Khơi gợi tình yêu biển đảo cho học sinh

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuộc thi tìm hiểu chủ quyền biển đảo đang diễn ra ở Trường THCS Lý Tự Trọng (Tam Kỳ, Quảng Nam) đã khơi gợi tình yêu biển đảo, lòng yêu nước trong các em học sinh. Tuy chỉ tổ chức trong phạm vi nhỏ nhưng cuộc thi lại có ý nghĩa rất lớn.
Khơi gợi tình yêu biển đảo cho học sinh
Phần thi thuyết trình với nội dung “Những vi phạm của Trung Quốc trên biển Đông trong những năm gần đây” của lớp 8/3.

Năm học 2013-2014 là năm học thứ ba Trường THCS Lý Tự Trọng (Tam Kỳ, Quảng Nam) tổ chức thi tìm hiểu chủ quyền biển đảo cho học sinh toàn trường dưới các hình thức như viết, vẽ, nói, tùy độ tuổi của học sinh. Trừ phần thi viết, các hình thức thi còn lại đều được tổ chức vào giờ chào cờ mỗi đầu tuần. Vì thế, không khí ở trường vào giờ này luôn sôi nổi, hào hứng. Và đây cũng là một trong những giờ được các em học sinh mong đợi và háo hức nhất.

Không chỉ thuyết trình suông, một số chi đội còn có sáng kiến lồng ghép những hoạt cảnh, tranh minh họa, thơ, nhạc... vào phần thi của đội mình, góp phần tăng sự hấp dẫn, có tính thuyết phục. Nhiều phụ huynh khi đưa con đi học buổi sáng đã cố nán lại một chút; hay khi đi đón con vào buổi chiều đầu tuần, có người cố tình đến sớm hơn khoảng nửa tiếng để được nghe, được xem các lớp thể hiện tình yêu biển đảo.

Qua các buổi thi, hầu hết các em học sinh đều có nhận thức rõ và đầy đủ hơn về tình yêu biển đảo, về chủ quyền đất nước và bày tỏ quyết tâm học thật giỏi để góp phần bảo vệ Tổ quốc. Như trong bức thư gửi các chú ở bộ đội ở Trường Sa, một học sinh lớp 6 viết: “Cháu được sinh ra trên đất liền, tuy chưa một lần đặt chân lên đảo, nhưng cháu vẫn luôn ý thức rằng Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của đất nước Việt Nam. Cháu ước mơ một ngày được ra Trường Sa, đặt chân lên hầu hết các hòn đảo ở đây để hiểu hơn về cuộc sống của các chú bộ đội và người dân trên đảo. Đặc biệt, khi ra Trường Sa, cháu sẽ cố gắng ghé thăm đảo Phan Vinh - hòn đảo chìm mang tên người anh hùng của quê hương Quảng Nam chúng cháu. Các chú ơi, ở nơi đó các chú hãy cố gắng canh gác cho vùng biển quê mình thật bình yên các chú nhé. Nơi này chúng cháu sẽ cố gắng học tập thật tốt và lớn lên sẽ đóng góp một phần công sức cho đất nước như các chú”.

Về tranh, đa số các em vẽ về hình ảnh các chiến sĩ hải quân đang tuần tra, canh gác vùng biển quê hương; vẽ cảnh những con tàu hải quân Việt Nam uy dũng trên biển, vẽ hình ảnh cột mốc chủ quyền... Em Hồ Uyên Phương, học sinh lớp 8/3 cho biết, khi tìm đọc sách báo để bổ sung tư liệu cho bài thuyết trình của mình, em hiểu hơn sự hy sinh của các chú bộ đội trên đảo, hiểu hơn sự gian khổ của những ngư dân ngày đêm bám biển và càng yêu quý cuộc sống hòa bình.

Chia sẻ suy nghĩ này, em Phạm Viết Khánh Linh, học sinh lớp 9/1 tâm sự: “Qua những thông tin về những vi phạm của Trung Quốc trên biển Đông, em nghĩ rằng, để tỏ lòng yêu nước và góp phần giữ vững chủ quyền Tổ quốc, học sinh như chúng em phải học thật giỏi”.

Thầy Nguyễn Tấn Sĩ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thông qua cuộc thi, hiệu quả giáo dục ý thức về chủ quyền biển đảo sẽ được nâng cao, các em học sinh sẽ khắc sâu hơn kiến thức về lịch sử dân tộc đã học, sẽ biết rõ hơn tầm quan trọng của biển đảo đối với sự phát triển của đất nước.

Có thể nói, tuy cuộc thi tìm hiểu chủ quyền biển đảo chỉ tổ chức trong phạm vi hẹp của trường nhưng là hoạt động ngoại khóa có ý nghĩa lớn, bởi đã góp phần giúp học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc, qua đó nâng cao ý thức học tập. “Học sinh nói riêng và thế hệ trẻ nói chung, nếu không nhận thức được chủ quyền biển đảo, chủ quyền quốc gia, sẽ dễ bị các thế lực thù địch kích động. Sau khi tìm hiểu về chủ quyền biển đảo Việt Nam, các em sẽ có động cơ học tập tốt và có suy nghĩ, hành động đúng đắn để góp phần bảo vệ chủ quyền trước những thế lực thù địch” - thầy Nguyễn Tấn Sĩ nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật