Giải oan Hà Nội: Bún chửi, cướp áo mưa là ‘dân tộc tính’?

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Người ta cứ lên án Hà Nội thiếu văn minh khi có bún mắng, cháo chửi thậm chí người Hà Nội còn xấu đến nỗi chen nhau tranh giật những chiếc áo mưa nhưng đã đến lúc oan sai cần được làm sáng tỏ.
Giải oan Hà Nội: Bún chửi, cướp áo mưa là ‘dân tộc tính’?
Người ta chửi cả làng chứ có chửi ai đâu mà bận tâm

Câu chuyện văn hóa phục vụ "thượng đế" theo kiểu "bún mắng, cháo chửi" tại nhiều hàng quán ở Hà Nội đang trở thành tâm điểm tranh luận gay gắt của dư luận thời gian qua. Người ta đặt câu hỏi rất nhiều về văn hóa ứng xử, phong cách phục vụ khách hàng. Thậm chí nhiều người miền Nam còn lên án văn hóa này chỉ có ở miền Bắc.

Rõ là oan. Thử hỏi trên đời có ai bị chửi ra rả bên tai mà ăn vẫn thấy ngon không? Một cọng bún còn không nuốt được ấy chứ, vậy thì vì sao mấy quán hàng tai tiếng này không teo tóp mà ngày càng đông khách hơn. Bình tĩnh, công bằng mà phán xét xem nào, tại người Hà Nội kém văn minh dung dưỡng quán hàng đuổi khách hay bởi mấy quán ăn này hợp với tính cách người Việt quá.

Chắc hẳn, người dân Việt đa phần đều biết tới Nam Cao với truyện ngắn Chí Phèo nổi tiếng nằm trong chương trình dạy văn cấp phổ thông hay bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt, Làng Vũ Đại ngày ấy, kịch bản chuyển thể từ những truyện ngắn của nhà văn này. Cái anh Chí Phèo vừa đi giữa đường làng vừa chửi, chửi liên hồi, không hôm nào không chửi mà làng Vũ Đại vẫn bao dung, khoan thứ, ấy là vì sao? Xin thưa, vì cái lẽ "chắc nó chừa mình ra".

Đến đây, quý độc giả đã hiểu bí kíp ăn bún chửi ở đây là gì chưa? Hàng chục người vẫn ngồi ăn không ai nói chuyện với ai chỉ có tiếng của bà chủ quán chửi. Ơ nhưng có phải chửi mình đâu, chửi ai đó khác đấy chứ. Tô bún thì ngon, nước dùng vừa vặn, tội gì mà không đánh chén cho nó cái bụng nhỉ? Mình vẫn đường đường là thượng đế ở quán hàng này chứ đâu. Tự tin như người Hà Nội, phải đáng khen chứ sao lại bị chê trách nhỉ?

Người Sài Gòn cứ chê bún mắng cháo chửi của người Hà Nội là kém văn hóa, mất lịch sự. Đấy đấy, ai bảo người Sài Gòn nhạ‌y cả‌m quá. Người ta chửi đó đó chứ có phải chửi mình đâu. Nếu người Sài Gòn cứ quen với cách sống của làng Vũ Đại hiện đại Hà Nội thì chắc chắn 100% sẽ tôn mấy món "chửi" này là đặc sản.

Đấy đấy, cứ phải xem xét bản chất của hiện tượng, rồi hãy cất lời phán xét nọ kia. Ngay đến cả chuyện cướp áo mưa khiến người Hà Lan sợ chết khiếp chiều ngày 12/9 vừa qua cũng không phải bởi người Hà Nội tham của đâu nhé. Thủ đô văn minh, thanh lịch, mức thu nhập bình quân cao top đầu cả nước, có nghèo đâu mà cần tranh cướp cái áo mưa. Không, thưa quý vị độc giả, cướp áo mưa thể hiện rõ nét tính cách người Việt.

Mở đầu sự kiện, đại diện người Hà Lan có những lời chúc tốt đẹp tới người dân xung quanh đang có mặt tại đó. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau đó, không khí thay đổi nhanh chóng và trở nên hỗn loạn, mọi người tranh giành nhau, ai cũng cố gắng lấy nhiều nhất những món quà thiện chí về tay mình. Có người còn trèo lên cả sân khấu để cướp từ tay các tình nguyện viên và nhân viên đại sứ quán.Thậm chí có người khoác trên mình áo mưa rồi còn cố làm sao cho lấy thêm được vài cái nữa.

Ơ hay những kẻ dài miệng chê bai, cứ làm như việc này xa lạ lắm với tâm hồn cao quý của các vị vây? Người Việt từ xưa vẫn nhắc đi nhắc lại răn dạy con cháu rằng: "một miếng bên ngoài bằng một sàng xó bếp". Đã là miếng giữa làng thì ai ai cũng phải có phần, càng được phần nhiều càng vẻ vang thiên hạ. Có thể, nhiều người tranh về rồi lại vứt sọt rác nhưng không vì thế mà chịu thua kém người khác được.

Ngẫm lại, thấy người Hà Nội bị tiếng kém văn minh là oan uổng lắm. Đó là cái tâm lý chung của người Việt thôi chứ đâu riêng gì Hà Nội. Thoát khỏi cảnh tranh áo mưa, ra ngoài xã hội hoặc đi nơi khác người Hà Nội vẫn hào sảng, thanh lịch và văn minh như cái tiếng lâu đời của nó.

Phải chăng, đã đến lúc xóa bỏ cái tiếng ác về văn hóa Hà Nội. Đừng chê Hà Nội vì Hà Nội giống như một làng Vũ Đại thu nhỏ giữa thời hiện đại mà thôi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật