá 11 km/h.

Anh Định đã trình bày việc mình nhìn biển báo đầu quốc lộ cho phép chạy với giới hạn 60 km và mong được thông cảm hoặc xử lý theo khoản 1 “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h”, Điều 13, Nghị định 152/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ.

Tuy nhiên sau khi nghe cảnh sát giao thông giải thích, anh Định mới vỡ ra rằng theo quy định hiện đang được áp dụng - quyết định số 17/2004/QĐ-BGTVT - thì với đoạn đường này anh chỉ có thể chạy xe với tốc độ cao nhất là 50km/h và như vậy với 11 km vượt quá anh đã bị xử phạt theo điểm a (Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h), khoản 6, điều 13, Nghị định 152/2005/NĐ-CP với mức “Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng” - mức xử phạt khá nặng.

Nếu nói về việc áp dụng điều khoản xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện tham gia giao thông thì rõ ràng ngành công an đã đúng, nếu nói về ý thức chấp hành giao thông thì rõ ràng anh Định và nhiều người dân là có thể thông cảm được.

Còn nói về những chiếc biển được dựng lên sớm, trên biển chỉ có nội dung giới hạn tốc độ mà không quy định rõ thời gian có hiệu lực khiến người dân vô tình “mắc bẫy” thì cũng chỉ dám hiểu là do cơ quan quản lý đường bộ (Cục Đường bộ) “buộc phải” dựng lên sớm cho kịp với tiến độ được giao mà thôi.

Để kết bài Dân trí xin trích nguyên văn lời anh Định: Nhìn biển báo cho phép như thế, và khi đang điều khiển xe, chắc rằng rằng khó có ai có thể xác định được xe đang chạy với tốc độ 60 hay 61km, đấy là chưa nói đến sự chính xác thống nhất giữa thiết bị bắn tốc độ của cảnh sát giao thông và của đồng hồ côngtơmet (xe anh Định mới mua của Honda VietNam và rõ ràng đã qua đăng kiểm của Bộ GTVT).

Và rõ ràng, cái đáng buồn nhất là trong mọi sự thiếu sót, tắc trách của các cơ quan quản lý nhà nước thì chỉ có người dân là "lãnh đủ hậu quả".

Ngọc Điệp

 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật