Kỷ niệm 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục (3-1907/3-2007): Lòng yêu nước, tri thức văn

Saigontin Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời vào tháng 3 năm 1907 tại số nhà 4 phố Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội do nhà sĩ phu yêu nước Lương Văn Can làm Hiệu trưởng - nay vừa tròn 100 năm (3-1907/3-2007).
Trước Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT), vào cuối thế kỷ 19, ở Bắc Kỳ đã thành lập Hội Trí Tri ngày 1-4-1892 ở số nhà 59 phố Hàng Đàn-nay là 47 Hàng Quạt do toàn quyền Pôn Đu-me (Paul Doumer) đứng đầu cùng 19 người Pháp và 108 người Việt mà đa số là người có địa vị, quyền thế. Cụ Nguyễn Văn Tố làm việc lâu năm, sẵn có uy tín được bầu làm Hội trưởng.Nếu như Hội Trí Tri được thành lập để thu hút các tầng lớp trí thức Nho học và Tây học, đẩy mạnh truyền bá tiếng Pháp-đề tài thường thiên về ngôn ngữ văn học, phong tục tập quán, vệ sinh, khoa học thường thức… thì trường Đông Kinh Nghĩa Thục thường tổ chức sinh hoạt, học tập tuyên truyền về lịch sử nước nhà, về địa lý, toán học, cách trí, vệ sinh… Đặc biệt ban cổ động, tuyên truyền của trường lại hô hào mọi người dân Việt Nam phải có lòng yêu nước, nhớ đến cội nguồn con Rồng, cháu Tiên, phải biết đoàn kết, yêu thương, đùm bọc lấy nhau, đào tạo những con người có ích cho đất nước, dùng hàng nội hóa, bài trừ mọi hủ tục mê tín dị đoan.Ngoài việc chống tư tưởng lạc hậu, Đông Kinh Nghĩa Thục còn mạnh dạn đưa ra đường lối tư sản tiến bộ, noi gương Nhật Bản và nền văn minh Âu Tây.Để truyền bá tư tưởng học thuật mới, Đông Kinh Nghĩa Thục rất chú trọng tới việc học chữ Quốc ngữ và làm cho chữ Quốc ngữ được phát triển, dần dần thay thế cho chữ Nho, chữ Nôm khó học.Tư tưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục lúc đó tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, chống thực dân, góp phần thức tỉnh đáng kể vào phong trào yêu nước cách mạng hồi đầu thế kỷ XX là phong trào Đông Du và Duy Tân.Ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục ngày càng có tiếng vang, khơi dậy trong lòng dân chúng Việt Nam một tinh thần yêu nước, đổi mới. Thống sứ Bắc Kỳ vội vã gửi công văn số 9, tháng 11 năm 1907 lên phủ Toàn quyền Đông Dương. Chỉ vài ngày sau đó, Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa, tổ chức bị tan rã, các hội viên bị bắt, bị tù đày. Các cụ Lương Văn Can, Nguyễn Quyền là những người chủ trì Đông Kinh Nghĩa Thục đều bị bắt. Sau 8 năm tù, cụ Lương Văn Can được trả tự do ngày 25-11-1921.Mặc dù trường Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa, tổ chức của phong trào bị đàn áp, tan rã nhưng phong trào học chữ Quốc ngữ khá rầm rộ ở Hà Nội, Hà Đông, có nội dung học tập tiến bộ, thiết thực và có nhiều đổi mới trong các biện pháp tuyên truyền vận động, tổ chức học vụ vẫn là những kinh nghiệm rất quý báu để chống nạn thất học gắn liền với nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng sau này do Hội Truyền bá học chữ Quốc ngữ-gọi tắt là Hội Truyền bá Quốc ngữ (TBQN) được thành lập ngày 25-5-1938 mà Hội trưởng là cụ Nguyễn Văn Tố, một nhà học giả uyên bác. Sau này khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cụ được Quốc hội khóa 1 nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa bầu làm Trưởng ban thường trực Quốc hội (tức là Chủ tịch Quốc hội).Thành quả học chữ Quốc ngữ do trường Đông Kinh Nghĩa Thục tổ chức tuy còn mới mẻ và rất hạn chế do nhà trường Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ tồn tại được một thời gian rất ngắn nhưng thứ chữ vừa dễ học, dễ đọc, dễ nhớ, vừa tiện lợi, lại chuẩn xác, dần dần trở thành chữ viết chính thống của quốc gia được các tầng lớp trí thức đầu thế kỷ XX như các nhà học giả Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Văn Tố… tiếp tục phát động công cuộc cách mạng chữ viết này.Dòng chảy của chữ Quốc ngữ đã được khơi thông và đúng lúc này, tuy Hội Truyền bá Quốc ngữ được phép công khai hoạt động nhưng nhà cầm quyền Pháp không ngớt gây nên những khó khăn trở ngại liên tục… nhằm hạn chế kết quả hoạt động của Hội. Nhớ lại thời kỳ đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Đi học là đi làm cách mạng”. Hội TBQN đã kế tiếp, ươm mầm để chữ Quốc ngữ được phát triển rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.Và chỉ đến sau ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, sau ngày Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945, Bác Hồ vô vàn kính yêu khai sinh ra ngành Bình dân học vụ (8-9-1945) và “… hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ (sắc lệnh số 20 ngày 8-9-1945). Các “Chiến sĩ diệt dốt”, những “Vô danh anh hùng” (lời Bác Hồ đề tặng) đã quyết tâm hăng hái thực hiện lời hịch “Chống nạn thất học” mang chữ Quốc ngữ tới khắp hang cùng, ngõ hẻm và đã tạo nên những kỳ tích, những mốc son trong lịch sử văn hóa nước nhà, vang dội cả thế giới. “Ăn quả, nhớ người trồng cây”, đó là đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam. Chữ Quốc ngữ mà Đông Kinh Nghĩa Thục đã gắng công vun trồng, khơi nguồn, nay đã 100 năm, tuy trải qua lắm thác ghềnh, đã nở rộ hoa thơm kết trái quả ngọt, là một nhân tố rất quý giá góp phần thúc đẩy từng bước đi lên của cách mạng, của xã hội Việt Nam.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật